Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 14/5 đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. Việt Nam đã lên tiếng về bước đi này.

Quân đội Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận chung Rồng Vàng 2025 với Campuchia tại căn cứ hải quân Ream
Trước đó vào đầu tuần, tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn, tàu hải quân cỡ lớn của Trung Quốc, đã cập cảng tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, cùng với các thiết bị quân sự phục vụ cuộc tập trận thường niên có tên Rồng Vàng.
Theo thông báo của Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF), cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của lục quân, hải quân và không quân với chủ đề "Hiệp đồng chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo".
Trong đó, gần 900 binh sĩ Trung Quốc và hơn 1.300 binh sĩ Campuchia tham gia tập trận trong hai tuần từ, 14 - 28/5, tại Trung tâm huấn luyện cảnh sát quân sự (Phnom Chum Sen Rikreay) ở tỉnh Kampong Chhnang và tỉnh Preah Sihanouk.
Theo Đại tướng Chhum Sucheat, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia, các hoạt động bao gồm việc sử dụng vũ khí hiện đại, pháo binh, súng cối, xe bọc thép và xe cứu hộ, tàu chiến, trực thăng và các khí tài quân sự tiên tiến khác.
Ngoài ra, hai bên còn triển khai các thiết bị bay không người lái, robot phẫu thuật, chó robot, tàu đổ bộ, thiết bị trinh sát và tấn công không người lái, vũ khí hạng nhẹ, thiết bị tình báo, dụng cụ y tế, chất nổ, đạn dược và các trang thiết bị hiện đại khác.
Tiến sĩ Benjamin J. Sacks từ trung tâm nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc cuộc tập trận Rồng Vàng năm nay lớn hơn về phạm vi, quy mô lẫn kịch bản mô phỏng chiến tranh làm dấy lên nhiều mối lo ngại từ các nhà quan sát bên ngoài Trung Quốc và Campuchia về mục tiêu lâu dài trong mối quan hệ song phương của hai nước.
"Liệu đây có phải là một liên minh chiến lược, kiểu 'tôi cho anh cái này, anh cho tôi cái kia', hay chỉ là một hình thức răn đe?" ông nêu vấn đề.
'Làm sâu sắc cộng đồng chung vận mệnh'
Cuộc tập trận Rồng vàng đầu tiên giữa Trung Quốc và Campuchia được tổ chức vào năm 2016. Đến đầu năm 2017, Campuchia đã hủy bỏ cuộc tập trận chung với Mỹ có tên "Angkor Sentinel", vốn đã được tổ chức đều đặn trong 7 năm trước đó.
Campuchia hiện là đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, còn Bắc Kinh là đồng minh và nhà tài trợ quan trọng nhất của Phnom Penh. Viện trợ và đầu tư của Trung Quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của Campuchia trong những thập niên gần đây.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Campuchia vào tháng 4/2025.
Đại tướng Chhum Sucheat nhấn mạnh rằng cuộc tập trận năm nay "thể hiện tình hữu nghị truyền thống bền chặt giữa hai quốc gia, được tăng cường hơn nữa qua chuyến thăm của ông Tập, góp phần làm sâu sắc thêm cộng đồng chung vận mệnh Campuchia - Trung Quốc".
Theo Tiến sĩ Sacks, về nguyên tắc cơ bản, các cuộc tập trận song phương hay đa phương thường được tổ chức vì một số lý do chính, và một trong số đó là để kiểm tra khả năng hiệp đồng tác chiến.
"Nghĩa là các lực lượng của Trung Quốc và Campuchia có thể phối hợp hoạt động đến mức nào - không chỉ về mặt trang thiết bị (trên bộ, trên biển và có thể cả trên không hoặc mạng), mà còn về huấn luyện chung và điều phối hành động.
"Có thể thấy rằng Trung Quốc và Campuchia, khi đã tiến hành cuộc tập trận lần thứ bảy kể từ năm 2017, rõ ràng đang nỗ lực tiêu chuẩn hóa và tăng cường khả năng phối hợp để có thể hoạt động như một lực lượng thống nhất. Việc tập trận chung cũng mở ra khả năng phát triển vũ khí hoặc chiến thuật quân sự chung trong tương lai," ông lí giải.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Campuchia hồi tháng 4/2025
Bên cạnh khả năng tương tác, nhà nghiên cứu từ RAND Corporation cũng nêu lên mối quan ngại về quy mô và phạm vi của cuộc tập trận Rồng Vàng năm nay.
"Từ trước đến nay, các cuộc tập trận này luôn diễn ra tại Vịnh Thái Lan. Và nếu đứng từ góc độ địa lý, Vịnh Thái Lan có vị trí địa chiến lược rất quan trọng trong quan hệ quốc tế. Nhiều người thường xem Biển Đông là một không gian riêng biệt, nhưng thực chất nó có kết nối trực tiếp với các khu vực khác, và đó là lý do tại sao đây là một trong những tuyến đường biển chiến lược nhất thế giới", ông Sacks nói.
