Nga được cho là thu về 65 tỷ USD nhờ xuất khẩu năng lượng trong hai tháng qua, tăng gần gấp đôi so với trước khi mở chiến dịch ở Ukraine.
- Hungary đồng ý thanh toán khí đốt Nga bằng ruble
- Ba Lan bị Nga dọa ngưng cung cấp khí đốt từ 27/4
- Tổng thống Pháp tái đắc cử, hai phe hữu tả lao ngay vào vận động bầu cử lập pháp
Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), nhờ giá năng lượng tăng cao liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga tăng cao, bất chấp sản lượng giảm do châu Âu tìm cách thoát phụ thuộc năng lượng nước này.
CREA là tổ chức nghiên cứu, tư vấn phi lợi nhuận về năng lượng và ô nhiễm không khí, có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan. Trung tâm này chuyên theo dõi tác động của ô nhiễm không khí bằng cách tiến hành các nghiên cứu dựa trên dữ liệu.
CREA cho biết làn sóng trừng phạt của phương Tây đã khiến lượng dầu thô xuất khẩu của Nga trong 3 tuần đầu tháng 4 giảm 30% so với cùng kỳ tháng 1 và 2, thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) đạt 46 tỷ USD trong hai tháng chiến sự, so với trung bình 12,6 tỷ USD/tháng năm 2021.
Dữ liệu từ CREA cho thấy nhiều tập đoàn phương Tây vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng lớn với Nga, trong đó có BP của Áo, tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell hay ExxonMobil của Mỹ.
Đức là nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất của Nga trong hai tháng qua với khoảng 9,5 tỷ USD, dù nước này đặt mục tiêu hạn chế phụ thuộc vào dầu khí Nga. Italy và Hà Lan cũng là những nhà nhập khẩu lớn, với số tiền mua năng lượng Nga lần lượt là 7,1 tỷ USD và 5,9 tỷ USD.
Sau thời gian lao dốc vì các lệnh trừng phạt, đồng ruble của Nga đã từng bước phục hồi và đạt đỉnh so với EUR trong hơn hai năm qua, với 75,43 ruble đổi 1 EUR trong giao dịch thương mại ngày 27/4, theo Reuters.
Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích CREA, nhận định giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine là "nhanh chóng xa rời nhiên liệu hóa thạch". "Tiếp tục nhập khẩu năng lượng là lỗ hổng lớn trong các biện pháp trừng phạt áp đặt với Moskva", ông Myllyvirta nhấn mạnh.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment