Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái đã bị công kích, bị gọi là "vô ơn" với đất nước khi chia sẻ những suy nghĩ "không tích cực" về Đảng Cộng sản Việt Nam. Có phải phê phán Đảng Cộng sản là không yêu nước.
Vụ việc của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị quy kết là "không yêu nước", "phản động"
Chu Ngọc Quang Vinh từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023.
Trên tính năng Story của Facebook cá nhân vào hôm 1/9, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận với văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và nam sinh bắt đầu nhìn Đảng như "một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân".
Trong Story được giới hạn cho 16 người xem, sau khi bày tỏ những suy nghĩ về Đảng Cộng sản, Quang Vinh viết: "... chúc nước Việt Nam, dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam."
Dù Quang Vinh không có ý chê bai đất nước Việt Nam, nhưng ngay lập tức sau khi các ý kiến của nam sinh này được phát tán, nhiều hội nhóm, cá nhân trên mạng xã hội đã chỉ trích kịch liệt.
Nhiều người trích dẫn câu: "Vài người thường ăn hải sản, rồi lại chê bai mùi cá ao" trong bài hát Lối nhỏ của rapper Đen Vâu để chỉ trích Quang Vinh.
Đảng Cộng sản và tổ quốc không phải là một
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, có rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với Quang Vinh: ủng hộ quyền biểu đạt ý kiến, ủng hộ tinh thần dũng cảm khi dám nói ra điều mà nhiều người không dám nói.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng Quang Vinh phê phán Đảng chứ không hề chỉ trích đất nước Việt Nam, như cáo buộc của nhiều người.
Trên Facebook cá nhân, bà Nguyễn Hoàng Ánh viết: “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: ‘Đất nước Việt Nam, giang san Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó. Yêu nước không là độc quyền của riêng ai, ai cũng có quyền yêu theo cách của mình’ mà tình yêu chân chính quan trọng nhất là sự chân thành."
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook cá nhân vào ngày 3/9:
"Đảng cộng sản cũng chỉ là 1 tổ chức chính trị đang cầm quyền và quản lý đất nước.
Yêu đảng hay không yêu đảng là quyền tự do của mỗi công dân. Ai nhận được ân sủng từ đảng thì yêu quý và biết ơn, ai không thấy ân sủng gì hoặc ngược lại thì không yêu hoặc không biết ơn."
Facebook Dương Quốc Chính (khoảng 83.000 người theo dõi) đã phản bác lại các ý kiến cho rằng Quang Vinh đang vô ơn với quê hương, đất nước. Ông Chính cho rằng các ý kiến đó là ngớ ngẩn và hiểu sai nội dung bài viết, rằng Quang Vinh không chối bỏ, chê trách quê hương, đất nước mà chỉ chê trách Đảng (Cộng sản Việt Nam).
Một người dùng Facebook khác chỉ ra thủ thuật ngụy biện "đánh tráo khái niệm".
"Thế nào là đánh tráo khái niệm? Một tổ chức, dù quang vinh, dù vĩ đại thế nào thì cũng không thể đồng nhất với tổ quốc, dân tộc và đất nước. Ngay câu đầu tiên của Hiến pháp đã minh định: Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân đã xây dựng nên Việt Nam này," người này viết.
Sự tách bạch giữa một bên là Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng này đang dẫn dắt toàn dân đi theo, và bên kia là đất nước, tổ quốc, dân tộc là vấn đề không mới và đã được tranh luận nhiều trong thời gian qua.
Nhà văn, người dẫn chương trình Nguyễn Ngọc Ngạn của chương trình Paris By Night từng nói trước đông đảo khán giả:
"Tất cả mọi thời đại sẽ qua đi hết, chỉ có đất nước và dân tộc mới tồn tại vĩnh viễn mà thôi."
Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền Đảng gắn liền với tổ quốc, điều này qua thời gian đã hình thành một nhận thức sai rằng yêu nước là phải yêu chế độ, yêu Đảng; chỉ trích đảng là có tội với đất nước; mỗi một công dân phải biết ơn Đảng và nhà nước, biết ơn lãnh tụ.
Bài viết nhan đề Ngày nay, vì sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội được đăng trên báo Biên Phòng, cơ quan của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vào ngày 16/5/2023 đưa ra lập luận:
"Thực tiễn trên cho thấy, trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, gắn với sự lãnh đạo của Đảng thì nhân dân ta mới giành được thắng lợi và có điều kiện để xây dựng xã hội mới XHCN [Xã hội chủ nghĩa] có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc!"
Lập luận trên luôn bao trùm trong các diễn ngôn tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua báo chí chính thống, các kênh dư luận viên trên mạng xã hội, các phát ngôn của quan chức.
Bài viết Yêu nước đừng quên ơn Đảng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bình Thuận vào ngày 13/5/2024 lập luận:
"Chủ nghĩa yêu nước là nguồn vốn quý báu được kết tinh từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước chỉ được phát huy cao độ và đạt đến giá trị trọn vẹn khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cho nên yêu nước đừng quên ơn Đảng, nếu yêu nước mà quên ơn Đảng là một sự khiếm khuyết về luân thường đạo lý ở đời."
Vụ việc của Chu Ngọc Quang Vinh là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị cho là "không yêu nước", "vô ơn với Đảng", "hờ hững với Bác", "cờ vàng ba que", "cách mạng màu".
Hồi tháng 7, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã có một làn sóng trên mạng đi lùng sục người nổi tiếng đăng tải hình ảnh không phù hợp, không bày tỏ sự tiếc thương, hoặc tiếc thương không đúng cách để lên án, tố cáo.