"Ở phía tây Vịnh Thái Lan là eo biển Malacca – một nút thắt cực kỳ quan trọng. Ở phía đông là khoảng trống dài khoảng 1.000km giữa Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam và bang Sabah của Malaysia. Dù khoảng cách này có vẻ xa, nhưng theo chuẩn mực an ninh hiện đại thì không hề lớn.
"Vì vậy, người ta có thể đặt giả thuyết rằng các cuộc tập trận chung này nhằm giúp Trung Quốc, thông qua Campuchia, tạo ra phương tiện để kiểm soát Vịnh Thái Lan, và từ đó ngăn chặn sự di chuyển của các lực lượng phương Tây qua eo biển Malacca hoặc hành lang giữa Vịnh Thái Lan và Biển Đông," ông nhận định.
Tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn
Một yếu tố mà các chuyên gia nhận định là quan trọng trong cuộc tập trận Rồng Vàng năm nay là sự hiện diện của tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn thuộc lớp Type-071 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo Bộ Tư lệnh Hải quân Campuchia, tàu này có lượng giãn nước khoảng 20.000 tấn, dài 210 mét, rộng 28 mét, mớn nước 7 mét và có thể đạt tốc độ tới 25 hải lý/giờ.
Chuyên gia Harrison Prétat, Phó Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nói với BBC rằng việc PLA mang theo một con tàu lớn như vậy cùng với hai tàu hộ vệ Type 56 mà Trung Quốc đã triển khai tại Ream từ tháng 12/2024 "thực sự làm cho cuộc tập trận năm nay trở nên quy mô, vì họ có thể thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau".
Chính phủ Campuchia đã cố gắng trấn an các nước phương Tây bằng cách tuyên bố rằng căn cứ hải quân Ream chỉ có khả năng tiếp nhận tàu hải quân tối đa 20.000 tấn.
"Thực tế là 20.000 tấn vẫn là một con số rất lớn," theo Tiến sĩ Benjamin J. Sacks.
"Để dễ hình dung, một tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ có lượng giãn nước khoảng 10.000 –12.000 tấn; còn tàu khu trục Arleigh Burke, lớp tàu phổ biến nhất của Hải quân Mỹ, khoảng từ 6.000 đến hơn 11.000 tấn, tùy theo phiên bản. Nghĩa là các tàu khu trục và thậm chí tàu tuần dương của Mỹ hoàn toàn có thể cập cảng tại căn cứ này," ông nêu ví dụ.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu này nhận định rằng tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn của Trung Quốc có thể có lượng giãn nước lên đến 25.000 tấn khi đầy tải, và nó hoàn toàn phù hợp với cơ sở vật chất mới của căn cứ Ream.

Tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn của Trung Quốc
"Nói một cách đơn giản, cầu cảng tại Ream hiện nay cho phép hỗ trợ kỹ thuật, bảo dưỡng và tiếp tế cho các khí tài hải quân lớn của Trung Quốc, bao gồm cả Type 071 – mặc dù được gọi là tàu đổ bộ, nhưng trên thực tế, chúng hoàn toàn có thể đóng vai trò tàu chỉ huy trong các chiến dịch hải quân xa bờ.
"Tàu này có khả năng đổ bộ một số lượng lớn binh lính, xe đệm khí, và có thể chở tới sáu trực thăng vận tải hạng nặng Harbin của Trung Quốc. Đây là những tài sản quân sự có ý nghĩa chiến lược mà Bắc Kinh đang triển khai không chỉ trong khuôn khổ các cuộc tập trận Rồng Vàng, mà còn như một cách thể hiện rằng họ có thể sử dụng căn cứ Ream như một căn cứ tiền phương – ít nhất là về mặt lý thuyết.
"Đây không đơn thuần là một tàu đổ bộ và căn cứ Ream không đơn thuần chỉ phục vụ mục đích 'tập trận hữu nghị'. Các chi tiết trên cho thấy quy mô và ý đồ chiến lược đang mở rộng, và cả khu vực, bao gồm Việt Nam, các nước ASEAN, và phương Tây đều đang theo dõi rất sát sao", ông Sacks nhận định.
Trung Quốc đang làm gì ở Ream?
Căn cứ quân sự Ream của Campuchia nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng 30 km về hướng tây bắc.
Căn cứ này nằm cạnh cảng biển nước sâu Sihanoukville thuộc đặc khu kinh tế Sihanoukville, nơi được ví như "Thâm Quyến của Trung Quốc".
Hôm 5/4, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chủ trì lễ khánh thành quân cảng Ream và khai trương Trung tâm Trợ giúp và Huấn luyện chung Căn cứ Hải quân Ream Campuchia-Trung Quốc.
