Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ gửi vũ khí trực tiếp đến Ukraine gồm 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger.
Chính phủ Đức đã chịu sức ép từ công chúng liên quan đến việc phải gây áp lực với phía Nga
Berlin cũng đã bỏ một số hạn chế liên quan đến việc gửi các vũ khí do Đức chế tạo đến các khu vực xung đột, điều này có nghĩa các quốc gia thứ ba sẽ có thể gửi thêm vũ khí đến Ukraine.
Ông Olaf cho biết cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine đã tạo nên một bước ngoặt.
Động thái này đảo ngược chính sách lâu nay của Đức là cấm việc xuất khẩu vũ khí sang các khu vực có xảy ra xung đột.
Cùng lúc đó, các bộ trưởng của Đức cho biết họ đang tiến hành hạn chế việc Nga có thể tiếp cận hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu Swift theo một cách "có mục tiêu", "nhắm đúng người" để tránh những tổn thất phụ liên quan.
Trước đó, chính phủ liên minh gồm ba đảng của Đức gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (Green) đã phải đối mặt với những thách thức về sự đáp trả chặt chẽ đối với việc Nga xâm lược Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock trong một dòng tweet nói rằng: "Thế giới của chúng ta đã khác biệt hơn sau cuộc chiến tranh của Putin. Chúng ta sững sờ trước sự vi phạm luật pháp quốc tế này nhưng chúng ta không bất lực.
"Đó là lý do tại sao chúng ta giúp binh sĩ Ukraine chiến đấu với vũ khí chống tăng và tên lửa Stinger."
'Chiến đấu anh dũng'
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, Thủ tướng Anh nói rằng "mọi chuyện đang không diễn ra theo cách Tổng thống Putin muốn".
"Quân đội Ukraine đang chiến đấu anh dũng và chiến thắng lớn ở một số nơi," ông Johnson nói.
Ông Johnson nói rằng 1.000 binh sĩ đang được đưa đến khu vực để giúp dòng người tị nạn và ông cho biết chính phủ Anh "chắc chắn sẽ giúp những người phải đi sơ tán".
Hiện lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại thủ đô Kyiv của Ukraine và có hiệu lực đến sáng ngày thứ Hai 28/02 khi lực lượng Nga tiến vào và đã có một số cuộc giao tranh nổ ra ở một vài thành phố khác.
Theo ông Boris Johnson thì cần phải làm nhều hơn để "thay đổi bất lợi mà Ukraine đang phải đối mặt" từ cuộc xâm lược của Nga.
Theo ông thì các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn, bao gồm cắt đứt Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu Swift là cần thiết.
Vào tối ngày thứ Bảy 26/02, Ủy ban Châu Âu cùng Mỹ, Canada và Anh ra thông cáo rằng các ngân hàng Nga sẽ bị loại trừ khỏi hệ thống Swift.
Tài sản của ngân hàng trung ương Nga cũng sẽ bị đóng băng, giới hạn khả năng của Nga có thể tiếp cận các khoản dự trữ ở nước ngoài.
Theo thông cáo từ EU, Mỹ và các quốc gia đồng minh thì mục tiêu là "cô lập thêm Nga đối với hệ thống tài chính quốc tế".
Hiện Nga đang lệ thuộc rất lớn vào hệ thống Swift trong lĩnh vực xuất khẩu dầu và khí đốt.
Swift là tên viết tắt của "Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication", một hệ thống thông tin an toàn giúp việc thanh toán qua biên giới nhanh chóng, đảm bảo thực thi nền thương mại quốc tế.
Có trụ sở tại Bỉ, Swift giúp thực thi các giao dịch giữa hơn 11.000 ngân hàng và định chế tài chính trên toàn cầu.
Theo BBC
Comments powered by CComment