Việt Nam tuần này đang có kỳ nghỉ bốn ngày (1/9 tới 4/9) đánh dấu dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vào năm 1945, ngày 2 tháng 9, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có rất nhiều câu chuyện về Hồ Chí Minh, nhân vật lịch sử lớn của Việt Nam, mà năm góc độ bên dưới mới là một phần nhỏ.
Nơi viết Bản Tuyên ngôn Độc lập
Văn bản này được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo ngay tại Hà Nội, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang của nhà tư sản Trịnh Văn Bô.
Ngày 24/8/1945, ông Trường Chinh đi đón ông Hồ Chí Minh về ở nhà căn nhà số 48 Hàng Ngang, ở lại cho đến ngày 27/9 để viết bản "Tuyên ngôn độc lập".
Toàn bộ tầng 2 của căn nhà khi đó được bí mật dành cho Hồ Chí Minh và các cán bộ như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt…
Trong phần đầu, ông viện dẫn hai bản Tuyên ngôn là bản "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1776 của Mỹ và bản "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" năm 1791 của Cách mạng Pháp.
Vào lúc 14 giờ ngày 2/9/1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình ông Trịnh Văn Bô cung cấp.
Đặc biệt, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã mặc y phục của ông Bô trong ngày này.
Còn chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì vải may áo do hiệu buôn Phúc Lợi cũng của ông Bô, cung cấp.
Đảng Cộng sản xác nhận gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ cách mạng 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó).
Ngày mất và Di chúc
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Hà Nội lúc 9h47 ngày 2/9/1969, theo tư liệu chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ban đầu, do ngày này trùng với ngày Quốc khánh, Bộ Chính trị tại Hà Nội tuyên bố với nhân dân và thế giới rằng ngày mất là 3/9.
Phải 20 năm sau, toàn văn di chúc và ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được công bố lại.
Về Di chúc, theo thông tin đã công khai, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu viết di chúc 3 trang vào năm 1965.
Năm 1968, ông viết bổ sung thêm 6 trang. Và vào ngày 10/5/1969, ông viết lại đoạn mở đầu di chúc gồm một trang viết tay.
Bản di chúc được Bộ Chính trị tại Hà Nội cho đăng, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, là bản đã được Đảng chọn lọc trước khi công bố.
Ví dụ, đoạn nói về ý nguyện hỏa táng không được công bố lúc đầu.
Trong đoạn "về việc riêng", năm 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò việc tang và viết về hỏa táng, dặn để lại một phần tro xương cho miền Nam. Đến năm 1968, ông viết lại đoạn này, dặn để tro vào ba hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp.
20 năm sau, Bộ Chính trị, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ra thông báo 151 ngày 19/8/1989, thông báo về ngày mất và di chúc.
"Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về yêu cầu hoả táng là thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới thăm viếng, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Điều này đã xin phép Bác nên được làm khác với lời Bác dặn", bản thông báo năm 1989 nêu.
Ngoài ra, ngày mất 2/9/1969 cũng được công khai. "Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 6 cho rằng nay cần công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời", thông báo số 151 của Bộ Chính trị ngày 19/8/1989 nói.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia về Hồ Chủ tịch rất nổi tiếng tại Việt Nam, từng kể với báo chí:
"Câu chuyện cảm động nhất, Bác nói hãy an táng Người, nhưng Trung ương Đảng xin phép được làm khác ý Bác, khác Di chúc của Người về vấn đề này. Các lãnh đạo xin phép Bác được lo "việc riêng" của Người, mong Bác yên tâm để Trung ương thảo luận và quyết định. Trung ương xin phép được làm khác với ý Bác vì nếu làm đúng như Di chúc thì sau này, đất nước có thống nhất rồi, đồng bào miền Nam muốn thăm Bác thì biết thăm ở đâu. Khi ấy, Bác chỉ khóc."
Bảo tàng 'quan trọng nhất về Hồ Chí Minh' ở Việt Nam
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đời năm 1969, Bộ Chính trị tại Hà Nội quyết định xây Lăng và Bảo tàng về ông.
Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, vào ngày 25/11/1970, ra một nghị quyết thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra ngày 31/8/1985, và khánh thành ngày 19/5/1990, đánh dấu 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh.
Bảo tàng này tọa lạc đằng sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn gốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Điểm nhấn chính trị, văn hóa tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam là cụm di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình gồm các công trình, di tích lịch sử: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch liên quan đến 15 năm sống và làm việc của Chủ tich Hồ Chí Minh từ ngày 19 tháng 12 năm 1954 đến ngày 2 tháng 9 năm 1969.
Tòa nhà Phủ Chủ tịch nhìn thẳng ra đường Hùng Vương, được một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, xây dựng giai đoạn 1900-1906.
Dưới thời Pháp thuộc, đây là Phủ Toàn quyền Đông Dương.
Sau 1946, khi Pháp quay lại lần hai, đây tiếp tục là trụ sở của chính quyền Pháp.
Từ tháng 10 năm 1954, tòa nhà trở thành Phủ Chủ tịch, là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu Hồ Chí Minh
Tại Việt Nam và nước ngoài, vẫn tiếp tục có các nghiên cứu, thảo luận về vai trò, di sản của ông Hồ Chí Minh.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII năm 1991 lần đầu tiên nêu ra khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội này diễn ra tháng 6/1991 trong bối cảnh chủ nghĩa cộng sản suy sụp ở Đông Âu còn Liên Xô đang trải qua những ngày tồn tại cuối cùng.
10 năm sau, tại Đại hội Đảng lần IX năm 2001, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lần thứ hai bổ sung nhiều điều vào khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh.
'Tư tưởng Hồ Chí Minh', một lần nữa, được Đảng Cộng sản khái quát lại, bổ sung tại Đại hội XI năm 2011.
Còn tại những nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn diễn ra, cho phép nhiều quan điểm đa chiều hơn.
Theo BBC
Comments powered by CComment