Group News: Tin copy

Việt Nam hôm 27/4 vừa hoàn thành kéo dài tuyến đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuống đến cầu Mỹ Thuận ở bờ bắc sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang, báo chí trong nước đưa tin.

Một đoạn đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vừa được khánh thành

Một đoạn đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vừa được khánh thành

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận này, có chiều dài 51 cây số, nối vào tuyến đường cao tốc đã có trước đó là Sài Gòn – Trung Lương. Điểm đầu của cao tốc là nút giao Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối là nút giao An Thái Trung.

Buổi lễ khánh thành đã được tổ chức tại nút giao Thân Cửu Nghĩa vào dịp kỷ niệm ngày 30/4 mà chính quyền trong nước gọi là ngày ‘Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’ với sự tham dự của phó Thủ tướng Lê Văn Thành, báo điện tử Chính phủ đưa tin.

Theo tờ báo này thì sau khi khánh thành thì tuyến cao tốc này sẽ được đưa vào lưu thông không thu phí trong vòng 60 ngày kể từ 7h30 ngày 30/4 năm 2022. Tốc độ tối đa được quy định trên cao tốc này là 80 km/h, còn tốc độ tối thiểu là 60 km/h.

Công trình được hoàn thành sau 13 năm thi công theo hình thức công, tư cùng góp vốn (Public-Private Partnership, hay còn gọi là PPP) với tổng vốn đầu tư là 12.668 tỷ đồng, tức tương đương hơn 500 triệu đô la, cũng theo báo điện tử Chính phủ.

Mặc dù là vựa lúa của cả nước và là vùng sản xuất cây ăn trái, thủy sản nước ngọt đứng đầu cả nước, nhưng hệ thống đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện rất khiêm tốn so với các vùng khác, nhất là so với đồng bằng Bắc Bộ. Hiện tại ngoài tuyến đường cao tốc từ Sài Gòn tới Mỹ Thuận chỉ có một cao tốc khác đã hoàn thành là tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi dài 51 cây số nối hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói rằng tuyến đường cao tốc này ‘hiện thực hóa lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long’.

Theo lời ông Thành được trang Chính phủ dẫn lại thì tuyến cao tốc này góp phần tạo động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2023 tiếp tục nối dài tuyến cao tốc này từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ có chiều dài 23 km và đến hết năm 2025 kéo dài từ Cần Thơ đến Cà Mau có chiều dài 109 km.

Mục tiêu cho đến hết năm 2022 là hoàn thành 361 km đường cao tốc trên tuyến Bắc-Nam, để hướng đến hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau vào năm 2025, cũng theo lời ông Thành.

Bên cạnh đó, dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ -Sóc Trăng dài 191 km cũng sẽ được khởi công trong thời gian tới.

Ông Thành nói chính quyền sẽ ‘đặt ưu tiên rất lớn vào việc phát triển hệ thống cao tốc’ cho các tỉnh miền Tây trong 5 năm tới với số vốn dành riêng để đầu tư là hơn 100.000 tỷ đồng.

Cũng theo lời ông Thành thì ‘Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030’. Tuy nhiên, cho đến hết năm 2021, Việt Nam chỉ mới hoành thành được 1.163 km đường cao tốc.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.