Từ Little Saigon đến Eden Center là một câu chuyện dài, với bao thăng trầm của lớp thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau biến cố 197

Ông Alex Nguyễn, 85 tuổi, cựu đại tá Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), một trong những cư dân kỳ cựu của cộng đồng người Việt Hoa Thịnh Đốn, nói với chúng tôi: Trước khi nhắc đến Eden Center – một “biểu tượng” của cộng đồng người Việt miền Đông Hoa Kỳ, cần phải nhớ lại “xóm” Little Saigon ở Arlington, Virginia. Chính tại Arlington, những người Việt có mặt ở Mỹ sau 1975 đã để lại những dấu ấn đầu tiên trong những ngày dựng nên cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng Hoa Thịnh Đốn…
Một Little Saigon ở miền Đông Hoa Kỳ
Những doanh nghiệp đầu tiên dựng nên khu Little Saigon ở Arlington, giờ nhắc lại, chắc không còn nhiều người nhớ. Đó là Saigon Market, siêu thị Pacific Oriental, tiệm vải My An, tiệm kim hoàn Dat Hung, quán Cafe Dalat… Bây giờ, tấm bảng “Little Saigon” ở Arlington không còn. Vết tích duy nhất còn lại đến tận nay là nhà hàng Nam-Viet do ông Nguyễn Văn Thời dựng nên năm 1987, sau khi ông khai trương tiệm My An cách đó không xa vào năm 1984.
Trước năm 1975, ước tính chỉ có 15,000 người Việt sống rải rác ở Mỹ. Sau khi Sài Gòn sụp đổ, con số đó tăng vọt. Theo Kim O’Connell, tác giả tập sách mỏng “Echoes of Little Saigon,” có hơn 130,000 người tị nạn Việt Nam đã đến Mỹ chỉ trong ba năm, từ 1975 đến 1978. Một bài báo Washington Post đăng năm 1979 ước tính, thời điểm đó, có tới 20,000 người Việt hiện diện ở vùng Hoa Thịnh Đốn, biến Washington DC và vùng lân cận trở thành nơi có nhiều người Việt nhất sau Nam California và Houston, Texas. Trong lớp người mới đến, đa số là thành phần có học thức, từng giữ các vị trí cao trong chính quyền VNCH và do vậy có nhiều quan hệ với chính giới Hoa Kỳ.

Các khu dân cư đông đúc người Việt ở Bắc Virginia nằm dọc Wilson Boulevard và Columbia Pike, kéo dài về phía Tây, đến Falls Church và Annandale. Buôn bán bắt đầu phát triển. “Chợ” không chỉ là nơi mua bán, đặc biệt hàng hóa Á Châu. Nó còn là chỗ để mọi người kết nối. Khu vực Clarendon tại Arlington County, với hai trục chính – Wilson Boulevard và Clarendon Boulevard – trở thành một trong những nơi đông nhất quy tụ thế hệ người Việt đầu tiên có mặt ở Mỹ sau chiến tranh.
Sở dĩ nơi này được chọn vì lúc đó Arlington chưa phát triển nên giá thuê rẻ. Thế là chỉ trong hai năm, hàng loạt bảng hiệu Việt Nam được dựng lên. Doanh nghiệp người Việt đầu tiên, cửa tiệm Saigon Market, được thành lập bởi một cựu nhân viên Đại Sứ Quán VNCH, và cửa hàng tạp hóa thứ hai, Vietnam Center, được mở bởi một phụ nữ Việt (vợ một viên chức CIA). Năm 1977, siêu thị nhỏ Pacific khai trương… Hai năm sau, loạt cửa hàng Việt Nam ra đời: Lotus Imports, chuyên bán đồ gia dụng Á Châu; Dat Hung Jewelry; Saigon Souvenir; My An Fabrics; Mekong Center…
Đến cuối thập niên 1970, khu vực buôn bán phồn thịnh của người Việt tại Arlington, với các tiệm trải dài từ ngã tư Washington Boulevard, Wilson Boulevard đến Highland Street, bắt đầu được gọi là “Little Saigon.” Đó là nơi in dấu chân những nhân vật tên tuổi, từ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đến cựu Đại Sứ VNCH Bùi Diễm…

