Bức chân dung sơn dầu của 'vợ' vua Càn Long trị giá 69 triệu nhân dân tệ (10,8 triệu USD).
Theo trang Artron, bức Chân dung Hoàng quý phi Thuần Huệ là tác phẩm hiếm hoi về phi tần của vua Càn Long thuộc sở hữu tư nhân, được hãng Poly Auction Bắc Kinh đấu giá hồi tháng 12/2021. Tác phẩm cao 54,6 cm, vẽ năm hoàng quý phi 23 tuổi.
Tranh gây ấn tượng bởi sự hòa quyện giữa nghệ thuật Đông - Tây. Lang Thế Ninh đưa bản sắc hội họa châu Âu vào chân dung, chẳng hạn, nguyên liệu vẽ nhập từ châu Âu, nền giấy được phủ màu trọn vẹn chứ không chừa lại phần giấy trắng như trong tranh truyền thống Trung Hoa.
Ngũ quan nhân vật được làm nổi bật bằng các mảng màu đậm, nhạt, phù hợp thói quen thẩm mỹ của người Trung Quốc. Gương mặt như có một luồng sáng nhẹ chiếu thẳng vào khuôn mặt. Họa sĩ vừa khắc họa chân dung vừa thổi vào nhân vật khí chất trang nhã, nhẹ nhàng.
Theo quy định của triều Thanh, khi hoàng đế qua đời, chân dung vua và các phi tần, một phần được mai táng trong lăng tẩm, một phần để đời sau thờ phụng. Nhưng năm 1900, Bắc Kinh bị liên quân tám nước chiếm đóng, một phần tranh cùng các cổ vật được đưa sang châu Âu, trong đó có bức chân dung sơn dầu Hoàng quý phi Thuần Huệ. Sau đó, những cổ vật này được đưa vào bảo tàng, một số ít trở thành sản phẩm đấu giá.
Chân dung sơn dầu Hoàng quý phi Thuần Huệ không chỉ là tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật cổ đại Trung Quốc mà còn mang dấu ấn giao lưu văn hóa Đông - Tây. Tác phẩm đồng thời là tư liệu lịch sử về triều đại nhà Thanh, vì vậy, nhận quan tâm đặc biệt mỗi khi xuất hiện trên thị trường đấu giá.
Tác giả bức tranh - Lang Thế Ninh (1688-1766) - sinh ở Milan, tên tiếng Italy là Giuseppe Castiglione. Ông tới Trung Quốc truyền giáo vào thập niên 1710, được vua Khang Hy triệu kiến năm 1715. Bấy giờ, nhà vua 61 tuổi, không tán thành tôn giáo của Lang Thế Ninh nhưng yêu khoa học nghệ thuật, phái ông làm họa sĩ cung đình. Lang Thế Ninh phụng sự hai đời vua tiếp theo - Ung Chính và Càn Long, không rời Trung Quốc.
Càn Long coi trọng tài năng của Lang Thế Ninh, vì thế đa phần chân dung vua và các ái phi đều do Lang Thế Ninh vẽ. Theo Thepaper, sống trong cung, Lang Thế Ninh thận trọng khi "chơi với hổ". Càn Long từng hỏi họa sĩ: "Khanh thấy các phi tử của ta ai đẹp nhất", Lang Thế Ninh đáp: "Phi tần của thiên tử ai cũng đẹp". Càn Long lại hỏi: "Hôm qua khanh gặp mấy phi tần của ta, thấy ấn tượng với ai nhất?", Lang Thế Khanh đáp: "Vi thần không nhìn họ, lúc đó vi thần đang đếm các viên ngói ở cung điện". Càn Long hỏi: "Ở đó có bao nhiêu viên ngói?", Lang Thế Ninh trả lời "30 viên". Vua sai thái giám đi đếm lại, quả thực 30 viên.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment