Giá dầu thô thế giới tăng lên ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua sau những bất ổn an ninh gia tăng tại khu vực Trung Đông.
- Lần đầu tiên 2022, giá xăng trong nước lại đồng loạt tăng mạnh
- Lãnh sự quán Nga tại Ukraina bị ném bom xăng
- Thót tim cảnh siêu xe bị châm lửa đốt ở trạm xăng
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 18-1 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 2 tăng 0,50%, tương đương 0,42 USD, lên 84,24 USD/thùng.
Cùng thời điểm, dầu thô Brent giao tháng 3 được giao dịch ở mức 86,88 USD/thùng, tăng 0,42 USD, tương đương 0,49%.
Giá dầu vẫn cao. Ảnh minh họa: Oilprice |
Đầu phiên giao dịch ngày 17-1, giá dầu thô Brent giao sau, theo Reuters, đã chạm mức giá cao nhất kể từ ngày 3-10-2018 là 86,71 USD/thùng. Dầu thô WTI cũng chạm “đỉnh” 84,78 USD/thùng tính từ ngày 10-11-2021.
Giá dầu vẫn “leo dốc” dù đã có lúc mất đà “trượt nhẹ” bởi các nhà đầu tư vẫn đang đặt cược rằng nguồn cung toàn cầu sẽ vẫn thắt chặt dù Libya đang dần khôi phục được sản lượng khai thác cũ.
Các nhà giao dịch cho biết, việc mua dầu “điên cuồng” do nguồn cung bị “gián đoạn” và dấu hiệu biến thể Omicron sẽ không gây nhiều xáo trộn như lo ngại đã đẩy giá không chỉ dầu Brent mà một số loại dầu thô khác lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Các nhà giao dịch dự đoán, đà tăng của giá dầu Brent giao sau có thể được duy trì thêm một thời gian nữa.
Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của Fujitomi Securities cho biết: “Tâm lý tăng giá đang tiếp tục do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các đồng minh (OPEC +) không cung cấp đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu”.
OPEC + đang dần nới lỏng việc cắt giảm sản lượng vốn đã được thực hiện khi nhu cầu giảm bởi sự bùng phát dịch Covid-19 vào năm 2020.
Mặc dù OPEC + đã cam kết sẽ bổ sung thêm 400.000 thùng dầu vào sản lượng hằng tháng trong tháng Giêng và tháng Hai, giá dầu vẫn không mấy “dao động” vì thực tế là nhiều nhà sản xuất dầu của nhóm không thể đạt được hạn ngạch của mình.
Sự thiếu đầu tư trong cả một thời gian dài khiến các nhà sản xuất nhỏ không thể tăng nguồn cung, trong khi những nhà sản xuất khác thì lại khá “cảnh giác” trước việc “bơm” quá nhiều dầu trong trường hợp Covid-19 có thể lại “khuynh đảo” thế giới khiến nhu cầu giảm.
Nỗ lực tăng sản lượng dầu của OPEC + vẫn chưa thể "hạ nhiệt" giá dầu. Ảnh: Reuters |
Có một tin vui là, tổng sản lượng dầu của Libya đã đạt 1,2 triệu thùng/ngày. Tuần trước, Libya chỉ đạt sản lượng dầu khoảng 900.000 thùng/ngày do các mỏ dầu phía tây bị phong tỏa.
Theo nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank, đầu năm sản lượng dầu của Libya giảm xuống 700.000 thùng/ngày đã góp phần đẩy giá dầu leo dốc.
Những lo ngại về hạn chế nguồn cung khiến giá dầu vẫn không ngừng giữ sắc xanh bất chấp kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu của Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán tới (từ 31-1 đến 6-2). Việc “xả” dầu này của Trung Quốc là một động thái ủng hộ nỗ lực “hạ nhiệt” giá dầu do Mỹ phát động.
Dự kiến, Mỹ cũng sẽ giải phóng lượng dầu dự trữ nhiều hơn 50 triệu thùng đã cam kết để “ngăn” giá dầu tiếp đà chinh phục những “đỉnh cao” mới mà theo nhiều nhà phân tích, có thể vượt 100 USD/thùng.
Theo Financial Times, giá dầu đang dần tiến tới mốc 115 USD/thùng mà dầu Brent đã xác lập năm 2014
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18-1 cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.159 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.876 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.239 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.138 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.362 đồng/kg.
Tổng hợp
Comments powered by CComment