Một bài báo trên The Washington Post đăng ngày 3 Tháng Chín, 1989 của Elsa C. Arnett (con gái của ông Peter Arnett, phóng viên chiến trường kiêm sử gia chiến tranh Việt Nam) viết: “Clarendon là trung tâm cộng đồng người Việt dọc miền Đông, thu hút 15,000 đến 20,000 du khách vào cuối tuần, hầu hết là người gốc Việt. Họ dạo quanh các cửa hàng và ăn uống tại những nhà hàng được trang trí bằng những bức tranh màu nước về Sài Gòn xưa (…) Trong 76 doanh nghiệp ở Clarendon, có 30 đến 35 doanh nghiệp do người Á Châu làm chủ, chủ yếu là người Việt…”
Người Việt đến Little Saigon không chỉ để mua nước mắm hoặc vải lụa may áo dài. Đó là nơi họ nhận được những tin tức hiếm hoi về Việt Nam. (Cố) Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích (dẫn lại từ “Echoes of Little Saigon”) kể rằng tại một số cửa hàng ở Little Saigon-Arlington, người ta treo bảng thông báo, nơi những người tị nạn đăng tin với hy vọng mong manh có thể biết được tung tích người thân còn kẹt lại ở Việt Nam. Hơn thế nữa, người ta đến Little Saigon để gặp gỡ bạn bè, để nhắc nhớ quê hương, để ôn lại ký ức và thậm chí để chia sẻ những nỗi ưu tư tương lai…
Trở thành địa điểm của cộng đồng, Little Saigon thường xuyên tổ chức những chương trình lễ hội văn hóa dân tộc. Cựu Đại Tá VNCH Alex Nguyễn kể lại rằng gần như năm nào người ta cũng tổ chức lễ hội trăng rằm đón Trung Thu. Và suốt gần 20 năm, ông chủ Nguyễn Văn Thời của tiệm ăn Nam-Viet không bao giờ quên làm tiệc Tất Niên cho người Việt lẫn các cựu binh Mỹ. Sinh hoạt cộng đồng lúc đó rất nhộn nhịp, đầy tinh thần tương thân tương ái. Bà Kim Cook thành lập Hội Tái Định Cư Người Việt tại Falls Church; bà Khúc Minh Thơ thành lập Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam; và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích xông xáo tổ chức các chương trình dạy Việt Ngữ…

Little Saigon trở nên nổi tiếng và quen thuộc đến mức nhiều người Việt từ những nơi xa xôi như Pennsylvania, Kentucky, North Carolina và Tennessee cũng đến để “cảm nhận hương vị quê nhà.” Và Little Saigon trở nên quan trọng đến mức Arlington trở thành “địa chỉ” được những người trong các trại tị nạn Đông Nam Á nhắc đến như nơi chốn cần phải đến để sống khi họ sang Mỹ định cư…
Từ Passage Eden đến Eden Center
Little Saigon-Arlington không tồn tại lâu. Ngày 1 Tháng Mười Hai, 1979, sau nhiều năm lập kế hoạch, metro Clarendon được khai trương. Đó là thời điểm mà chính quyền Arlington đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng. Việc xuất hiện metro Clarendon khiến giá bất động sản lên ào ạt. Giá nhà thuê tăng chóng mặt.
Trong “Echoes of Little Saigon,” tác giả Kim O’Connell cho biết, vào năm 1975, một mặt tiền ở Clarendon có giá thuê $5 một foot vuông. Đến năm 1989, cùng một không gian bán lẻ tương tự, giá thuê là $25 một foot vuông. Chịu không thấu, nhiều cơ sở doanh thương của người Việt buộc phải dẹp tiệm. Một số người bỏ nghề, một số khác chuyển địa điểm. Chủ sở hữu Pacific ráng trụ thêm 10 năm nhưng cuối cùng đóng cửa vào năm 1989. Mekong Center và My An cũng đóng cửa vào năm đó.