Tại buổi lễ, ông Hun Manet khẳng định Campuchia sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào lập căn cứ quân sự tại Campuchia:
"Tôi xin tuyên bố rằng Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo sẽ không bao giờ cho phép thành lập bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào tại Campuchia - cả trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai," báo Khmer Times dẫn lời ông Hun Manet hôm 5/4.
Buổi lễ có sự tham dự của Phó Tổng Tham mưu trưởng, Ủy viên cấp cao Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tào Thanh Phong và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Uông Văn Bân.

Trung Quốc đã triển khai hai tàu hộ vệ Type 56 tại Ream từ năm 2024 và đã công bố việc tặng cho Campuchia hai tàu chiến lớp này
Sau lễ khánh thành, căn cứ mà Campuchia tuyên bố là "mở cửa cho tất cả các quốc gia thân thiện" nhanh chóng đón các chuyến thăm của Nhật Bản, Việt Nam và Nga.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Harrison Prétat của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) chỉ ra rằng có vẻ như Trung Quốc vẫn có quyền tiếp cận độc quyền một số khu vực của Ream.
"Khu vực quan trọng nhất và rõ ràng nhất là cầu tàu mới nhất, lớn nhất tại Ream được xây dựng do Trung Quốc tài trợ. Cầu tàu đó chưa được bất kỳ tàu nào sử dụng ngoại trừ tàu hải quân Trung Quốc.
"Hải quân Campuchia cũng chưa sử dụng cầu tàu này. Khi Nhật Bản và Việt Nam đến căn cứ, họ đã sử dụng bến cảng khác ở phía nam," ông Prétat nói với BBC.

Ngoài ra, AMTI cũng đã xem xét những hình ảnh và thông tin công khai mà Campuchia công cố trong các hoạt động, chuyến thăm của nuớc ngoài cũng như trong lễ khánh thành các cơ sở do Trung Quốc xây dựng.
"Những gì chúng tôi phát hiện là lực lượng Campuchia trong các hoạt động thường nhật và trong các chuyến thăm nước ngoài chỉ xuất hiện nhiều ở nửa phía nam của căn cứ, nhưng hầu như không có hình ảnh nào từ nửa phía bắc – khu vực được đồn đoán là dành riêng cho Trung Quốc phát triển," ông Prétat nói.
"Nửa phía bắc của căn cứ rất đáng chú ý vì hoàn toàn vắng mặt trong tất cả các bức ảnh và thông cáo báo chí – ngoại trừ buổi lễ khánh thành chung giữa Trung Quốc và Campuchia vào đầu tháng 4/2025.
"Nhưng qua hình ảnh vệ tinh, chúng tôi có thể thấy nhiều cơ sở quân sự quan trọng thực sự nằm ở nửa phía bắc của căn cứ. Trong các ảnh vệ tinh, chúng tôi nhận thấy có một cơ sở chứa đạn dược ở phía bắc," chuyên gia AMTI nói thêm.
Cho đến nay, giới chuyên gia và các nhà quan sát vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc Trung Quốc có quyền tiếp cận độc quyền với căn cứ quân sự Ream hay không?
"Có phải Trung Quốc đang vận hành một căn cứ thường trực tại Ream? Chúng ta chưa biết. Liệu đây chỉ là một điểm dừng kỹ thuật, nơi tàu Trung Quốc có thể ghé lại để tiếp tế, sửa chữa, bảo dưỡng – tương tự như cơ sở hải quân của Anh tại Singapore? Cũng chưa thể kết luận được," Tiến sĩ Sacks nói.
Trong khi đó, ông Prétat cho rằng: "Chắc chắn sẽ có một công trình nào đó được xây dựng trên một khu đất rất rộng ngay phía bắc căn cứ hải quân Ream. Câu hỏi quan trọng ở đây là liệu Trung Quốc có tham gia vào đó không và liệu họ có được quyền tiếp cận đặc biệt tại khu vực đó giống như tại căn cứ hải quân Ream hay không."
Điều này hiện vẫn chưa được xác nhận, nhưng những bức ảnh được tướng Campuchia Tea Banh công bố khi ông đến kiểm tra địa điểm xây dựng căn cứ phòng không ở phía bắc cho thấy ông đã đi cùng với Đại sứ Trung Quốc Uông Văn Bân.
"Đây có thể là một dấu hiệu ban đầu cho thấy Trung Quốc có thể tham gia vào quá trình nâng cấp hoặc có quyền tiếp cận nhất định với các cơ sở này," nhà nghiên cứu Prétat nhận định.
Nhưng theo Tiến sĩ Sacks, giả sử Ream thực sự trở thành một căn cứ hải quân thường trực của Trung Quốc, thì đây cũng chỉ là một trong hai tiền đồn quân sự ở nước ngoài của Bắc Kinh, bên cạnh căn cứ ở Djibouti (châu Phi).
