Dù bị Mỹ không kích tiêu diệt thủ lĩnh, al-Qaeda vốn đã suy yếu khó có khả năng tiến hành các vụ tấn công trả thù quy mô lớn.
Trung Quốc tổ chức trập trận lớn "chưa từng có" xung quanh Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/8 phát cảnh báo tới công dân ra nước ngoài, cho hay họ có nguy cơ bị tấn công trả thù sau khi Washington thực hiện chiến dịch "chặt đầu rắn", tiêu diệt thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của nhóm khủng bố al-Qaeda ở Kabul cuối tuần qua.
"Thông tin hiện tại cho thấy các tổ chức khủng bố tiếp tục lên kế hoạch tấn công lợi ích Mỹ ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Những cuộc tấn công này có thể sử dụng các chiến thuật như đánh bom tự sát, ám sát, bắt cóc, không tặc...", Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng al-Qaeda có khả năng tiến hành các cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn nhắm vào Mỹ sau khi thủ lĩnh al-Zawahiri bị tiêu diệt là rất thấp.
Daniel Hepworth, giáo sư Đại học Murray ở bang Kentucky, Mỹ, đã sử dụng dữ liệu khủng bố toàn cầu để phân tích các vụ tấn công của al-Qaeda và những chi nhánh của mạng lưới này từ trước cho đến hai tháng sau khi 4 thủ lĩnh hàng đầu bị tiêu diệt, trong đó có Osama bin Laden và Anwar al-Awlaki, để xem liệu có khả năng Mỹ bị tấn công trả thù hay không.
Câu trả lời là không. "Không có thay đổi đáng kể nào về loại hình hoặc mục tiêu cũng như tần suất tấn công của al-Qaeda. Thậm chí trung bình số người chết trong mỗi vụ tấn công đã giảm sau các vụ tiêu diệt thủ lĩnh", ông viết trong bài đăng trên Tạp chí Chính sách, Tình báo và Chống khủng bố năm 2014.
Kể từ sau cái chết của bin Laden, al-Qaeda đã suy yếu đáng kể, đặc biệt là với sự trỗi dậy của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thực tế cho thấy al-Qaeda không tiến hành thêm vụ tấn công lớn nào vào mục tiêu phương Tây kể từ sau vụ xả súng ở văn phòng tạp chí Charlie Hebdo, Paris, Pháp năm 2015.
Những nghiên cứu khác về tác động của những vụ tấn công "chặt đầu rắn" đối với hành vi và mức độ đe dọa của các nhóm khủng bố cho ra kết quả khá tương đồng.
5 năm sau khi Mỹ tiêu diệt bin Laden, chuyên gia khủng bố kiêm cố vấn tổ chức RAND Brian Michael Jenkins cho hay "các tay súng al-Qaeda từng thề trả thù cho cái chết của bin Laden, nhưng không có cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ kể từ năm 2011".
Nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng "loại bỏ các thủ lĩnh khủng bố không ảnh hưởng đến tỷ lệ các cuộc tấn công cũng như khả năng sụp đổ của tổ chức", theo Jenkins. Tuy nhiên, ông chỉ ra những vụ tập kích chính xác sẽ khiến thủ lĩnh nhóm khủng bố ẩn náu kỹ hơn, cản trở khả năng liên lạc và hoạt động, cũng như làm tổn thương tinh thần của nhóm.
Ông kết luận các vụ tiêu diệt thủ lĩnh tác động tiêu cực tới tổ chức khủng bố, nhưng không phải ảnh hưởng mang tính quyết định.
"Liệu al-Qaeda có thể bị tổn thương vì mất lãnh đạo hay không? Chắc chắn rồi. Nhưng thế giới liệu có an toàn hơn hay không? Có thể là không", ông viết.
Douglas London, cựu quan chức CIA, nhận định việc tiêu diệt al-Zawahiri chỉ khiến nhóm khủng bố al-Qaeda "nằm im thở khẽ" trong ngắn hạn. Ông nói al-Qaeda vẫn là một mối đe dọa mà Mỹ phải tiếp tục nỗ lực chống lại.
Ông trích dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc và các nước thành viên, trong đó có Mỹ, cho thấy al-Qaeda "thực sự là mối đe dọa lâu dài, thậm chí hơn cả phiến quân IS".
"Nhóm al-Qaeda có khát vọng lâu dài đối với việc tấn công Mỹ cả trong và ngoài lãnh thổ bất cứ khi nào có thể", London nói.
Điều đáng chú ý là al-Zawahiri bị tiêu diệt tại ngôi nhà an toàn ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi không chỉ nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, mà còn ở trong khu phố có rất nhiều thủ lĩnh Taliban sinh sống.
London cho rằng điều này tiết lộ nhiều về Taliban hơn là al-Qaeda. Ông lưu ý rằng al-Zawahiri từ lâu đã khuyến khích các thủ lĩnh ẩn náu ở các boongke ngầm. Do đó, nhiều người suy đoán rằng al-Zawahiri từ vùng núi hẻo lánh ở Pakistan chuyển đến sống ở Kabul vì áp lực của Taliban, để họ có thể "để mắt tới ông ta hoặc có một số công cụ tạo ảnh hưởng với nhóm".
"al-Qaeda và Taliban vẫn hợp tác rất tốt với nhau, nhưng tôi nghĩ Taliban muốn tìm cách giữ khoảng cách với nhóm này, để nếu al-Qaeda tấn công, phương Tây sẽ khó lần ra mối liên hệ giữa Taliban với các thành viên al-Qaeda ở Afghanistan", ông giải thích.
Thỏa thuận hòa bình Doha mà Mỹ và Taliban ký năm 2020 nêu rõ Taliban phải ngừng hỗ trợ cho các tổ chức mà Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, trong đó có al-Qaeda.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Taliban vi phạm "thô thiển" thỏa thuận, khi "chào đón và che giấu" al-Zawahiri, dù luôn đảm bảo rằng sẽ không chứa chấp những kẻ cực đoan. Trong khi đó, Taliban nói Mỹ vi phạm thỏa thuận khi tiến hành cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở Afghanistan.
"Hành động như vậy đang lặp lại những sai lầm trong 20 năm qua, đi ngược lợi ích của Mỹ, Afghanistan và khu vực", người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nói.
Zalmay Khalilzad, cựu đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, cho rằng cáo buộc của Ngoại trưởng Blinken hoàn toàn chính xác, trong khi Taliban "rõ ràng đã sai".
"Thỏa thuận rất rõ ràng. Cho phép một người từng vạch kế hoạch tiến hành vụ khủng bố 11/9 và thực hiện nhiều vụ tấn công khác vào Mỹ ẩn náu ở Kabul là hành động hoàn toàn vi phạm thỏa thuận Doha", ông nói.
Khalilzad thêm rằng Mỹ buộc Taliban phải chịu trách nhiệm về thỏa thuận mà họ đã ký. Đồng thời, Mỹ muốn duy trì khả năng tấn công bất cứ kẻ khủng bố nguy hiểm nào hiện diện trên lãnh thổ Afghanistan.
"Cam kết lưỡng đảng của chúng tôi là không cho phép Afghanistan trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố đe dọa Mỹ", ông nói. "Vụ không kích tiêu diệt al-Zawahiri chứng minh rằng dù không bất kỳ lực lượng quân sự nào ở Afghanistan, chúng tôi vẫn có khả năng và ý chí thực hiện cam kết đã đưa ra".
Theo VNE
Comments powered by CComment