Nền kinh tế Mỹ phát triển hơn hay tệ đi dưới thời Tổng thống Joe Biden so với khi ông Donald Trump nắm quyền?
Đây là một chủ đề liên tục được nhắc tới trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024.
“Nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế của chúng ta lớn mạnh nhất thế giới,” Phó Tổng thống Kamala Harris từng tuyên bố.
Trong khi đó, cựu Tổng thống và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump từng nói rằng ông đã tạo ra "nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ" và chính quyền Biden-Harris đã phá hủy nó.
BBC đã xem xét một số chỉ số chính để so sánh hiệu suất của nền kinh tế Mỹ dưới hai nhiệm kỳ tổng thống trên.
Tăng trưởng kinh tế
Tuy rằng tác động của đại dịch Covid-19 khiến việc so sánh trở nên khó khăn, cả hai nhiệm kỳ tổng thống đã đạt được một số thành công kinh tế đáng chú ý, dù rằng mức lương vẫn chưa bắt kịp tốc độ tăng giá của các sản phẩm trong những năm gần đây.
Trước tiên, hãy nhìn vào tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số này đã sụt giảm mạnh khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời kỳ Covid-19.
Sau đại dịch, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ dưới thời ông Trump, với tốc độ phục hồi tốt hơn so với nhiều quốc gia phương Tây khác.
Xu hướng này được duy trì dưới thời ông Biden - Mỹ có mức phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong nhóm G7 nếu xét theo GDP.
G7 là tổ chức gồm bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại toàn cầu và hệ thống tài chính quốc tế, gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada.
Nhưng trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, nền kinh tế của quốc gia này không "vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ" như ông tuyên bố.
Trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2021, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm là 2,3%.
Giai đoạn này bao gồm sự chững lại của nền kinh tế và thời kỳ phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tính đến hiện tại, sau khoảng 3 năm cầm quyền, kinh tế Mỹ dưới thời ông Biden đạt tốc độ tăng trưởng 2,2% - không quá khác biệt.
Trong quá khứ, đã từng có thời điểm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ cao hơn mức trung bình dưới thời Trump và Biden, ví dụ như vào những năm 1970.
Vào năm 1973, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 5,6%. Năm 1976, con số này là 5,4%.
Lạm phát
Tốc độ tăng giá đã trở thành một vấn đề nóng trong các chiến dịch tranh cử.
Hai năm đầu dưới thời ông Biden, giá cả đã gia tăng đáng kể - đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022.
Ông Trump từng nói rằng nước Mỹ đã phải trải qua "tình trạng lạm phát tồi tệ nhất".
Điều này là sai. Lần gần nhất lạm phát vượt mức 9% là vào năm 1981, và trong nhiều thời điểm khác, mức lạm phát ở Mỹ cao hơn thế nhiều.
Hiện tại, lạm phát đã giảm xuống còn khoảng 3%, vẫn cao hơn thời điểm ông Trump rời nhiệm sở.
Ví dụ, giá thực phẩm đã tăng 13,5% trong giai đoạn từ tháng 8/2021 – tháng 8/2022.
Đây là mức tăng đỉnh điểm dưới thời ông Biden. Kể từ đó, giá cả đã phần nào trở nên ổn định hơn, với mức tăng 1,1% trong giai đoạn từ tháng 7/2023 – tháng 7/2024.
Xu hướng lạm phát của Mỹ trong thời gian gần đây có sự tương đồng với nhiều quốc gia phương Tây từng có mức lạm phát cao trong giai đoạn 2021-2022 khi phải hứng chịu tác động từ các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu phát sinh do Covid-19 và giá cả leo thang do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (American Rescue Plan) trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2021, cũng là một yếu tố đóng góp vào tốc độ gia tăng lạm phát.
Các chuyên gia nhận định rằng việc bơm tiền vào nền kinh tế đã khiến giá cả gia tăng.
Tình trạng việc làm
Chính quyền ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh vào sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc làm, coi đây là một thành tựu lớn.
Trước khi xảy ra tình trạng mất việc quy mô lớn vào năm 2020 do Covid-19, trong ba năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump (giai đoạn 2016-2019), đã có 6,7 triệu chỗ làm được tạo ra, theo số liệu thống kê việc làm phi nông nghiệp (vốn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động).
Kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào tháng 1/2021, có gần 16 triệu chỗ làm mới.
Ông Biden từng tuyên bố rằng đó là “tốc độ tăng trưởng chỗ làm nhanh nhất, ở bất kỳ thời kỳ nào, dưới bất kỳ vị tổng thống nào, trong toàn bộ chiều dài lịch sử Mỹ”.
Khi nhìn vào những dữ liệu có sẵn kể từ khi việc ghi chép được bắt đầu vào năm 1939, có thể thấy rằng tuyên bố của ông Biden là đúng.
Nhưng chính quyền ông Biden đã hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế hậu Covid-19 khi Mỹ cho dừng phong tỏa.
“Nhiều chỗ làm [cũng] sẽ quay trở lại nếu ông Trump đắc cử vào năm 2020 – nhưng Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ đã đóng vai trò quan trọng trong tốc độ và mức độ mạnh mẽ
của sự phục hồi thị trường lao động,” Giáo sư Mark Strain, một nhà kinh tế học tại Đại học Georgetown, nhận định.
Giải cứu Hoa Kỳ là kế hoạch chi tiêu được thông qua vào năm 2021 với mục đích kích thích kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
Việc mức tăng trưởng việc làm vào tháng Bảy thấp hơn dự kiến đã gây ra lo ngại về một cuộc đảo chiều đi xuống đột ngột trong nền kinh tế Mỹ.
Nỗi lo này đã tác động xấu tới thị trường chứng khoán, nhưng mọi thứ đã ổn định trở lại.
Cả hai chính quyền đều nhấn mạnh tới tỷ lệ thất nghiệp thấp trong nhiệm kỳ của mình.
Trước đại dịch và dưới thời ông Trump, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%.
Tương tự như ở nhiều nơi khác trên thế giới, các biện pháp phong tỏa do Covid khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt ở Mỹ.
Khi ông Trump rời nhiệm sở, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn khoảng 7%.
Dưới thời ông Biden, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, xuống mức 3,4% vào tháng 1/2023 – mức thấp nhất trong vòng 50 năm, nhưng con số này đã tăng dần lên 4,3% ở hiện tại.
Mức lương
Dưới thời ông Trump, mức lương đã tăng nhưng chỉ ở mức tương tự nhiệm kỳ trước đó của ông Barack Obama.
Điều này đã thay đổi khi đại dịch Covid bùng phát.
Vào đầu năm 2020, mức lương của người lao động đã tăng mạnh. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột này một phần là do những công nhân có thu nhập thấp hơn có khả năng bị sa thải cao hơn, khiến mức lương trung bình của những người vẫn còn làm việc tự động tăng lên.
Dưới thời ông Biden, thu nhập trung bình hằng tuần của người lao động đã tăng, nhưng vẫn chưa theo kịp với mức tăng giá do lạm phát cao gây ra.
Sau khi điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, mức lương trung bình hằng tuần ở hiện tại thấp hơn so với khi ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ.
Thị trường tài chính
Thị trường chứng khoán Mỹ không nhất thiết phản ánh toàn bộ tình hình của nền kinh tế, nhưng nhiều người Mỹ có các khoản đầu tư, do đó tình hình thị trường có ý nghĩa tương đối quan trọng.
Chỉ số Dow Jones là một chỉ số đo lường hiệu suất của 30 doanh nghiệp lớn niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Chỉ số này đạt mức cao kỷ lục khi ông Trump còn cầm quyền.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid ập tới, thị trường đã sụt giảm mạnh, quét bay những tăng trưởng đạt được dưới thời ông Trump.
Dù vậy, khi ông Trump rời nhiệm sở vào tháng 1/2021, thị trường tài chính đã phục hồi lên mức cao hơn mức trước đại dịch.
Sự tăng trưởng này được tiếp nối dưới thời ông Biden, và mặc dù có một số biến động gần đây, thị trường chứng khoán cũng đã đạt mức kỷ lục dưới chính quyền Mỹ hiện tại.
Theo BBC
Comments powered by CComment