Việt Nam không tránh khỏi những hệ quả từ chiến tranh Ukraina. Ngoài tác động trước mắt, như giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, thị trường chứng khoán bị xáo trộn trong những ngày đầu Nga tấn công Ukraina, Việt Nam sẽ phải tìm cách đối phó với những hệ quả lâu dài do phương Tây và nhiều nước trên thế giới áp dụng trừng phạt Matxcơva và do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường và đối tác thương mại.
Tác động trực tiếp không nhiều bằng hệ quả gián tiếp
Giới chuyên gia Việt Nam cho rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraina, cũng như việc Nga bị phương Tây trừng phạt, “tác động trực tiếp đến tổng thể kinh tế Việt Nam không nhiều” do thương mại hai chiều của Việt Nam với Nga chỉ chiếm khoảng 1% và với Ukraina chỉ chiếm khoảng 0,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 17/03/2022, ông Jean-Philippe Eglinger, một nhà quan sát Pháp, giảng viên trường Inalco về kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp ở Việt Nam, giải thích thêm :
“Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga năm 2021 đạt 5,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,8% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 3,2 tỉ đô la, tăng 13,2% và nhập khẩu đạt 2,3 tỷ đô la, tăng 14,9%. Đối với thị trường Ukraina, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu đô la tăng 50,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 334,6 triệu đô la, tăng 21%, nhập khẩu từ Ukraina đạt 375,8 triệu đô la, tăng 94,2%.
Những con số này khá khiêm tốn so với tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là hơn 650 tỷ đô la Mỹ. Nhưng vì Nga đã ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift, nếu Việt Nam không có khả năng tìm cách thanh toán khác không cần dùng đến đô la Mỹ thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của xung đột này”.
Hiện có bẩy ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift (1). Một số biện pháp thanh toán khác, như bằng nhân dân tệ thông qua hệ thống CIPS của Trung Quốc, được nêu lên nhưng lại bất tiện, khá tốn kém, mất thời gian, theo giải thích trên đài France Culture ngày 01/03 của kinh tế gia Sylvie Matelly, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) :
“Hệ thống Swift thuận lợi cho tất cả các giao dịch thông thường, ví dụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga hay các doanh nghiệp Nga muốn trao đổi với phần còn lại của thế giới. Khi người ta chặn hệ thống này thì kể cả các hợp đồng lớn hay các doanh nghiệp lớn đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tiểu thương xuất khẩu hàng hóa… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lách được hệ thống thông tin này”.
Tác động thứ hai là giá của nhiều sản phẩm tăng chóng mặt do chuỗi sản xuất và phân phối bị đứt gãy. Xăng dầu là mặt hàng đầu tiên có thể thấy tác động rõ nét nhất, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Dù giá dầu tăng giúp Việt Nam thu thêm hơn 57% từ dầu thô vào ngân sách trong hai tháng đầu năm 2022 nhưng ngược lại, Việt Nam cũng phải mua xăng dầu với giá cao hơn do nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu.
Ngoài ra, Nga và Ukraina là hai nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ nhất và thứ tư thế giới. Nga còn là nhà cung cấp lớn nhiều hàng hóa chiến lược, như dầu khí, kim loại, phân bón, than… Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Nga và Ukraina. Ông Jean-Philippe Eglinger giải thích tiếp :
“Về tác động gián tiếp, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ chịu nhập khẩu lạm phát vì Việt Nam nhập khẩu từ Nga một số nguyên liệu và sản phẩm, như ga, xăng, phân bón, sắt, thép, chất dẻo, vân vân. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và cộng đồng người Việt đang đầu tư làm ăn ở Nga, Ukraina và các nước Đông Âu có thể chịu những thiệt hại nhất định, như khó khăn trong thanh toán ngoại hối, tăng phí chuyển tiền, thiếu hụt ngoại hối, áp lực giảm giá của đồng rúp, tăng lạm phát ở Nga”.
Cụ thể, theo trang Vietnam+ ngày 02/03, tập đoàn TH (chuyên về sản phẩm sữa sạch) nằm trong số các doanh nghiệp lớn Việt Nam đầu tư vào Nga. Về các dự án dầu khí có Liên doanh RusVietPetro, một trong những dự án đầu tư ở nước ngoài thành công nhất của PetroVietnam. Tương tự, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường Nga nhiều mặt hàng (dù thị phần rất nhỏ trong tổng số kim ngạch thương mại của Việt Nam) như điện thoại di động (chiếm 1.230 triệu đô la Mỹ trong năm 2021), sản phẩm dệt may (480 triệu) và thiết bị điện tử (640 triệu), theo thống kê của trang Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 03/03.
