Từ chuỗi cung ứng gián đoạn đến Phố Wall thịnh vượng, thị trường Trung Quốc đảo lộn..., tất cả đều đánh bại các dự đoán từ đầu năm 2021.
Mỗi năm đều có những biến động bất ngờ với thị trường tài chính, nhưng năm 2021 đã có rất nhiều khó khăn. Dưới đây là một số diễn biến khiến các nhà đầu tư, công ty và nhà phân tích ngạc nhiên nhất trong năm nay và ý nghĩa của chúng đối với năm 2022, theo The Economist.
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 rõ ràng không tạo ra nhiều tổn thất nghiêm trọng ngoài thực tế là trang thiết bị bảo vệ cá nhân bị thiếu hụt trong một thời gian. Ngược lại, năm nay được đánh dấu bởi tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và lạm phát gia tăng do nguồn cung khó khăn.
Drewry, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng, đã xây dựng thước đo chi phí trung bình của việc vận chuyển một container 40 feet trên nhiều tuyến đường. Con số này đạt mức cao nhất là 10.377 USD vào cuối tháng 9, tăng gấp bốn lần so với một năm trước đó.
Sự gián đoạn với các nhà máy và cảng ở Trung Quốc và Đông Nam Á, do nỗ lực của các chính phủ nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19, không phải là nguyên nhân hàng đầu. Xáo trộn trong chuỗi cung ứng phần nhiều là do nhu cầu bùng nổ về hàng hóa vật chất. Chi tiêu cho hàng hóa có tính lâu bền ở Mỹ đã tăng 34% kể từ đầu năm 2020, so với mức tăng gần 4% cho dịch vụ. Khi đại dịch rút đi, khoảng cách đó sẽ thu hẹp lại. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng có thể vẫn còn căng thẳng thêm một thời gian so với trạng thái trước khi có Covid-19.
Thị trường Trung Quốc đảo lộn
Trật tự trên thị trường tài chính Trung Quốc cũng đã bị thay đổi trong năm nay. Trong một thập kỷ qua, các nhà đầu tư nô nức tiếp cận nhiều hơn với các tài sản của Trung Quốc. Trong đó, lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của quốc gia này được coi là đặc biệt hấp dẫn.
Tuy nhiên, một chiến dịch siết chặt quản lý vào năm 2021 đã khiến chỉ số MSCI China Tech 100 giảm gần một phần ba kể từ đầu năm. Giá cổ phiếu của Alibaba, một gã khổng lồ thương mại điện tử, đã giảm gần 50% so với cùng kỳ.
Evergrande, một nhà phát triển bất động sản khổng lồ, từ lâu đã trở thành biểu tượng cực đoan nhất của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc về sử dụng đòn bẩy cao. Cuối cùng, chính vào năm 2021, nó đã vỡ nợ trước nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế việc vay nợ của các nhà phát triển.
Các ngành công nghiệp sắp tới sẽ được quản lý ra sao vẫn là một ẩn số với các nhà đầu tư. Nó sẽ bị chi phối bởi Đại hội Đảng của Trung Quốc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và bất động sản nước này vẫn có thể tăng lên đáng kể nếu chính sách của Bắc Kinh thay đổi.
Phố Wall thịnh vượng
Các nhà phân tích và nhà đầu tư từng dự đoán thu nhập trên thị trường chứng khoán Mỹ của năm 2021 sẽ không thể tệ hơn 2020. Và sự thật thậm chí còn đánh bại mọi dự báo.
Vào cuối năm 2020, phố Wall kỳ vọng thu nhập trên mỗi cổ phiểu của S&P 500 vào năm 2021 sẽ tăng 22%. Kết quả quý IV chưa được công bố nhưng ước tính mức tăng trưởng trong năm nay là đến 45%, thậm chí còn mạnh hơn mức tăng 40% vào năm 2010, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này một phần là do kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, với thu nhập của các công ty không chỉ vượt qua mức năm 2020 mà còn vượt qua mức năm 2019.
Tuy nhiên, sự thịnh vượng này cũng đặt thị trường chứng khoán Mỹ bước vào tình thế khó khăn hơn khi năm 2022 bắt đầu. Bởi lẽ, một số mức hồi phục mà trước đây dự kiến diễn ra vào năm tới có thể đã hoàn thành trong năm nay. Vì vậy, các nhà phân tích dự báo thu nhập của các công ty thuộc S&P 500 trong năm tới sẽ tăng trưởng yếu hơn nhiều, trung bình khoảng 9%. Và với P/E đã hơn 20 thì dư địa có thể tăng cũng bị hạn chế.
Vốn đại chúng và ngân hàng
Trong 11 tháng đầu của năm nay, việc niêm yết ở Mỹ đã huy động được 147,8 tỷ USD, gấp hơn hai lần số tiền huy động được trong cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng rõ rệt nhất trong những tháng đầu năm, nhưng hoạt động vẫn sôi nổi tận đến lúc năm 2021 gần khép lại.
Sự bùng nổ làm dấy lên một số nghi ngờ về khả năng thị trường đại chúng đang bị thay thế dần bởi dòng vốn tư nhân. Quyền lực của các ngân hàng đối với quá trình niêm yết có thể bị giảm sút, vì các công ty đại chúng hiện có thể lựa chọn niêm yết trực tiếp hoặc sáp nhập với các công ty được thành lập với mục đích đặc biệt (SPAC). Đến quý IV, đã có 621 công ty niêm yết trên toàn thế giới - bao gồm cả thông qua SPAC - tăng 16% trong năm qua. Làn sóng nổi lên này cho thấy thị trường đại chúng không thể ngủ yên.
Tài chính xanh bùng nổ
Các giám đốc điều hành và các nhà đầu tư muốn tỏ ra thân thiện với môi trường đôi khi bị chế nhạo trong những năm gần đây, và tài chính xanh nói chung được nhìn với sự hoài nghi.
Nhưng năm nay đã có những bước phát triển cụ thể. Trái phiếu chính phủ xanh đã tràn ngập thị trường, với ít nhất 20 quốc gia phát hành trong năm 2021. Vào giữa tháng 10, Liên minh châu Âu đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên, trị giá 12 tỷ euro (13,6 tỷ USD) cho các nhà đầu tư nhiệt tình với phát triển bền vững.
Tuy nhiên, có lẽ những phát triển thú vị nhất đến từ khu vực tư nhân. Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu đạt 60 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, cao hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các hãng xe điện, từ Tesla đến CATL, nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, vào tháng 5, ExxonMobil đã thua trong cuộc chiến chống lại các nhà đầu tư, những người đã bầu chọn các lãnh đạo thân thiện với khí hậu hơn vào hội đồng quản trị của công ty dầu mỏ. Và các công ty dầu mỏ giờ cũng lao vào khám phá công nghệ hydro.
Tài chính sẽ phải vật lộn để trở nên xanh thực sự nếu không có cơ chế định giá carbon trên diện rộng. Nhưng lĩnh vực này xuất hiện từ năm 2021 có vẻ trưởng thành và nghiêm túc hơn so với những năm trước.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment