Nắm chặt những ngọn nến trắng và tấm biển đen, những người đưa tang đã tụ tập khắp Seoul để tiếc thương những nạn nhân trẻ tuổi ở Itaewon - và bày tỏ lời quở trách nhức nhối đối với chính phủ.
Khi sự tức giận của công chúng tiếp tục gia tăng về thảm kịch lớn nhất ở Hàn Quốc trong gần một thập niên, hàng ngàn người đã tham gia một số cuộc biểu tình tổ chức khắp thủ đô Seoul.
Vào ngày 29 tháng 10, thảm họa giẫm đạp trong lễ hội Halloween tại Itaewon, Seoul đã giết chết 156 người - hầu hết là thanh niên - và 196 người khác bị thương.
Một tuần sau, nhà chức trách đã mở cuộc điều tra, đột kích các văn phòng thành phố và cảnh sát địa phương và các trạm cứu hỏa.
Cảnh sát trưởng quốc gia đã xin lỗi, cũng như Tổng thống Yoon Suk-yeol, người đã thề sẽ cải thiện các biện pháp kiểm soát đám đông trong tương lai.
Nhưng vẫn chưa đủ để đánh bay cơn khát công lý của công chúng.
Nhiều người cảm thấy xấu hổ rằng chính quyền đã không bảo vệ được lớp trẻ của mình - một điều trớ trêu đối với một đất nước nổi tiếng với hình ảnh trẻ trung của văn hóa K-pop trên trường quốc tế.
Vào thứ Bảy, có ít nhất bảy cuộc biểu tình trên khắp thủ đô.
Sự kiện lớn nhất được tổ chức bởi Candlelight Action, một liên minh đã thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình chính trị chống lại Tổng thống Yoon ngay cả trước khi xảy ra thảm kịch Itaewon.
Nhiều người đã mang những tấm biển phản đối màu đen với nội dung "Từ chức là biểu hiện của sự chia buồn" - một thông điệp cụ thể dành cho Tổng thống Yoon.
"Mặc dù chính phủ rõ ràng có trách nhiệm, nhưng họ đang tìm kiếm thủ phạm từ các tổ chức không liên quan ... sự cố xảy ra vì chính phủ đã không đóng vai trò cơ bản của mình", một diễn giả nói.
Trước đó trong ngày tại Itaewon, một đám đông 200 người từ các nhóm chính trị thanh niên khác nhau đã tụ tập gần địa điểm xảy ra vụ việc.
Mặc quần áo đen và đeo khẩu trang, họ giơ cao các biểu ngữ có nội dung: "Vào lúc 6:34, đất nước không có ở đó [cho các nạn nhân]".
Ý họ nhắc thời điểm cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên được thực hiện cho cảnh sát, vài giờ trước khi vụ bi thương thực sự xảy ra. Tổng cộng 11 cuộc gọi đã được thực hiện trong đêm đó.
Tại điểm dừng chân cuối cùng, một đài tưởng niệm chiến tranh, các nhà hoạt động thanh niên đã lần lượt đọc các bài phát biểu.
"Xã hội này không bình thường, chúng ta không an toàn. Chính phủ không hoàn thành trách nhiệm của mình, đã đẩy nó cho giới trẻ ... chúng ta rút ra bài học gì từ sự cố Sewol?" một diễn giả đề cập đến thảm họa phà năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.
"Họ luôn hứa hẹn sẽ thay đổi với mọi cuộc bầu cử. Nhưng tại sao luôn có thảm họa xã hội? Đây là điều mà những người trẻ tuổi đang thắc mắc", một người khác nói.
Trở lại Tòa thị chính, một biển nến lung linh khi màn đêm buông xuống, chiếu ánh sáng ấm áp lên gương mặt của những người biểu tình. Nhiều người trong số họ là những người trung niên.
Yeom Sung-won, người có hai con nhỏ, vẫn có thể nhớ lại sự cố Sewol.
"Điều đó rất buồn. Và thật không thể tin được là điều này lại xảy ra. Đó là lý do tại sao tôi đến đây", kiến trúc sư 59 tuổi nói với đôi mắt rưng rưng.
"Chính phủ phải bảo vệ công dân của mình và đảm bảo an toàn cho họ dù có thế nào đi nữa."
Theo BBC
Comments powered by CComment