Năm 1995, 20 năm sau khi rời bỏ quê hương sang Mỹ lập nghiệp, nhiều người ngậm ngùi chia tay Little Saigon. Lúc đó, Little Saigon chỉ còn vài hàng quán như Cafe Dalat, Little Viet Garden và Queen Bee.
Đến năm 2015, chỉ một tiệm duy nhất ở nơi từng một thời là Little Saigon còn mở cửa – đó là tiệm ăn Nam-Viet của ông Nguyễn Văn Thời.
Đến nay (2025), sau 50 năm kể từ 1975 và 20 năm kể từ khi ông Thời mất (ngày 15 Tháng Mười Hai, 2005), Nam-Viet vẫn đón khách, nơi bên trong tiệm, bây giờ người ta vẫn thấy những bức ảnh treo kín tường, chụp những nhân vật chính trị “dữ dằn” của nước Mỹ, từ Tổng Thống Bill Clinton, Tổng Thống George W. Bush, đến (cố) Thượng Nghị Sĩ John McCain, cùng rất nhiều tướng tá Hoa Kỳ… Họ từng đến ăn uống ở Nam-Viet và chụp ảnh lưu niệm với ông chủ Nguyễn Văn Thời…
Rời Little Saigon ở Arlington, giới làm ăn người Việt chuyển đến Falls Church, Virginia. Ông Alan Frank, người quản lý Eden Center từ năm 1995 đến nay, kể tóm tắt với chúng tôi về sự hình thành Eden: Giữa thập niên 1980, ước tính có đến 60% người Việt sống trong phạm vi 3 dặm quanh Seven Corners.

Quan sát cộng đồng người Việt đang phát triển, ông trùm bất động sản Norman Ebenstein, chủ công ty Capital Commercial Properties, đã nhận ra cơ hội làm ăn. Lúc đó, khu vực Seven Corners thuộc Falls Church có trung tâm mua sắm Plaza Seven, được xây vào năm 1962, từng là nơi làm ăn của một số doanh nghiệp Mỹ, trong đó một tiệm vỏ xe, một tiệm sơn, một cửa hàng 7-Eleven, siêu thị Zayre và một cây xăng (vẫn còn hoạt động đến nay). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của họ lúc đó rất bết bát. Thế là Capital Commercial Properties hồi sinh Plaza Seven bằng cách mời người Việt vào.
Cuối cùng, năm 1984, siêu thị Grand Union rộng 20,000 foot vuông được dọn trống chỗ; và một nhóm doanh nhân Việt từng làm ăn ở Clarendon rủ nhau đến thuê. “Sự tham gia của họ báo hiệu sự khởi đầu của một bản sắc mới mang dấu ấn một trung tâm thương mại và văn hóa sôi động dành cho người Mỹ gốc Việt,” ông Alan Frank nói.
Cái tên Plaza Seven biến mất và được thay bằng “Eden Center.” Những cơ sở thương mại đầu tiên có mặt thời “khai thiên lập địa” của Eden Center là DuPont Jewelry của vợ chồng ông bà David và Vicki Từ, tiệm hớt tóc Hoàng Thơ, tiệm bánh mì Như Lan… Những doanh nghiệp này đến nay vẫn hoạt động.
Để thu hút thêm cộng đồng người Việt, ông chủ bất động sản người Do Thái Norman Ebenstein đã cho xây một tháp đồng hồ theo mô hình chợ Bến Thành. Sau đó, theo thỉnh cầu từ một tổ chức người Việt địa phương, người ta đặt tên những vị tướng nổi tiếng của VNCH trong khu vực đậu xe Eden Center. Những ngày đầu, Eden Center chứng kiến không chỉ hoạt động buôn bán. Nó còn là địa điểm của vài băng nhóm giang hồ. Một số cuộc đụng độ đổ máu và bắn nhau đã xảy ra – theo lời kể của ông Thanh Trần, chủ tiệm Thanh’s Video.

