"Đừng gọi đó là một cuộc phản công," phía Ukraine nói. "Đây là cuộc tấn công của chúng tôi, đây là cơ hội cuối cùng để chúng tôi đánh đuổi quân đội Nga khỏi lãnh thổ của chúng tôi."
Các binh sĩ Ukraine từ Lữ đoàn 35 đã đăng một bức ảnh, nói rằng họ đã chiếm lại ngôi làng Storozheve ở khu vực Donetsk phía đông
Được rồi, nhưng họ sẽ cần những gì để thực sự thành công?
Trước hết, đừng bị phân tâm bởi những vùng lãnh thổ nhỏ bé mà gần đây Ukraine đã phải chiến đấu gian khổ để giành lại, gồm những ngôi làng bị bỏ hoang một nửa ở phía đông Donetsk và vùng đông nam Zaporizhzhia.
Sau nhiều tháng bế tắc, hình ảnh những người lính Ukraine chiến thắng giương cao lá cờ màu xanh - vàng của đất nước họ trước một ngôi nhà đầy vết đạn là một động lực khích lệ tinh thần cho người dân Ukraine.
Nhưng trong bức tranh chiến lược lớn, đây chỉ là một màn trình diễn phụ.
Khu vực lãnh thổ do Nga chiếm đóng quan trọng nhất trong chiến dịch này là phía nam: khu vực giữa thành phố Zaporizhzhia và Biển Azov.
Đây được gọi là "hành lang trên bộ" nối Nga với bán đảo bị sáp nhập bất hợp pháp Crimea, phần trung tâm của vùng màu tím trên bản đồ bên dưới hầu như không thay đổi kể từ những tuần đầu của cuộc xâm lược vào năm ngoái.
Nếu Ukraine có thể cắt đôi khu vực đó và giữ vững vùng đất đã được chiếm lại, thì cuộc tấn công của họ phần lớn sẽ thành công.
Trên cơ sở đó, họ có thể sẽ cắt được quân đội Nga ở phía tây và gây khó khăn cho việc tiếp tế cho lực lượng đồn trú của Nga ở Crimea.
Việc này không nhất thiết đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến - đang được một số người dự đoán có thể kéo dài trong nhiều năm - nhưng sẽ đặt Ukraine vào một vị thế mạnh khi thương lượng trong các cuộc đàm phán hòa bình không thể tránh khỏi cuối cùng cũng diễn ra.
Nhưng phía Nga đã xem xét bản đồ từ khá lâu và đi đến kết luận tương tự.
Vì vậy, trong khi Ukraine đưa binh lính của mình tới các nước thành viên Nato để huấn luyện và chuẩn bị sẵn sàng 12 lữ đoàn thiết giáp cho chiến dịch mùa hè này, Moscow đã dành thời gian đó để xây dựng cái mà ngày nay được gọi là "công sự phòng thủ đáng gờm nhất trên thế giới".
Chặn đường quân đội Ukraine đến bờ biển - bờ biển của chính nước họ - là từng lớp bãi mìn của Nga, boongke chặn xe tăng bằng bê tông (được gọi là "răng rồng"), các vị trí bắn và những con hào đủ rộng và sâu để ngăn chặn xe tăng Leopard 2 hoặc M1 Abrams theo đúng nghĩa đen.
Bao trùm lên tất cả là khu vực pháo binh để giội các cơn mưa thuốc nổ mạnh vào các xe bọc thép của Ukraine khi binh lính của họ chờ đợi các kỹ sư tìm cách để vượt qua.
Những dấu hiệu ban đầu - và vẫn còn rất sớm trong chiến dịch này - là hệ thống phòng thủ của Nga cho đến nay vẫn đang giữ vững vị trí.
Lợi thế của Ukraine là tinh thần. Những người lính Ukraine có động lực lớn và chiến đấu để giải phóng đất nước của họ khỏi một kẻ xâm lược.
Hầu hết quân đội Nga không có động lực đó, và trong nhiều trường hợp, việc huấn luyện, trang bị và lãnh đạo của Nga kém hơn Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu ở Kyiv đặt hy vọng nếu họ có thể đạt được một bước đột phá đủ lớn thì sự suy sụp tinh thần sẽ lây lan trong hàng ngũ lính Nga, lan rộng khắp mặt trận khi quân đội Nga mất tinh thần chiến đấu.
Một điều cũng có lợi cho Ukraine là chất lượng khí tài mà các quốc gia Nato đã cung cấp. Không giống như các phương tiện bọc thép do Liên Xô thiết kế, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của Nato thường có thể chịu được đòn tấn công trực tiếp, hoặc ít nhất là đủ để bảo vệ kíp lái bên trong có thể sống sót để chiến đấu tiếp.
Nhưng liệu điều đó có đủ để chống lại sức mạnh của các cuộc tấn công bằng drone và pháo binh của Nga?
Nga, với tư cách là nước lớn hơn rất nhiều, có thể sử dụng nhiều tài nguyên hơn Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin, người bắt đầu cuộc chiến này, biết rằng nếu ông có thể dồn quân đội Ukraine vào thế bế tắc kéo dài sang năm sau thì có khả năng Mỹ và các đồng minh khác sẽ trở nên mệt mỏi trong việc ủng hộ cuộc chiến tốn kém này, và bắt đầu gây áp lực lên Kyiv để đạt được thỏa hiệp ngừng bắn.
Cuối cùng là vấn đề chiến đấu trên không. Tấn công một kẻ thù nấp dưới hào được đào sẵn mà không có sự hỗ trợ đầy đủ từ trên không là rất rủi ro.
Ukraine biết điều này, đó là lý do tại sao họ từ lâu đã kêu gọi phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ F16 cho mình.
Mỹ, nước tạo ra chúng, đã không bật đèn xanh cho việc này cho đến cuối tháng 5, khi đó giai đoạn chuẩn bị đầu tiên của cuộc tấn công của Ukraine đã được tiến hành.
Điều quan trọng đối với Ukraine là những chiếc F16 giúp thay đổi cuộc chơi giờ đây có thể đến chiến trường quá muộn để đóng vai trò then chốt trong giai đoạn đầu của cuộc phản công này.
Nhưng không có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ thua.
Hết lần này đến lần khác, họ đã chứng minh sự nhanh nhẹn, có tiềm lực và sáng tạo. Họ đã đánh đuổi thành công quân đội Nga ra khỏi Kherson bằng cách đánh vào các trung tâm hậu cần ở khu vực phía sau đến mức Nga không thể tiếp tế cho quân đội của họ ở thành phố phía nam này.
Được trang bị vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, Ukraine hiện đang cố gắng làm điều tương tự.
Nhưng giữa tất cả các tuyên bố và phản bác của một cuộc chiến được tuyên truyền, có thể phải mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi chúng ta có được bức tranh rõ ràng hơn về việc cuối cùng ai sẽ thắng thế trong cuộc chiến này.
Theo BBC
Comments powered by CComment