Các nạn nhân của Công ty CP địa ốc Alibaba sẽ nhận được gì từ số tiền hơn 1.400 tỷ đồng mà CQĐT kê biên được của Nguyễn Thái Luyện?
- Hơn 5.700 người bị địa ốc Alibaba lừa mua dự án 'ma'
- Vốn hóa của Alibaba 'bay hơi' 344 tỷ USD sau một năm
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Kết luận điều tra xác định, Công ty CP địa ốc Alibaba với danh nghĩa kinh doanh bất động sản nhưng bản chất thực sự là lừa đảo, huy động vốn theo hình thức đa cấp và sử dụng các dự án ma làm mồi nhử khiến khách hàng sập bẫy.
Tập đoàn lừa đảo này đã khiến 5.671 khách hàng sập bẫy, chiếm đoạt được số tiền 2.435 tỷ đồng.
Ba anh em của Nguyễn Thái Luyện |
Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là lập ra 22 công ty khác nhau, mua 58 khu đất nông nghiệp ở các tỉnh thành như: Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rồi san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng trái phép, vẽ ra các dự án ma, rồi quảng bá hoành tráng là dự án khu dân cư đẳng cấp để bán cho khách hàng.
Tin tưởng vào lời dụ dỗ của Luyện và đồng bọn, 5.671 khách hàng đã giao tiền cho chúng, đến nay khi Alibaba sụp đổ, các nạn nhân “như ngồi trên đống lửa” khi không biết số phận đồng tiền “xương máu” của mình đi về đâu.
Cơ quan điều tra thu giữ nhiều tài liệu tại các công ty con của địa ốc Alibaba. Ảnh: Thanh Tùng |
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên các bất động sản tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng trị giá ước khoảng 1.400 tỷ đồng; đồng thời phong tỏa, tạm giữ 45,4 tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng của các bị cáo và các công ty con thuộc Công ty Alibaba cùng 23 ô tô có giá trị 15,2 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng cũng tiến hành thủ tục tạm giữ các khoản tiền do Công ty Alibaba đặt cọc cho các chủ nhà là 1,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tài sản kê biên này có được cơ quan tố tụng trả lại cho các nạn nhân hay không và hình thức trả như thế nào, PV VietNamNet đã trao đổi với luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM).
Theo luật sư Trần Đình Dũng, việc giải quyết nghĩa vụ tiền trả cho bị hại thực hiện theo quy định Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014.
Luật sư Trần Đình Dũng |
Theo đó, trong số tiền hơn 1.400 tỷ tài sản kê biên của Alibaba được ưu tiên hoàn trả cho các khoản án phí, trả cho ngân hàng (nếu có), số còn lại sẽ chia theo tỷ lệ để hoàn trả cho các bị hại. Số tiền hơn 2.435 tỷ đồng của các bị hại được chia tỷ lệ phần trăm với số 1.400 tỷ.
Như vậy, các bị hại có thể nhận được số tiền gần một nửa số tiền đã chuyển cho phía Alibaba. Số hơn một nửa còn lại các cá nhân bị cáo có nghĩa vụ trả cho bị hại khi có tiền.
Cũng theo luật sư Dũng, trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần làm rõ con số chênh giữa tài sản hiện có và tài sản chiếm đoạt (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) đã đi đâu, nhằm thu hồi hoàn trả cho các bị hại.
“Tôi cho rằng, với khoảng thời gian chỉ vài ba năm, ông Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm khó có thể chi tiêu cá nhân hết số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng đó”, luật sư Dũng khẳng định.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment