Việt Nam tăng cường chống hàng giả và vi phạm bản quyền kỹ thuật số sau khi bị Mỹ cáo buộc là một trung tâm lớn về các hoạt động bất hợp pháp về các vấn đề này và đe dọa áp thuế nặng nề. Các tài liệu mà tiếp cận cho thấy điều đó.

Theo một văn bản ban hành ngày 1/4 của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhiều mặt hàng đang được kiểm tra chặt chẽ hơn ở biên giới để xác định hàng chính hãng hay không, trong đó có hàng xa xỉ của Prada và Gucci (thuộc sở hữu của Kering), thiết bị điện tử của Google và Samsung cũng như đồ chơi của Mattel và Lego.
Hàng tiêu dùng như dầu gội và dao cạo râu của Procter & Gamble và các sản phẩm của Johnson & Johnson cũng nằm trong danh sách này.
Cuộc xử lý này tập trung vào hàng nhái nhập khẩu, chứ không phải hàng sản xuất tại Việt Nam dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lo ngại về hàng trong nước.
Một chiến dịch chống lại việc sử dụng phần mềm lậu cũng đang được tiến hành, theo một công văn từ Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi ngày 14/4 cho một công ty địa phương - tên công ty đã được ẩn trong tài liệu mà Reuters tiếp cận được.
Lá thư này được gửi sau khi Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) - hiệp hội thương mại toàn cầu của ngành với các thành viên có thể kể đến Microsoft, Oracle và Adobe - khiếu nại.
Một nguồn thạo tin cho biết các lá thư tương tự đã được gửi đến hàng chục công ty khác kể từ đầu tháng Tư.
Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như các công ty được nhắc tên, đều không trả lời yêu cầu bình luận.
Một người phát ngôn của BSA cho hay họ đã nhiều năm kêu gọi Việt Nam giám sát và hành động chống lại việc sử dụng phần mềm trái phép.
Những động thái gần đây của Việt Nam là một phần trong hàng loạt biện pháp đã thực hiện hoặc cam kết thực hiện của quốc gia Đông Nam Á có ngành công nghiệp dựa vào xuất khẩu này nhằm thuyết phục chính quyền Trump xem xét lại các mức thuế đối ứng.
Việt Nam đang đối mặt với mức thuế 46% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất của nước này. Mức thuế này đang được tạm hoãn cho đến tháng Bảy.
Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức để tránh thuế quan từ trước khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu vào ngày 2/4.
Việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả cuộc chiến chống hàng giả và vi phạm bản quyền kỹ thuật số, là một trong những vấn đề đang được thảo luận với Mỹ trong các cuộc đàm phán về thuế quan đang diễn ra.
Theo một người được thông báo về vấn đề này, các vấn đề khác cũng đang được thảo luận trong đó có việc giảm mức thặng dư thương mại khổng lồ của Việt Nam, chống gian lận thương mại, hàng chuyển tải bất hợp pháp và giảm các rào cản thuế quan cũng như phi thuế quan cho các doanh nghiệp Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng trước đã chỉ đạo các quan chức tăng cường cuộc chiến chống gian lận thương mại, nhất là về nguồn gốc hàng hóa, hàng giả.
Các biện pháp này nhằm mục đích làm hài lòng Washington. Tuy nhiên một số biện pháp có thể gây khó chịu cho Trung Quốc - nguồn nhập khẩu chính của Việt Nam.
'Chợ tai tiếng'

Trung tâm thương mại Saigon Square
Mặc dù các biện pháp kiểm soát hàng giả nhập khẩu đã được tăng cường, nhưng tuần trước, tại Trung tâm Thương mại Saigon Square ở trung tâm TP HCM, những mặt hàng xa xỉ giả mạo mà nhà chức trách nhắm đến vẫn được bày bán công khai.
Trung tâm thương mại này nằm trong danh sách "các chợ tai tiếng về hàng giả" do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố vào tháng Một.
"Đây không phải hàng thật mà là hàng Trung Quốc," một nhân viên bán hàng tại một gian hàng trong chợ nói về những chiếc ví và túi Prada mà cô đang bán.
Cô cũng nói thêm rằng thắt lưng Prada giả, cũng có sẵn tại gian hàng của cô, là hàng Việt Nam sản xuất. Người này từ chối tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Các cuộc gọi đến Saigon Square đều không có người trả lời. Thông tin trên trang web của trung tâm này cho thấy họ cung cấp hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ.
USTR đã xóa một khu chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc khỏi danh sách theo dõi mới nhất được công bố vào tháng Một sau một đợt trừng phạt của chính quyền địa phương.
Họ khen ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại các hành vi bất hợp pháp nhưng cũng bày tỏ lo ngại về việc tiếp tục bán hàng giả trực tuyến và vai trò của Việt Nam trong việc sản xuất hàng nhái.
Nền tảng Việt Nam của gã khổng lồ thương mại điện tử Shopee có trụ sở tại Singapore vẫn là một trung tâm lớn để buôn bán hàng giả, USTR cho hay.
Trong một báo cáo khác được công bố vào tháng Tư, USTR nhận định:
"Khi ngày càng có nhiều thương hiệu chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, các bên liên quan báo cáo rằng Việt Nam đã trở thành một nhà sản xuất quan trọng các sản phẩm giả mạo."
USTR và Shopee đều không trả lời yêu cầu bình luận.
Để cải thiện việc bảo vệ bản quyền, Việt Nam đang có kế hoạch thành lập các tòa án chuyên biệt để thực hiện cam kết của Việt Nam về việc thực thi nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ và thu hút đầu tư nước ngoài, theo một dự thảo luật mà Reuters tiếp cận được - dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng Sáu.
Theo BBC
Comments powered by CComment