Nga cũng có nhiều dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí (chiếm khoảng 85% tổng sản lượng khai thác dầu và khí của Việt Nam) và điện. Ví dụ, dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Power Machines (PM) của Nga làm tổng thầu bị chậm kế hoạch hai năm do công ty PM bị liệt vào danh sách cấm vận của Hoa Kỳ. Tiếp theo là dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong với liên doanh Zarubezhneft JSC Nga và DEME Concessions của Bỉ, đã kí biên bản ghi nhớ từ tháng 04/2021. Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, nhưng đến mức độ nào ? Theo ông Jean-Philippe Eglinger, “trong bối cảnh hiện nay, rất khó phân tích và dự báo” :
“Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU, bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan được ký kết ngày 29/05/2015) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đạt trung bình khoảng 30%/năm. Vào năm 2020-2021, thương mại song phương vẫn tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ 2019, đạt 4,85 tỷ đô la. Nga chiếm vị trí thứ 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án. Nhưng như đã nói thì hiện nay, trong bối cảnh hơi phức tạp, tôi không có khả năng dự kiến tương lai và về các dự án này sẽ ra sao”.
Đa dạng hóa thị trường và đối tác thương mại
Trong thời gian gần đây, các nhà phân tích không còn đơn thuần nói tới rủi ro lạm phát khi nói đến tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraina mà nhắc đến khái niệm “lạm phát kèm suy thoái” (stagflation), nói một cách khác là lạm phát kèm sụt giảm tăng trưởng GDP. Trang VnEconomy ngày 07/03 nêu bốn giải pháp được giới chuyên gia Việt Nam khuyến cáo để ứng phó với khủng hoảng Nga-Ukraina : đa dạng hóa thị trường và nguồn cung ; đa dạng hóa đồng tiền thanh toán ; chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh ; rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để bảo đảm chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Về việc đa dạng hóa đồng tiền và cách thanh toán, “Việt Nam và Nga đã thiết lập kênh thanh toán song phương” sau khi Matxcơva bị cấm vận vì sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, “kênh này thời gian qua chưa hoạt động mạnh mẽ thì nay phải làm quyết liệt hơn. Về thay đổi đồng tiền thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm vào cuộc để xem xét nếu cần”.
Còn theo nhà quan sát Jean-Philippe Eglinger, vấn đề mở rộng thị trường và đối tác thương mại đã được Việt Nam tích cực tiến hành trong những năm gần đây cũng giúp hạn chế tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraina :
“Hiện nay, độ mở của nền kinh tế thường được đo bằng kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho quy mô GDP. Hiện tại, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là hơn 200%, được các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là độ mở rất lớn, chứng tỏ Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Từ cách đây vài năm, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh nhờ sự tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Ký kết hiệp định thương mại tự do đối với Việt Nam là một mục tiêu chiến lược. Đến năm 2022, Việt Nam đã ký kết hơn 15 Hiệp định Thương mại Tự do với hơn 53 quốc gia. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, cân bằng cán cân thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tránh được tình trạng phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu nhất định.
Hơn nữa, việc đa dạng hóa các đối tác nước ngoài là quan trọng nhưng không nên quên việc phát triển thị trường nội địa với sản phẩm chất lượng cao tương đương với sản phẩm xuất khẩu”.
Việt Nam trong thế "khó xử" giữa Nga và Ukraina
Một tuần sau khi Nga tấn công Ukraina, ngày 01/03, đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã tiếp hai phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng Viện) để khẳng định mối quan hệ song phương chặt chẽ trong bối cảnh năm 2022 kỷ niệm 10 năm Đối tác Chiến lược Toàn diện và 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngày 03/03, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraina và yêu cầu Matxcơva rút hết lực lượng quân sự. Dù bị chỉ trích, nhưng phải nói đây là một bước tiến bộ từ phía Việt Nam : Không trực tiếp lên án Nga nhưng ngầm phản đối chiến tranh.
Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, đại học Paul-Valéry Montpellier 3, giải thích với RFI Tiếng Việt về mối quan hệ lịch sử chặt chẽ giữa Việt Nam và Nga :
“Khi quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô xấu đi, xấu đến mức người ta nói đến vụ ly hôn Xô-Trung, thì đã xảy ra vụ xung đột vũ trang ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1969 trên sông Ussuri, một nhánh của sông Amur (Amyp theo tiếng Nga, Hắc Long Giang theo tên Trung Quốc). Sự kiện này đã dẫn đến một loạt quyết định xác định lại lập trường. Trung Quốc cuối cùng đã thiên về Hoa Kỳ. Việt Nam cảm thấy phần nào bị Trung Quốc phản bội vào lúc họ bị bom của tổng thống Nixon dội xuống năm 1972.
Hà Nội đã phát triển quan hệ đối tác gần như duy nhất với Liên Xô và các nước vệ tinh của Liên Xô lúc đó, trong đó có Đông Âu Cộng sản phụ thuộc vào Matxcơva. Cho nên hoàn toàn hiểu được sự gắn bó của người Việt với nước Nga khi người ta biết được phần lịch sử này vì Liên Xô vào thời kỳ đó là một đối tác bền vững, ủng hộ Việt Nam, trước tiên là trong cuộc chiến giành độc lập, sau đó là chiến tranh chống Mỹ và chống Trung Quốc”.
