Thêm hơn 9.600 ca COVID-19, Hà Nội gần 300 F0
Tính từ 16h ngày 18/11 đến 16h ngày 19/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.625 ca nhiễm mới.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (454.061), Bình Dương (246.668), Đồng Nai (81.067), Long An (37.119), Tiền Giang (23.481).
Như vậy kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.075.094 ca nhiễm. từ 17h30 ngày 18/11 đến 17h30 ngày 19/11 ghi nhận 102 ca tử vong tại TP.HCM (55).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 93 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.578 ca
Chủ tịch Hà Nội: F0 không hề giảm dù tiêm 2 mũi vắc-xin, ngược lại còn tăng
Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3 tại quận Đống Đa vào sáng 19/11, cử tri Bùi Ngọc Thanh (phường Trung Liệt) đề nghị thành phố cần lộ trình cụ thể về tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời, ông cũng kiến nghị thành phố sớm có kế hoạch mở lại trường học vì học sinh học trực tuyến không đảm đảm chất lượng…
Trả lời đề nghị của cử tri, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố đã cân nhắc rất kỹ về việc an toàn khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Đáng chú ý, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết, hiện tỷ lệ F1 chuyển hóa thành F0 trong giai đoạn “thích ứng an toàn” lên tới trên 13%. Điều này phản ánh mức độ lây lan sau khi đã tiêm 2 mũi vắc-xin đã tăng hơn, không hề suy giảm mà bệnh chỉ nhẹ hơn (trước đó, ngay sau đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ này chỉ từ 7-8%).
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị cảnh cáo, miễn nhiệm chức Trưởng ban
Bộ Chính trị quyết định cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 19/11.
Tại cuộc họp, Bộ đã cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021; Ban Bí thư quyết định khai trừ Đảng đối với Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường.
Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 và vi phạm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường là rất nghiêm trọng.
Các vi phạm làm thiệt hại, thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản…
Trước đó ngày 4/11, ông Trương Quốc Cường bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thứ trưởng Cường bị khởi tố với cáo buộc liên quan sai phạm để VN Pharma nhập thuốc giả vào Việt Nam.
Bà Dương Thị Bạch Diệp bị tuyên án chung thân
Tối 19/11, sau 4 ngày xét xử và nghị án, toà cho rằng bà Dương Thị Bạch Diệp dù không nhận tội, song có đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội, chiếm đoạt 186 tỷ đồng.
Bà Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, tức Diệp Bạch Dương, Giám đốc công ty bất động sản cùng tên).
Cơ quan công tố cáo buộc bà Diệp là người cầm đầu, chủ mưu trong vụ dùng tài sản 57 Cao Thắng (đã thế chấp ngân hàng) để hoán đổi lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM – TTCNN) rồi chiếm đoạt.
Trong 3 ngày diễn ra phiên tòa, bà Diệp tiếp tục kêu oan, đưa ra các tài liệu chứng cứ mới liên quan đến khoản vay 67.000 lượng vàng tại Agribank và khẳng định nhà đất 57 Cao Thắng “không dùng thế chấp cho khoản vay này”. Tuy nhiên, bà không đồng ý nộp chứng cứ gốc cho tòa với lý do “đây là sinh mạng” của mình.
Bào chữa cho bà Diệp, các luật sư cho rằng vấn đề mấu chốt để cáo buộc bà Diệp lừa đảo là đã mang nhà đất 57 Cao Thắng đang thế chấp tại ngân hàng để hoán đổi cho thành phố lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, căn cứ buộc tội còn nhiều mâu thuẫn, bất thường chưa được làm rõ. Từ đó luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ tiếp tục điều tra làm rõ sự thật khách quan.
Theo HĐXX, hành vi của bà Diệp và các cá nhân liên quan đã được làm rõ bản chất của hành vi phạm tội.
toà cho rằng, quá trình điều tra và xét xử dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác – thừa nhận hành vi phạm tội và phù hợp với các tài liệu liên quan được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau… đủ cơ sở xác định bị cáo đã lợi dụng các mối quan hệ để đề xuất hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bà Dương Thị Bạch Diệp mức án tù chung chân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công Thương lý giải: Vì sao dầu ăn, đường, gas ở TP.HCM tăng giá mạnh?
Tại họp báo chiều ngày 18/11, trả lời câu hỏi về việc nhiều mặt hàng tiêu dùng đang có xu hướng tăng giá mạnh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tươi sống tại các siêu thị nhìn chung ổn định.
Tuy nhiên có một số mặt hàng như dầu ăn, đường, xăng dầu, gas… có xu hướng tăng giá do tình hình giá biến động trên toàn thế giới. Bên cạnh đó do chi phí phòng, chống dịch Covid-19, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng…”.
Trên cơ sở đó để bình ổn giá và thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tới, lãnh đạo Sở cho biết đơn vị sẽ triển khai nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi, bình ổn giá… Đồng thời, sẽ có kiến nghị đến Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để kéo mặt bằng giá cả xuống.
Theo khảo sát của phóng viên Zing tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP.HCM, nhiều loại thực phẩm có xu hướng tăng trở lại so với thời điểm đầu tháng 10. Người dân lẫn người kinh doanh đều bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều đồng loạt tăng trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
ĐKN (Tổng hợp)
Comments powered by CComment