Mùa hè qua, nước Anh trở thành thử nghiệm lớn được cả thế giới quan sát. Chính phủ Anh dỡ bỏ hết các hạn chế phòng dịch, tin rằng với tỷ lệ tiêm chủng cao cùng lây nhiễm tự nhiên trước đó, nước này sẽ an toàn trước virus SARS-CoV-2.
Chỉ 3 tháng sau, biến chủng siêu lây nhiễm Delta đã mang lại câu trả lời phũ phàng, miễn dịch cộng đồng chỉ là giấc mơ không thành sự thật, theo Wall Street Journal.
Không đạt miễn dịch cộng đồng
Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 ở Anh đang tăng nhanh trong vài tuần gần đây khi mùa đông đến gần. Kế hoạch dựa hoàn toàn vào miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên đang dần đổ vỡ, bởi miễn dịch không hoàn toàn bảo vệ con người trước virus và khả năng bảo vệ suy giảm theo thời gian.
"Dỡ bỏ các hạn chế được tiến hành với kỳ vọng tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch. Thực tế cho thấy chỉ như vậy thôi là không đủ", Tim Spector, giáo sư chuyên về dịch bệnh di truyền Đại học King's College London, cho biết.
Hôm 20/10, chính phủ Anh tuyên bố kiên trì với chiến lược tiêm chủng. Họ cho biết chưa cần thiết ban hành các biện pháp khác như bắt buộc đeo khẩu trang, hay bắt buộc có giấy chứng nhận tiêm chủng khi sử dụng các dịch vụ như áp dụng ở một số nước châu Âu, trái ngược với khuyến cáo của các chuyên gia.
Khi chính phủ chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội từ 19/7, nước Anh có tỷ lệ tiêm chủng cũng như lây nhiễm tự nhiên cao, điều này khiến nhiều người tin rằng mức độ miễn dịch với virus cũng cao tương đương.
Ở thời điểm đó, hơn 50% người Anh đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine. Tỷ lệ này giờ đã tăng lên 67%.
Một nghiên cứu vào tháng 7 ước tính 90% người từ 16 tuổi trở lên trên khắp nước Anh đã sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố "bức tường miễn dịch" sẽ giúp nước Anh kiểm soát được virus.
Ở một mức độ nào đó, ông Johnson đã đúng. Trong suốt mùa hè, không xảy ra những đợt bùng phát lớn.
Nhưng mức độ lây nhiễm cũng không giảm nhiều. Số ca mắc mới mỗi ngày dao động 25.000 - 40.000 trong suốt tháng 8 và 9.
Và lúc này, số ca mắc mới mỗi ngày đang tiến sát 50.000. Theo thống kê của Đại học Oxford, nước Anh đang có trung bình 667 ca mắc Covid-19 trên mỗi 1 triệu dân mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức 80 của Pháp hay 147 của Đức. Cả hai quốc gia lục địa châu Âu nói trên đều áp dụng một số biện pháp kiểm soát Covid-19.
Lý do Covid-19 trỗi dậy ở Anh
Trong nỗ lực nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của người dân, từ tháng 9, chính phủ Anh bắt đầu tiêm mũi vaccine tăng cường cho người 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền.
Tuần qua, tỷ lệ người mắc Covid-19 nhập viện đã tăng 10%. Tiêm chủng giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong vì Covid-19. Số người chết do nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày là khoảng 2 trên 1 triệu trường hợp, thấp hơn nhiều so với đầu tháng 1 khi tỷ lệ lây nhiễm ở mức tương tự hiện nay.
Dù vậy, Anh vẫn đang có tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần so với Pháp và 6 lần so với Đức.
Các nhà dịch tễ học cho biết tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh ở Anh hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân, gồm dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch, mức độ miễn dịch nhờ tiêm chủng suy giảm qua thời gian, số trẻ em chưa tiêm chủng ở mức cao, cùng các hoạt động trong không gian kín được tổ chức.
