Cuộc sống của cộng đồng người Việt ở khu vực miền Đông Ukraine có vẻ như chẳng mấy thay đổi trong những ngày này, khi tin tức trên mặt báo cứ nóng lên từng giờ theo từng động thái của Putin và “quân Nga”, ít nhất là tại Kharkiv – nơi vẫn được mệnh danh là “thủ phủ của người Việt” ở Ukraine.
Vẫn chạy chợ như thường
“Tình hình cũng căng thẳng đấy nhưng chưa đến mức phải chạy đi mua đồ, tích trữ đồ”, ông Vũ Chân, một người Ukraine gốc Việt đã sống quá 40 năm ở nơi chỉ cách biên giới Nga có 40 cây số, nói.
“Người dân Ukraine ở đây họ rất bình tĩnh, rất bình tâm. Trường học vẫn học bình thường. Con nhà tôi đây vẫn đi học mẫu giáo. Nhà băng, cửa hàng vẫn làm việc. Tất cả chợ búa vẫn bình thường. Người Việt Nam ta ở đây vẫn đi làm việc bình thường, không có gì xáo trộn cả”.
Việc Nga triển khai quân vào khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine sau khi công nhận hai vùng này độc lập vào ngày 21/2, được cho là làm tăng cao nguy cơ khủng hoảng mà phương Tây lo ngại có thể làm nổ ra một cuộc chiến tranh lớn.
Nhưng với ông Vũ Chân và những người trong cộng đồng Việt Nam ở Kharkiv, ngoài việc theo dõi và cập nhật tin tức cho bà con trên trang “Tương trợ người Việt Ukraina”, thì cuộc sống hằng ngày vẫn diễn ra bình thường vì “chiến tranh cũng chưa xảy ra”, còn sự hiện diện của quân Nga ở khu vực miền đông này thì “trước đây đã có và giờ vẫn thế”, ông nói.
Khu vực miền đông Ukraine, trong đó có Kharkiv, được đánh giá là một trong những vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc khủng hoảng.
Người Việt tại đây chủ yếu sinh sống bằng nghề kinh doanh buôn bán trong chợ. Mặc dù thông tin truyền thông Ukraine và quốc tế tới tấp đưa tin về một cuộc chiến tiềm tàng, nhưng ảnh hưởng của nó trên cuộc sống thường ngày của người Việt ở Kharkiv là “không đáng kể”, theo lời ông Vũ Chân, vì thực ra, cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt 8 năm qua rồi, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
“Sau khi có các chuyến máy bay từ Ukriane về Việt Nam, một số gia đình cũng đã bồng bế con cái về rồi. Nhưng chỉ một ít thôi, không nhiều. Còn lại mọi người vẫn ở lại làm việc, sinh sống bình thường, không sao cả. Chiến tranh thì tất nhiên nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà con. Trước hết là lĩnh vực kinh doanh của bà con là chợ bị ảnh hưởng ngay. Hàng bán rất khó. Đời sống kinh tế là vấn đề lớn nhất đối với bà con. Rất rất khó khăn! Tám năm chiến tranh rồi. Chợ búa ở đây nó tiêu điều, hoang tàn bởi vì sức mua xuống. Rồi đến khi nghe tin chiến tranh thì chợ búa càng xuống nữa. Giá bất động sản cũng xuống. Các thứ nói chung ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống”.
… và vẫn lo
Từ số lượng hơn 7.000 người Việt sinh sống ở Kharkiv trước đây, giờ ông Vũ Chân cho biết “thủ phủ” chỉ còn độ hơn 1.000 người Việt cư trú.
So với Kharkiv là còn tương đối bình yên, thì “khổ nhất vẫn là người dân, trong đó có cả người Việt Nam, ở hai khu vực của Donbass chiến tuyến”, ông Vũ Chân nói.
