Nga sẽ không cử phái đoàn dự hội nghị an ninh thường niên tại Munich, Đức tuần tới, đánh dấu lần đầu vắng mặt trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine.
- Tình báo Mỹ phát hiện trao đổi bí mật của sĩ quan Nga
- Nga ghi nhận kỷ lục 180 nghìn ca nhiễm COVID một ngày
- Mỹ nói 'không điều quân để gây chiến với Nga'
"Chúng tôi rất tiếc phải nói rằng những năm gần đây, hội nghị ngày càng bị biến thành diễn đàn xuyên Đại Tây Dương, mất đi tính bao trùm và khách quan. Sự quan tâm của Moskva đối với sự kiện này đã giảm đáng kể", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong cuộc họp báo hôm 9/2.
Zakharova tiết lộ quan chức Nga sẽ không dự hội nghị an ninh thường niên "vì nhiều lý do". Theo nhật báo Kommersant của Nga, một trong những lý do đưa tới quyết định của chính phủ là quy định cách ly bắt buộc 6 ngày ở Đức đối với người chưa tiêm vaccine được EU phê duyệt. Sputnik V, loại vaccine phổ biến nhất ở Nga, vẫn chưa được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt.
Tờ báo cũng cho rằng sự "bực tức" trước những bình luận chống Nga của nhà tổ chức cũng góp phần vào quyết định không cử phái đoàn của Moskva.
Nga tham dự Hội nghị An ninh Munich từ năm 1999. Những năm gần đây, phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov dẫn đầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng một lần dự hội nghị này vào năm 2007 và có bài phát biểu chỉ trích NATO cùng Mỹ.
Hội nghị An ninh Munich ra đời năm 1963, ban đầu được xem là diễn đàn đối thoại an ninh quan trọng nhất đối với mối quan hệ châu Âu - Mỹ, sau đó mở rộng ra nhiều chủ đề an ninh lớn trên toàn cầu. Hội nghị thường quy tụ các chuyên gia quan hệ quốc tế, các tổ chức nghiên cứu chiến lược và chính trị gia.
Hội nghị năm nay sẽ diễn ra vào tuần tới với sự tham dự của các chính trị gia cấp cao từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Quyết định của Nga được đưa ra trong bối cảnh tình báo Mỹ cáo buộc nước này dồn hơn 100.000 quân sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Moskva nhiều lần bác bỏ và khẳng định mọi động thái đều nhằm mục đích tự vệ, đồng thời yêu cầu phương Tây đáp ứng một loạt yêu cầu an ninh, trong đó có ngừng mở rộng NATO về phía đông.
Trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ở Moskva ngày 7/2, Putin nói Nga sẽ làm mọi thứ để tìm ra biện pháp dàn xếp làm vừa lòng các bên và "không ai thắng nếu nổ ra chiến tranh ở châu Âu".
Comments powered by CComment