Năm 2021 khép lại với những con số không mấy khả quan cho nền kinh tế Việt Nam: tăng trưởng GDP 2,58% thấp nhất trong 30 năm qua, số người thất nghiệp tăng cao, lương bình quân của công nhân sút giảm.
Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 quy định giờ làm của lao động VN sẽ lên đến 72 giờ/tuần
Đối với người lao động Việt Nam, năm 2022 được mở ra với những dấu hiệu không mấy tốt đẹp: tiền lương tối thiểu bị đóng băng, công nhân sẽ phải làm việc nhiều hơn, do quy định mới cho phép tăng giờ làm thêm, thậm chí tới 72 giờ một tuần.
Ngoài ra, tiền thưởng Tết xuống thấp, đã gây bất mãn đưa tới đình công như ở Công ty Pou Chen vừa qua.
Lương tối thiểu năm 2022 ngang với 2020, trên thực tế đồng nghĩa với giảm lương
Trước năm 2020, tiền lương tối thiểu của công nhân thường được tăng mỗi năm 5-7% để bù đắp phần nào với đời sống mỗi ngày mỗi đắt đỏ.
Năm 2021, gọi là để hỗ trợ doanh nghiệp vì đại dịch, tiền lương tối thiểu cho công nhân không được tăng.
Cũng như vậy, năm 2022, lương tối thiểu vẫn ở mức năm 2020. Cụ thể là 4.420.000 đồng/tháng cho lao động vùng I như Hà Nội, Sài Gòn; hay là 3.070.000 đồng/tháng cho lao động vùng IV, ở vùng sâu vùng xa.
Cần nhắc lại là công nhân VN làm việc bình thường là 48 tiếng/tuần. Như vậy công nhân vùng IV được trả tầm 16.000 đồng/giờ, tương đương với 0,624 euro/giờ.
Thu nhập bình thường gồm tiền lương, các khoản phụ cấp và tiền thưởng cũng không thể nào đủ để trang trải cuộc sống. Cho nên, việc đóng băng lương tối thiểu trên thực tế đồng nghĩa với giảm lương do vật giá mỗi ngày một tăng, lại gây thêm khó khăn cho công nhân,.
Nâng mức giờ làm lên 72 giờ/tuần trong mọi ngành nghề, kể cả công việc độc hại, nguy hiểm có phù hợp với luật Lao Động 2019?
Do ảnh hưởng của chủ trương "Zero Covid" trong năm 2021 mà nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hay hoạt động cầm chừng (chủ trương 3 tại chỗ, 1 cung đường) trong một thời gian dài.
Để hỗ trợ những doanh nghiệp này hoàn thành các hợp đồng đã ký, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 15/12/2021 đã ban hành thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (viết tắt trong bài là quy định 2022), quy định thời gian làm việc đối với lao động làm công việc có tính cách thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.
Thông tư ra ngày 15/12/2021 nói về giờ làm việc của công nhân VN từ 2022:
"Điều 6. Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm
1. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ.
2. Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định như sau:
a) Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ.
b) Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ."
Có khác biệt với các quy định trước, theo hướng xấu đi cho công nhân:
Để có thể đo lường hết hậu quả của quy định mới, đặc biệt là vấn đề làm thêm giờ, ta cần so sánh những khác biệt của thông tư này với các quy định có hiệu lực trước đây trong thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH (viết tắt trong bài là quy định 2015), cũng như các điều khoản liên quan tới việc làm thêm giờ trong bộ Luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020 NDCP.
Khác biệt quan trọng nhất giữa quy định 2015 và quy định 2022 là quy định 2022 bãi bỏ sự phân biệt giữa công việc bình thường và công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và cho phép tăng thêm giờ làm việc hàng tuần tới 72 giờ/tuần cho mọi công việc.
Theo quy định 2015 thì công nhân làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm việc hàng ngày 6 giờ, thêm giờ phụ trội tối đa 9 giờ. Công việc bình thường mỗi ngày là 8 giờ, tối đa 12 giờ. Giới hạn tổng cộng giờ làm trong tuần là 48 giờ cho công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là 64 giờ cho công việc bình thường. Giới hạn giờ làm thêm trong tháng là 24 giờ cho công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là 32 giờ cho công việc bình thường.