"Điều này vẫn còn cách rất xa so với hệ thống căn cứ toàn cầu của Mỹ, chưa kể đến các đồng minh lớn khác như Anh và Pháp. Vì vậy, dù đáng lo ngại về mặt chiến lược, điều này chưa cho thấy rằng Trung Quốc đã đạt được một vị thế toàn cầu tương tự phương Tây, nhưng rõ ràng là họ đang mở rộng từng bước theo hướng đó," nhà nghiên cứu từ RAND Corporation nhận định.

Ông Uông Văn Bân, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia (trái), và Thủ tướng Campuchia Hun Manet trong lễ khánh thành căn cứ Ream hôm 5/4
Việt Nam có nên lo ngại?
Hồi trong tuần, người phát ngôn quân đội Campuchia, Thiếu tướng Thong Solimo, đã nói với hãng thông tấn AP rằng: "Chúng tôi tiến hành cuộc tập trận này [Rồng Vàng] chỉ để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường khả năng tự vệ và có thể tham gia xây dựng hòa bình trong khu vực và thế giới."
Về phía mình, Việt Nam cũng đã lên tiếng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 15/5 tuyên bố:
"Chúng tôi cho rằng hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc."
Theo chuyên gia Sacks, Hà Nội có thể thấy mình đang bị kẹt ở giữa, tiến thoái lưỡng nan với những gì đang diễn ra.
"Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng nguy cơ leo thang đối với Hà Nội, chứ chưa nói đến toàn khu vực, là rất thấp," ông đánh giá.
Theo ông, trước hết, tất cả các cuộc tập trận này đều được tiến hành hoàn toàn phù hợp với luật pháp hàng hải quốc tế, mà nền tảng là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Điểm thứ hai có thể giúp Hà Nội yên tâm hơn là dù cuộc tập trận Rồng Vàng năm nay có quy mô lớn nhưng nếu nhìn vào bức tranh an ninh toàn diện hơn, thì tình hình không đến mức đáng lo hay mang tính chất leo thang.
"Hiện có hiệp ước phòng thủ ngũ cường (FPDA) giữa Anh, Singapore, Malaysia, Úc và New Zealand, được thiết lập từ những năm 1970. FPDA tiến hành các cuộc tập trận thường niên một cách âm thầm và có trung tâm chỉ huy – điều khiển tại Malaysia, giúp bảo vệ khu vực phía nam Biển Đông và cả rìa phía tây của Vịnh Thái Lan.
"Hiện cũng có cuộc tập trận thường niên Balikatan giữa Mỹ và Philippines. Nếu nhìn lên phía bắc, có Đài Loan, dù đây là một trường hợp đặc biệt. Nhưng xa hơn nữa là Hàn Quốc, với lực lượng quân đội ngày càng lớn mạnh và khả năng phối hợp tác chiến ngày càng cao. Và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản là một đội quân hiện đại và rất mạnh, gần như hoàn toàn có khả năng tác chiến chung với quân đội Mỹ."
"Vì vậy, cuộc tập trận Rồng Vàng sẽ được đặt vào bối cảnh là một hoạt động tương đối nhỏ gọn và đang bị bao quanh bởi nhiều liên minh và mối quan hệ đối tác chính thức hoặc không chính thức."
"Do đó, Hà Nội không nên xem việc các quốc gia này cùng tập trận là hành động gây leo thang, mà ngược lại, điều này nên được xem là sự trấn an, rằng họ vẫn hiện diện trong khu vực," ông kết luận.
Ông Prétat cũng đồng tình rằng nguy cơ đối với Việt Nam hiện tại là rất thấp.
"Vị trí địa lí của căn cứ Ream không nhất thiết mang lại cho Trung Quốc khả năng kiểm soát mới đối với các khu vực khác, ví dụ như Biển Đông," nhà nghiên cứu này nhận định.
Theo ông, các đảo mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông hiện cung cấp vị trí thuận lợi hơn nhiều để triển khai lực lượng nếu họ muốn kiểm soát vùng biển quanh Việt Nam, eo biển Malacca hay các khu vực hàng hải quan trọng khác.
"Vì vậy, ở một góc độ nào đó, căn cứ Ream không làm thay đổi đáng kể năng lực của Trung Quốc trong việc phô diễn sức mạnh ở khu vực."
"Tuy nhiên, nó lại là một dấu hiệu quan trọng về quan hệ Campuchia – Trung Quốc, và mức độ hai nước có thể đồng hành chiến lược, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong trường hợp xảy ra xung đột hay một tình huống an ninh trong khu vực," ông nhấn mạnh.
Theo BBC
Comments powered by CComment