“Ở thành phố Donetsk là tôi thấy khổ nhất. Đời sống ở đấy rất kém. Thỉnh thoảng pháo lại bắn, thỉnh thoảng lại đùng đoàng…”
Trong lúc Phương Tây đang tìm cách ngăn một cuộc xâm chiếm toàn diện của Nga đối với Ukraine bằng cách trừng phạt Moscow vì đã ra lệnh đưa quân tới hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine mà Nga vừa công nhận là độc lập, thì trên trang thông tin mà ông Vũ Chân làm quản trị, bà con người Việt thỉnh thoảng lại cập nhật tin tức nơi mình ở.
“8 tỉnh đông nam là lo bác ạ, cháu đang giáp tuyến, cô bán hàng nhà cháu sáng gọi bắn cả đêm ko ngừng, cứ cố thủ xem sao”, tài khoản Cuong Donetsk cho biết.
“Em chuẩn bị rời anh ah”, tài khoản Loc Nguyen nhắn, sau khi ông gửi lên một dòng tin nhắn nhủ bà con “Nên xác định trước: Nếu chiến tranh lan đến thì nhà mình sẽ sơ tán đến đâu”, và hãy “Cứ bình tĩnh đi chợ bình thường”.
“Lo lắm! Chẳng hạn như tôi nói thỉnh thoảng lại nghe tin đặt bom, đặt mìn ở các nhà mẫu giáo, trường học. Thế là lại đảo lộn hết cuộc sống lên”, ông nói với VOA. “Còn ở thủ đô Kyiv, người ta còn lo chuẩn bị các hầm tránh bom, rồi tổ chức các uỷ ban sơ tán. Người ta định ra các tiêu chí nào là trong trường hợp bị tấn công thì người dân phải đi tránh bom và sơ tán như thế nào. Xe cộ như thế nào để đưa người đi sơ tán… Nói chung, những cái đấy nó ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người”.
‘Ai cũng biết hết cả’
Trong một bài phát biểu dài trên truyền hình sau khi công nhận độc lập ở Donetsk và Luhansk, khu vực do những phe ly khai thân Nga nắm giữ, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử nước Nga. Ông nói miền Đông Ukraine là vùng đất cổ của Nga và ông tin tưởng rằng người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của ông.
Còn tại Ukraine, trong cộng đồng người Việt vốn có không ít người yêu mến và thần tượng nước Nga, thì đa số đều “hiểu vấn đề”, vẫn theo lời ông Vũ Chân.
“Tám năm chiến tranh. Biết hết ai đánh ai rồi. Dân U (Ukraine) họ cực kỳ hiền lành. Năm 1994 đến vũ khí hạt nhân còn bị người ta lấy mất. Thành ra bây giờ để cho nó đánh thế này thì đại đa số bà con Việt Nam ở đây ủng hộ chính phủ U, ủng hộ quân đội U. Mục đích là để cho họ ngăn chặn chiến tranh để mình có cuộc sống bình thường, nhưng họ ít tham gia vào những bình luận chính trị lắm. Chủ yếu là vì cuộc sống của người ta mà người ta ủng hộ chính quyền, quân đội ở đây”.
Ông cho biết trong số người Việt ở Ukraine, cũng có một số rất ít người không ủng hộ chính phủ Ukraine, nhưng cũng không hẳn ủng hộ Nga.
“Chủ yếu là họ bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền. Tuyên truyền của đài của Nga ở đây, rồi đài Sputnik ở Hà Nội. Nó cứ loa suốt ngày khiến người ta không nhận ra vấn đề, nên cũng có một số người không ủng hộ Nga hoàn toàn đâu nhưng họ không ủng hộ Ukraine, không ủng hộ chính phủ Kyiv. Tình hình là bà con cũng chia thành hai phe, nhưng phe U là chủ yếu, phe không ủng hộ U thì ít thôi, không nhiều”.
Đến ngày 23/2, nhiều nước phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Đức, Anh… đều loan báo những hình thức trừng phạt tài chính mới đối với Nga để ngăn chặn hành động thôn tính thêm nữa dù Moscow vẫn khăng khăng là không có ý định xâm chiếm Ukraine.
Còn với người Việt ở miền đông Ukraine, họ hy vọng các phía “chỉ lên gân doạ nhau” và “mấy hôm nữa lại lạnh thôi”, bình an lại trở về trên quê hương thứ hai của họ…
Theo VOA
Comments powered by CComment