Quy định 2022 không lưu tâm tới công việc nặng nhẹ, độc hại, nguy hiểm hay không, ấn định giờ làm việc hàng ngày cho tất cả nghề nghiệp là 8 giờ, cộng thêm giờ phụ trội tối đa là 12 giờ. Mức giờ tổng cộng trong tuần được nâng lên tới 72 giờ/tuần cho mọi nghề nghiệp. Nghĩa là tăng thêm tới 24 giờ/tuần cho công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tăng thêm 8 giờ/tuần cho công việc bình thường so với quy định 2015. Mức giờ làm thêm trong tháng được ấn định tối đa 40 giờ/tháng. Nghĩa là tăng thêm 16 giờ/tháng cho công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, hay tăng thêm 8 giờ/tháng cho công việc bình thường so với quy định 2015.
Về giới hạn giờ làm thêm trong năm, quy định mới 2022 cho phép tới 300 giờ, không giới hạn ở ngành nghề nào. Điều này không phù hợp với bộ Luật Lao động 2019, chỉ cho phép tới 200 giờ/năm (chương VII, mục 1, điều 107, khoản 2c). Được làm thêm tới 300 giờ chỉ trong phạm vi một số ngành nghề nhất định có liệt kê chi tiết rõ ràng ở khoản 3 trong điều 107.
Quy định 2022 không phân biệt ngành nghề có nguy hiểm độc hại hay không, không những là một bước lùi so với quy định 2015 mà còn đi ngược với tinh thần của Luật Lao động 2019. Chương VII, mục 1, điều 105, điểm 3 của Luật Lao động ghi rõ: "Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại…".
Do vậy, cần xem xét việc làm thêm giờ theo thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có vi phạm luật Lao động 2019 hay không?
Quy định 2022 đặt quyền lợi của chủ lên trên?
Tiếng là nhà nước Xã hội Chủ nghĩa do giai cấp công nông lãnh đạo nhưng chính sách rõ ràng là ưu đãi giới chủ doanh nghiệp: từ việc đóng băng lương tối thiểu tới quy định tăng giờ làm việc cho công nhân để doanh nghiệp có thể hoàn thành hợp đồng đặt hàng sau thời gian dịch Covid lên cao điểm.
Thêm vào đó, quy định 2022 không giới hạn thời gian có hiệu lực. Có nghĩa là sau này, khi dịch Covid qua đi, các quy định về tăng giờ làm thêm vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực. Các xí nghiệp vẫn có văn bản pháp lý để ép công nhân làm thêm nhiều giờ.
Không những thế, việc kiểm soát của nhà nước lại được giảm thiểu khi quy định cho phép chủ nhân đưa báo cáo việc làm thêm giờ lồng vào báo cáo định kỳ hàng năm về an toàn, vệ sinh lao động. Trước đây thì việc thông báo chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm giờ (Nghị định 145/2020 NDCP, điều 62, khoản 2).
Còn về phần công nhân thì sao? Họ phải làm việc nhiều hơn, nhưng về thời giờ nghỉ ngơi thì quy định 2022 không hơn quy định 2015. Theo đó, công nhân được nghỉ một ngày mỗi tuần. Trong những tháng thời vụ hoặc gấp rút gia công hàng xuất khẩu thì có thể công nhân vẫn phải làm việc liên tục 26 ngày trong tháng, không nghỉ cuối tuần.
Với việc thực hiện quy định mới 2022 thì điều này không thể được chấp nhận. Gia tăng giờ làm việc mà không đủ thì giờ nghỉ ngơi sẽ khiến công nhân kiệt sức, đưa tới việc sản phẩm không đạt chuẩn cùng việc dễ xẩy ra tai nạn lao động, đặc biệt là ở những công việc độc hại, nguy hiểm.
Người lao động tiếp tục gánh chịu phần thiệt thòi với đồng lương ít ỏi dậm chân tại chỗ. Họ tiếp tục phải vắt kiệt sức lực làm thêm giờ để kiếm tiền đủ trang trải cuộc sống. Bất chấp công việc của họ có độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm hay không. Bất chấp các hậu quả về việc sức khỏe sẽ suy sụp, về việc thiếu thì giờ cho gia đình, cho bản thân và cả cho việc săn sóc, dạy dỗ con cái.
Tăng lương chứ không tăng ca là nhu cầu của người lao động
Giải pháp chỉ có thể là tăng lương đủ sống để người lao động không phải tăng ca (làm thêm giờ) quá đáng. Công việc, nếu nhiều, thì hãng xưởng phải thu nhận thêm nhân công để giải quyết, chứ không thể buộc công nhân làm thêm giờ quá nhiều.
Đây là hướng giải quyết của một chính sách lao động nhân bản, nền tảng của sự phát triển bền vững.
Theo BBC
Comments powered by CComment