Không ít nghệ sĩ từng biểu diễn trên các sân khấu có sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ từ nhiều năm trước cũng bị lôi lại để đả kích.
Các tổ chức giáo dục cũng không tránh khỏi bị tấn công, mà nạn nhân mới nhất là Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc "ươm mầm cách mạng màu".
Nhận định về lực lượng dư luận viên đông đảo hiện nay trên những trang, nhóm mạng xã hội, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon (Hoa Kỳ), đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào hôm 28/8:
"Tôi nghĩ rằng đây là một chiến dịch do cơ quan tuyên giáo tung ra. Đây không phải là yêu nước (cực đoan hay không cực đoan), mà chỉ là cái loa phát ngôn cho một chế độ độc tài đang bị đe dọa bởi nội tình rối rắm vì lãnh đạo thay đổi xoành xoạch, kinh tế èo uột, bị dân chúng chỉ trích vì tham nhũng. Mục đích của họ là nhằm đánh lạc hướng dư luận để bớt chú ý vào những việc tranh đoạt quyền lực ở chóp bu của chế độ đang ngày càng trở nên một chế độ công an trị."
Tôn trọng 'đa nguyên'
Quyền biểu đạt ý kiến cũng là một trong những khía cạnh được bàn đến nhân vụ việc Quang Vinh đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 Việt Nam nêu:
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận như vậy, nhưng Bộ luật Hình sự lại có quy định tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ", một điều luật bị nhiều người coi là có thể được vận dụng tùy tiện để hạn chế quyền tự do. Thực tế cho thấy, không ít người đã lãnh án tù về tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ".
Nhà văn Evelyn Beatrice Hall từng đúc kết tinh thần của triết gia Voltaire như sau:
"Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn."
Câu này của Hall đã được nhiều người nhắc lại khi bảo vệ quyền tự do biểu đạt của Quang Vinh.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết trên Facebook vào ngày thứ Tư 4/9:
"[...] Em có quyền và được quyền tự do nói ra ý nghĩ đó trong một xã hội dân chủ mà như Cụ Hồ đã nói 'dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra'. QV [Quang Vinh] không sai đạo đức, không phạm luật pháp khi nói ra điều mình nghĩ. Tại sao công an phải mời em lên làm việc? Tại sao cả hệ thống chính trị ở Yên Bái phải vào cuộc như truy bức em? Tại sao lại quy cho em là vô ơn bạc nghĩa với đất nước? Ai cho phép mọi người cái quyền xúc phạm tự do cá nhân của một người như vậy, lại là người còn vị thành niên?"
Trong một ý kiến khác, ông Trịnh Minh Tuấn nêu ý kiến trên Facebook cá nhân:
"Nếu quyền bày tỏ của cháu không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội; không vi phạm điều cấm của luật… thì chính quyền cũng khó có thể hạn chế quyền biểu đạt. Vậy tại sao người ta đấu tố một đứa trẻ?
Bởi đứa trẻ dám bày tỏ những gì mà người ta không dám nghĩ, mà có dám nghĩ cũng không dám biểu đạt, mà muốn biểu đạt cũng chưa biết biểu đạt nó như thế nào. Vì sao? Vì không có tư duy độc lập. Không có tư duy độc lập thì làm sao có tự do để theo đuổi những suy nghĩ của bản thân. Con người mà không có tự do tư tưởng và độc lập tư duy thì không bao giờ trở thành một con người hạnh phúc viết hoa."
Kêu gọi bỏ cuộc thi Olympia
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức từ năm 1999 cho đến nay.
Theo thời gian, cuộc thi này đã trở thành một chương trình truyền hình rất nổi tiếng, và thí sinh chiến thắng thường được coi là niềm tự hào của trường, của địa phương.
Người vô địch cuộc thi được giải thưởng là suất học bổng du học toàn phần tại Úc.
Thí sinh đạt giải cao nhất trong mỗi cuộc thi tuần, tháng, quý hay chung kết năm sẽ nhận được vòng nguyệt quế.
Vào ngày thứ Tư 4/9 đã xuất hiện các ý kiến chỉ trích nhắm đến liệu có nên bãi bỏ cuộc thi này.
Trang Facebook Nam Quốc Sơn Hà hôm thứ Tư 4/9 đặt nêu ra các lý do để bãi bỏ cuộc thi này:
"Thứ nhất, hầu hết các nhà vô địch đã không trở về quê hương để cống hiến và cũng rất nhạt nhòa trong việc thể hiện sự ứng dụng tri thức của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, bản chất của tư bản là họ không cho không, việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài đất nước nên do chính phủ hoặc cơ quan hữu quan chứ không phải một doanh nghiệp hay một tổ chức có yếu tố nước ngoài..."
Ý thứ hai trên đây có nhiều nét tương đồng với các luận điểm được dùng để tấn công Đại học Fulbright Việt Nam hoặc các chương trình trao đổi quốc tế như YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do chính phủ Mỹ tổ chức), rằng đây là những tổ chức, những chương trình ươm mầm "cách mạng màu", "diễn biến hòa bình".
Một thống kê vào năm 2019 cho thấy, trong 19 quán quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" thì có chỉ hai người về nước.
Vào năm 2014, khi được hỏi sẽ trở về nước để cống hiến hay tiếp tục ở nước ngoài, nhà vô địch Olympia 2010 Phan Minh Đức trả lời:
“Theo mình cả hai con đường trên đều có thể đóng góp cho đất nước. Dù bạn ở đâu, thì những thành tựu nghiên cứu của bạn đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Hơn nữa, trong một thế giới mở như hiện nay việc bạn đang ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đóng góp cho quê hương,” theo Zing News.
Theo BBC
Comments powered by CComment