Sau thời gian đầu tiêm chủng nhanh, chiến dịch tiêm chủng ở Anh thời gian qua rơi vào bế tắc và hiện chậm hơn so với các nước châu Âu, nguyên nhân là giới trẻ thờ ơ với vaccine.
Trong khi hơn 90% người từ 60 tuổi trở lên đã được chủng ngừa, số người dưới 35 tuổi đã tiêm vaccine hiện ở mức dưới 70%. Thanh niên Anh có xu hướng đến những địa điểm đông đúc thường xuyên hơn, dẫn tới nguy cơ nhóm ít tiêm chủng nhất làm lây lan virus cho những người khác.
Vấn đề này có thể được tháo gỡ khi chiến dịch tiêm chủng cho thanh thiếu niên được đẩy mạnh. Tuy nhiên, sau 1 tháng khởi động, mới khoảng 15% người dưới 16 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Với người trưởng thành, nếu từng mắc Covid-19, họ sẽ có hệ miễn dịch tự nhiên chống lại virus. Dù vậy, hiện chưa thể biết chắc miễn dịch tự nhiên như vậy kéo dài trong bao lâu, và hiệu quả như thế nào so với miễn dịch nhờ tiêm chủng.
Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy miễn dịch nhờ tiêm vaccine giảm dần hiệu quả bảo vệ qua thời gian, dẫn tới ngày càng nhiều ca nhiễm bệnh dù đã được chủng ngừa.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, nghiên cứu chỉ ra hệ miễn dịch ở người tiêm vaccine Pfizer và AstraZeneca đạt đỉnh trong thời gian vài tuần sau khi tiêm mũi 2, giúp ngăn chặn hiệu quả nguy cơ nhiễm bệnh phát triển triệu chứng.
Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch giảm dần trong các tháng kế tiếp. Sau 5 tháng, tỷ lệ hiệu quả bảo vệ chỉ còn 69,7% đối với Pfizer và 47,3% đối với AstraZeneca.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine ngăn bệnh diễn tiến nặng cũng suy giảm, nhưng với mức độ nhẹ hơn. Với vaccine Pfizer, hiệu quả ngăn người mắc Covid-19 diễn tiến nặng giảm từ 99,7% xuống 92,7% sau 5 tháng. Tỷ lệ này của AstraZeneca là 77%.
Đến lúc tái áp đặt các biện pháp an toàn?
Các chuyên gia cho rằng việc hiệu quả bảo vệ của vaccine suy giảm đồng nghĩa các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sẽ cần được triển khai, ít nhất trong thời gian trước mắt.
Dù số ca tử vong ở Anh thấp hơn nhiều so với trước khi khởi động chiến dịch tiêm chủng, tỷ lệ tử vong vẫn cao gấp 3 lần so với cúm mùa hàng năm, dù rằng đa phần ca tử vong vì cúm mùa tập trung vào mùa đông.
Các chuyên gia dịch tễ học cho biết triển vọng đạt miễn dịch cộng đồng trước loại virus lây lan mạnh như SARS-CoV-2 vẫn còn xa vời.
Miễn dịch cộng đồng không phải một mục tiêu cố định bởi nó phụ thuộc vào 3 yếu tố có tính di biến, gồm khả năng lây lan của virus, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, và mức độ tương tác giữa con người.
Thông qua tiêm chủng, tỷ lệ miễn dịch có thể được nâng cao, giúp làm giảm tỷ lệ lây nhiễm. Nhưng khi người dân tương tác nhiều hơn, dịch bệnh có thể đi theo chiều hướng khác khó đoán hơn.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ở một số nơi trong khoảng thời gian ngắn nếu tỷ lệ tiêm chủng đủ cao. Khi đó, việc triển khai thêm các biện pháp hạn chế phòng dịch như đeo khẩu trang có thể giúp kiểm soát sự lây lan của virus.
"Con người sẽ không xóa sổ được Covid-19, hay ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ tử vong vì dịch bệnh. Nhưng chúng ta có thể đưa dịch bệnh về mức khi các tổn thất là chấp nhận được", giáo sư dịch tễ học Bill Hanage của Đại học Harvard bình luận.
Theo Zingnews
Comments powered by CComment