Dù vậy, hoạt động buôn bán sầm uất vẫn là dấu chỉ đáng nói nhất khi nhắc đến Eden Center, nơi trở thành biểu tượng của “người Việt Hoa Thịnh Đốn” – cách nói quen thuộc của người địa phương để chỉ cộng đồng người Việt sống ở Washington DC, Virginia và Maryland.
Ngôn ngữ và ẩm thực không là sợi dây duy nhất liên kết cộng đồng. Eden còn là “chứng nhân” của những câu chuyện nhắc nhớ ký ức đau thương của những người rời bỏ quê hương. Người ta kể cho nhau những ngày cuối cùng của Sài Gòn. Người ta nhắc lại những chuyến tàu vượt biên rùng rợn. Người ta hồi tưởng những kỷ niệm của Sài Gòn yêu dấu bây giờ xa cách ngàn trùng.
Năm 2022, một tấm bảng lịch sử được dựng lên phía ngoài, sát cổng Eden Center, với nội dung nhắc rằng “Hàng ngàn người tị nạn Việt Nam đã di cư đến Mỹ sau khi thủ đô Sài Gòn của Nam Việt Nam sụp đổ…;” rằng “Eden Center đã phát triển với hơn 120 cửa hàng và nhà hàng. Là địa điểm quần tụ trong khu vực của người Mỹ gốc Việt, nơi đây đã trở thành nguồn hàng hóa Việt Nam lớn nhất ở miền Đông.”
Điều bất ngờ là tấm bảng lịch sử được dựng lên nhờ công của các em học sinh trường trung học Mary Ellen Henderson Middle School ở Falls Church. Năm 2021, các em tham gia cuộc đề cử “Địa điểm tưởng niệm Lịch sử Tháng Di sản Người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương” (Asian American and Pacific Islander Heritage Month Historical Marker). Eden Center đã được chọn.
Ông David Tarter, thị trưởng Falls Church, nói rằng Eden Center “thật sự là nơi giao thoa văn hóa, không chỉ với cộng đồng người Việt mà còn với toàn bộ vùng Bắc Virginia.” Tương tự Little Saigon-Arlington ngày nào, Eden Center giờ đây là nhà của nhiều người Việt.
Ông chủ Thanh’s Video nói với chúng tôi: “Eden thật sự là nhà của tôi. Căn nhà của tôi chỉ là nơi để ở,” trong khi đó, Eden là nơi để sống, để gặp gỡ, để chia sẻ, để tưởng niệm 30 Tháng Tư, để tổ chức ngày Quân Lực VNCH hằng năm, để đốt pháo và múa lân tưng bừng ăn Tết Nguyên Đán, để nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, để chứng kiến thế hệ trẻ trưởng thành khi chúng được nuôi dưỡng và ăn học thành tài từ chính “ngôi nhà Eden” mà thế hệ trước đã dựng nên.
Tại sao đặt tên là “Eden?”
Không phải tự nhiên mà cái tên “Eden” được chọn. Kể với chúng tôi, ông Hoàng Nam – con của ông Hoàng Thơ, một trong chín người đầu tiên có mặt ở Eden Center – cho biết, sở dĩ cái tên Eden được chọn là vì người ta muốn nhắc đến thương xá Eden ở Sài Gòn trước 1975.
Những ngày đầu, theo lời ông Hoàng Nam, nhóm người người Việt đầu tiên làm ăn ở đây đã bàn với nhau nên đặt tên gì. Không thể nhớ chính xác ai là người đưa ra ý kiến dùng cái tên Eden nhưng chắc chắn lúc đó tất cả đã đồng ý chọn “Eden,” để nhắc nhớ thương xá Eden mà người Sài Gòn xưa quen gọi là Passage Eden, một địa điểm quen thuộc của dân Sài Gòn cố cựu nằm ở trung tâm thủ đô Nam Việt Nam.
Sài Gòn chưa bao giờ biến mất khỏi ký ức những người xa quê hương. Những hình ảnh của Sài Gòn vẫn in đậm trong tim họ. Lấy lại cái tên Eden, người ta muốn “hồi sinh” một phần ký ức Sài Gòn xưa, theo một cách rất riêng.
Hóa ra việc đặt tên “Eden” là một điều hay. Eden Sài Gòn ngày nào đã bị xóa sổ nhưng “thương xá” Eden không biến mất. Nó hiện diện ở đây, tại Mỹ, ở tiểu bang Virginia này.
Theo Trúc Phương/NVO
Comments powered by CComment