Tòa tại Anh kết án bốn bị can là phụ nữ Việt đã rửa hơn 4 triệu bảng Anh thông qua tài khoản ngân hàng của sinh viên và các tiệm nail.
Tổng số án phạt của 5 bị can trong đó có 4 phụ nữ Việt là 15 năm tù.
Hoạt động tội phạm quốc tế của các bị can được mô tả là dùng sinh viên Việt Nam tại một trường đại học ở Anh để nhận hàng triệu bảng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của họ.
Số tiền này sau đó được chuyển cho các công dân Việt Nam khác tại Anh đã và đang điều hành các doanh nghiệp xuất khẩu quần áo sang Việt Nam.
Đơn vị Điều tra Đặc biệt Khu vực Miền Đông (ERSOU), nơi đã phát hiện ra băng nhóm, cho biết một số khoản tiền cũng được rửa qua các tiệm làm móng.
Cuộc điều tra đã phát hiện ra những sai phạm tài chính trị giá gần 4,2 triệu bảng Anh.
Các khoản tiền này đến từ hoạt động tội phạm như tiền của công dân Việt Nam tại Pháp chi trả từ 7.000 đến 11.500 bảng Anh để đi lậu vào Vương quốc Anh.
Một số người vào Anh lậu này sau đó làm việc trong các cơ sở trồng cần sa.
Tin cho hay cảnh sát ra lệnh bắt các nghi phạm tại một loạt các địa điểm ở Birmingham, Cambridgeshire, Essex, Leicester, London và Wales.
Paul Gillick, cảnh sát điều tra thuộc ERSOU cho biết: "Đây là một hoạt động lớn, rất tinh vi nhằm che giấu một lượng lớn tiền mặt tội phạm xuyên biên giới quốc tế.
"Những băng nhóm này rất mong có người giúp đỡ để họ tránh bị phát hiện và chuyển tiền cho họ. Mọi người cần phải cảnh giác và nên biết rằng không thể cãi rằng mình không biết: nếu bạn bị bắt đang làm điều này, rất có thể bạn sẽ phải vào tù."
Bên cạnh việc phạm tội ma túy, cảnh sát và công tố viên đã phát hiện ra bằng chứng thu xếp các cuộc hôn nhân giả và làm giấy tờ tùy thân giả để các cá nhân Việt Nam đi lại trong hoạt buôn người.
Một trong trong băng nhóm tội phạm năm người có Geraldo Baci, người đàn ông được xác định là đã cung cấp người cho hoạt động buôn bán cần sa của mình và cảnh sát đã thu giữ số cần sa trị giá khoảng 25.000 bảng Anh cũng như 5.000 bảng Anh tiền mặt khi đột kích cơ sở của người này. Baci, 30 tuổi, từ Bedford, nhận án tù 16 tháng.
Các bị can người Việt
My Ha Do (31 tuổi) bị tòa tuyên án năm tội danh bao gồm cung cấp ma túy, lừa đảo và rửa tiền và đã bị kết án ba năm tù. My Ha Do cũng được mô tả là nhân vật chủ chốt trong hoạt động rửa tiền của băng nhóm này khi chỉ đạo việc chuyển tiền và cố vấn về cách lách luật và kiểm soát rửa tiền của các ngân hàng. My Ha Do được mô tả là học Đại học Cambridge và dùng Facebook để kết nối với sinh viên. Bị can này có nhiều nhà ở nước Anh được dùng để trồng cần sa.
Hanh Tuyet Nguyen (43 tuổi) bị tuyên án năm tội liên quan tới lừa đảo và rửa tiền và bị kết án hai năm tù. Hanh Tuyet Nguyen, là kế toán viên, bị kết tội điều hành hoạt động rửa tiền tinh vi của băng nhóm, thiết lập nhiều tài khoản ngân hàng qua hệ thống sinh viên và tạo ra một cơ sở kinh doanh quần áo như một nơi nhận tiền mặt từ những hoạt động tội phạm có tổ chức này vào hệ thống ngân hàng. Công ty nằm ở London này được Hanh Tuyet Nguyen thành lập vào tháng 10/2012 và giải thể vào tháng 4/2021.
Huyen Phuong Thi Phan (35 tuổi) bị kết án về một tội rửa tiền và bị tuyên phạt 18 tháng tù. Huyen Phuong Thi Phan giữ vai trò chủ chốt trong việc xào nấu sổ sách của nhóm này, sử dụng công việc kinh doanh mà Hanh Tuyet Nguyen đã lập ra để làm kênh vận chuyển tiền bẩn về Việt Nam.
Thành viên nữ thứ tư trong nhóm, Thi Ngoc Nguyen (31 tuổi), bị kết án về hai tội rửa tiền và bị tuyên phạt 10 tháng tù nhưng hưởng án treo 18 tháng. Thi Ngoc Nguyen đã cho phép các tài khoản ngân hàng của mình được sử dụng để nhận và chuyển tiền bẩn.
Kevin Hansford, Trưởng ban phòng chống tội phạm quốc tế của Cơ quan Công tố Anh (CPS) được dẫn lời nói trên trang web của cơ quan này rằng: "Đây là một băng nhóm tội phạm cực kỳ tinh vi, sử dụng các phương pháp phức tạp và gian xảo để che giấu các hoạt động sản xuất ma túy bất hợp pháp quy mô công nghiệp và lợi nhuận của họ thông qua rửa tiền dưới vỏ doanh nghiệp."
"Tôi muốn cảm ơn sự làm việc không mệt mỏi của các cảnh sát điều tra viên trong vụ án này, những người đã phối hợp với bên công tố để triệt phá và ngăn chặn một băng nhóm tội phạm có tổ chức và chúng tôi sẽ truy tìm lợi nhuận bất chính từ những khoản tiền tội phạm này."
Vào tháng Bảy năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia của Vương quốc Anh ký Bản ghi nhớ về phòng, chống tội phạm giữa hai quốc gia bao gồm cả với phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và phòng, chống tội phạm có liên quan.
Biên bản này được hai bên ký trong dịp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Anh Quốc và thăm Bộ Nội vụ Anh.
Ông Vương Đình Huệ được truyền thông Việt Nam dẫn lời khi đó nói rằng Anh là thành viên tích cực của lực lượng phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố cho nhiều quốc gia và cũng là quốc gia có tiếng nói, uy tín rất lớn trong lĩnh vực này và rằng Quốc hội Việt Nam rất quan tâm và có chương trình xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống rửa tiền vào tháng 10/2022.
Theo BBC
Comments powered by CComment