Vẫn theo giáo sư Pierre Journoud, hoàn toàn có thể hiểu được “tầm quan trọng đối với Việt Nam là không được hủy hoại mối quan hệ này trong tình hình hiện nay”. Ngoài ra, Việt Nam cũng có mối quan hệ tốt đẹp với Ukraina xuất phát từ lịch sử quan hệ khối Cộng sản ở Đông Âu. Điều này giải thích cho việc ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov tối 15/03 và hôm sau với đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kuleba “để trao đổi về tình hình xung đột ở Ukraina”. Giáo sư Pierre Journoud nhận định :
“Tôi nghĩ các cuộc điện đàm chỉ mang tính ngoại giao và chủ yếu là để “nói” với công luận trong nước. Tôi có cảm giác là người dân Việt Nam bị chia rẽ về chủ đề này. Dĩ nhiên là tôi không nắm rõ như một người Việt Nam, nhưng tôi theo dõi, nghe và đọc, và điều đáng quan tâm ở đây là ngay cả các bài báo cũng mâu thuẫn với nhau và càng cho thấy sự chia rẽ đó. Tôi không rõ đâu là xu hướng chính, có thể là phía ủng hộ Ukraina vì Việt Nam đã phải trải qua không biết bao cuộc ngoại xâm, trong đó có Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
Ví dụ về Trung Quốc cũng đáng chú ý vì đó là cuộc xung đột gần đây nhất mà Việt Nam phải đối đầu. Vụ tấn công quân sự đó cũng được cho là sẽ ngắn, gây nhiều thiệt hại nhất cho Việt Nam và cuối cùng phần nào đó lại trở thành thất bại với Trung Quốc vì họ không ngờ phải đối đầu với sức kháng cự như vậy của người Việt vào năm 1979 và Trung Quốc đã chịu rất nhiều nhiều thiệt hại. Có rất nhiều bài báo so sánh hai cuộc xung đột, dĩ nhiên là rất khác nhau, bối cảnh cũng rất khác nhau, nhưng nhìn từ quan điểm đó, có nghĩa là một Nhà nước bị một nước lớn hơn xâm chiếm, thì có những yếu tố so sánh rất đáng quan tâm. Và cũng có thể những người ủng hộ Ukraina là những người đặt mình vào khả năng có thể trở thành nạn nhân của một vụ tấn công như từng xảy ra năm 1979, nhưng ví dụ cũng có thể xảy ra ở Biển Đông chống lại các lợi ích của Việt Nam.
Có thể thấy là chính phủ Việt Nam đang ở thế rất tế nhị. Chúng ta thấy rằng họ rất khó xử về cuộc xung đột này, tương tự với Bắc Kinh nhưng Trung Quốc có lời nói, sức mạnh lớn hơn nên có nhiều phạm vi hành động hơn. Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraina nên chỉ có thể dùng đến lá bài đàm phán, đối thoại… Chúng ta chờ xem cuộc chiến có kéo dài không và có thể sẽ buộc Việt Nam phải có lập trường rõ ràng hơn. Nhưng hiện tại, Việt Nam giữ lập trường trung lập, thậm chí là trung gian hòa giải.
Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đau thương về chiến tranh, được chúng tôi phân tích trong tác phẩm Un triangle à l’épreuve. La Chine, les Etats-Unis et l’Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch : Một tam giác chiến lược qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ năm 1947) (2), nên Việt Nam có thể nói đến hòa bình, ngoại giao vì theo tôi, những kinh nghiệm ngoại giao và hòa bình đó sẽ là giá trị của Việt Nam”.
*****
(1) Bẩy ngân hàng Nga bị liệt trong danh sách có hiệu lực từ ngày 12/03 gồm VTB (ngân hàng lớn thứ hai của Nga), Bank Otkritie, Novikombank (đầu tư trong công nghiệp), Promsvyazbank, Rossiya Bank, Sovcombank và VEB (ngân hàng phát triển của chế độ). Ba ngân hàng Promsvyazbank, Rossiya Bank và VEB đã nằm trong danh sách những cá nhân và thực thể Nga bị đóng băng tài sản trong Liên Hiệp Châu Âu trong loạt trừng phạt đầu tiên của khối 27 trước đó một tuần.
(2) Pierre Journoud (giám đốc), Un triangle à l’épreuve depuis 1947. La Chine, les Etats-Unis et l’Asie du Sud-Est (tạm dịch : Một Tam giác chiến lược qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ năm 1947), NXB Presses universitaires de la Méditerranée, 2022.
Theo RFI
Comments powered by CComment