Group News: Tin copy

Không chỉ Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới cũng chú ý theo dõi màn đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Trong phần lớn cuộc tranh luận, bà Harris chọc tức đối thủ Đảng Cộng hòa, buộc ông phải biện minh cho những hành vi và bình luận trong quá khứ của ông.

Trong phần lớn cuộc tranh luận, bà Harris chọc tức đối thủ Đảng Cộng hòa, buộc ông phải biện minh cho những hành vi và bình luận trong quá khứ của ông.

Trong cuộc tranh luận ở Philadelphia, đã có những trao đổi căng thẳng giữa hai ứng cử viên tổng thống khi nói về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Từ Bắc Kinh đến Budapest, dưới đây là cách mà cuộc tranh luận được diễn giải, theo các phóng viên nước ngoài của BBC.

Nhắc tới Putin, Điện Kremlin để ý

Steve Rosenberg, Biên tập viên BBC News Tiếng Nga, từ Moscow.

Điện Kremlin đã nói rằng họ cảm thấy nhột mỗi khi tên ông Putin được nhắc tới trong cuộc tranh luậnĐiện Kremlin đã nói rằng họ cảm thấy nhột mỗi khi tên ông Putin được nhắc tới trong cuộc tranh luận

Bà Harris đã nói với ông Trump rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một nhà độc tài sẽ ăn tươi nuốt sống ông [Trump]”.

Cách nói “ăn tươi nuốt sống” (hay ăn sống nuốt tươi gì đi chăng nữa) không tồn tại ở Nga.

Tuy nhiên, điều tồn tại ở Nga là nỗi khao khát một kết quả bầu cử Mỹ có lợi cho Moscow.

Điện Kremlin chắc hẳn phải ghi nhận (với sự hài lòng) việc ông Trump lảng tránh trả lời câu hỏi liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trước Nga hay không.

“Tôi muốn chiến tranh chấm dứt” là câu trả lời của ông Trump.

Ngược lại, bà Harris nói về “cuộc phòng vệ chính nghĩa” của Ukraine và cáo buộc ông Putin “nhòm ngó phần còn lại của châu Âu”.

Sau đó, Điện Kremlin đã nói rằng họ cảm thấy nhột mỗi khi tên ông Putin được nhắc tới trong cuộc tranh luận.

“Tên của ông Putin đang được sử dụng làm phương tiện phục vụ nội đấu ở Mỹ,” người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với tôi.

“Chúng tôi không thích điều này và mong họ đừng nhắc tới tổng thống của chúng tôi nữa.”

Tuần trước, ông Putin cho biết mình ủng hộ bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời khen ngợi “nụ cười có sức lan tỏa” của bà.

Một người dẫn chương trình của kênh truyền hình nhà nước Nga sau đó nói rằng ông Putin đã “hơi mỉa mai” khi phát biểu như vậy.

Người dẫn chương trình này coi thường kỹ năng chính trị của bà Harris, đồng thời cho rằng phó tổng thống Mỹ phù hợp hơn với công việc dẫn chương trình nấu ăn trên truyền hình.

Tôi tự hỏi: Liệu chương trình đó có nói tới các “nhà độc tài ăn tươi nuốt sống” các ứng cử viên tổng thống Mỹ không...

Nỗi lo ở Ukraine về câu nói của ông Trump

Nick Beake, Phóng viên Châu Âu, từ Kyiv

Việc ông Trump không nói rõ muốn Ukraine thắng hay thua không gây bất ngờ tại Kyiv.

Tuy nhiên, sự mập mờ này đã làm dấy lên những lo ngại về viễn cảnh ông Trump tái đắc cử.

Lâu nay, ông Trump vẫn luôn khẳng định có thể kết thúc cuộc chiến tại Ukraine trong vòng 24 giờ - một viễn cảnh mà nhiều người dân Ukraine cho rằng sẽ là một thỏa thuận tồi tệ, trong đó Kyiv buộc phải từ bỏ những vùng đất rộng lớn mà Nga đã chiếm giữ trong hai năm rưỡi qua.

Ngược lại, người dân Ukraine có lẽ sẽ cảm thấy yên lòng hơn với cách bà Harris nói về cuộc chiến này - không có dấu hiệu nào cho thấy độ vênh giữa quan điểm của bà và lập trường ủng hộ Ukraine mạnh mẽ của Mỹ hiện tại.

Nhắc lại những thành tựu đã đạt được của mình, bà Harris nói rằng bà đã chia sẻ thông tin tình báo quan trọng với Tổng thống Zelensky trong những ngày trước khi Nga thực hiện cuộc xâm lược toàn diện.

Bà cho rằng ông Trump, với lập trường hiện tại, mà vẫn còn làm tổng thống thì Ukraine hẳn đã tiêu vong.

“Nếu ông Trump còn làm tổng thống thì giờ này Putin hẳn đang ngồi ở Kyiv rồi.”

Tới nay thì các bộ trưởng và sĩ quan quân sự cấp cao đương nhiệm của Ukraine rất im ắng về cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống.

Trận chiến bầu cử của Mỹ không phải là điều họ cần phải xía vào khi họ đang dồn lực cho cuộc chiến thực sự ở trong nước.

Chính Tổng thống Zelensky là người bày tỏ rõ nhất, dù có phần nói giảm nói tránh, về tương lai của Ukraine nếu ông Trump lại thắng cử.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào tháng 7, ông nói rằng nếu ông Trump đứng đầu Nhà Trắng thì sẽ “khó khăn lắm, nhưng chúng tôi là những người chịu khó.”

Bà Harris - ẩn số đối với Bắc Kinh

Laura Bicker, Phóng viên Trung Quốc, từ Bắc Kinh

Không có thông tin thể hiện rõ quan điểm của bà Harris về Trung Quốc

Không có thông tin thể hiện rõ quan điểm của bà Harris về Trung Quốc

Bà Harris là một đại lượng không xác định đối với với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí ngay cả sau cuộc tranh luận.

Không có thông tin thể hiện rõ quan điểm của bà Harris về Trung Quốc và khi đăng đàn, bà chỉ lặp lại quan điểm rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ở thế kỷ 21.

Phó Tổng thống Mỹ đại diện cho thứ mà Trung Quốc không hề thích – sự không chắc chắn.

Đó là lý do vì sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã tận dụng chuyến thăm của các quan chức Mỹ để kêu gọi “sự ổn định” giữa hai siêu cường. Đó có thể là một thông điệp gửi tới bà Harris.

Một quan điểm phổ biến trong giới học giả Trung Quốc là bà Harris sẽ có lối tiếp cận ngoại giao không quá khác phong cách từ tốn và ổn định của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, trên sân khấu tranh luận, bà Harris đã có đòn công kích khi cáo buộc ông Trump “bán chip của Mỹ cho Trung Quốc để giúp họ cải thiện và hiện đại hóa quân đội”.

Ông Trump từng thể hiện rõ rằng ông có kế hoạch áp thuế nhập khẩu 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Mức thuế này sẽ thêm vào mức thuế mà ông đã áp dụng khi còn làm tổng thống, bước đi đã gây ra cuộc chiến tranh thương mại vào năm 2018.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc Trung Quốc trả đũa đã gây ra thiệt hại kinh tế cho cả hai bên.

Đây là điều Trung Quốc không muốn lặp lại, trong bối cảnh quốc gia này đang cố gắng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa để cứu vãn nền kinh tế.

Đối với các lãnh đạo Trung Quốc, cuộc tranh luận không tác động nhiều tới niềm tin rằng ông Trump đại diện cho một yếu tố khác nữa mà Bắc Kinh không thích – sự khó đoán.

Dù vậy, thực tế là Trung Quốc không kỳ vọng quá nhiều vào việc Mỹ sẽ thay đổi chính sách ngoại giao với mình, dù ai là chủ nhân của Nhà Trắng.

Trung Đông theo dõi sát sao

Paul Adams, Phóng viên quốc tế, từ Jerusalem

Trong buổi tranh luận, hai ứng cử viên không đi lệch quá xa khỏi những quan điểm đã từng tuyên bố, dù rằng ông Trump có nói quá lên rằng Israel sẽ biến mất sau hai năm nữa nếu bà Harris trở thành tân tổng thống.

Tại Trung Đông, cuộc đua vào Nhà Trắng đang được theo dõi sát sao.

Khi mà cuộc chiến ở Gaza đang bùng nổ và một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa có vẻ gì là sắp đạt được, một số người chỉ trích cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang cố tình trì hoãn tới khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc với hy vọng ông Trump ủng hộ Israel nhiều hơn bà Harris.

Có một dấu hiệu cho thấy lịch sử có lẽ sẽ lặp lại nay mai.

Vào năm 1980, ban tranh cử của ông Ronald Reagan bị nghi ngờ đã thuyết phục Iran không thả các con tin Mỹ đang bị giam giữ ở Tehran cho đến khi ông đánh bại Tổng thống Jimmy Carter, với lời hứa rằng ông Reagan sẽ cho Iran một thỏa thuận tốt hơn.

Liệu điều tương tự có đang diễn ra?

Chắc chắn các đối thủ của ông Netanyahu tin rằng ông là trở ngại chính ngăn cản một thỏa thuận ngừng bắn.

Bà Harris từng ám chỉ rằng bà có thể sẽ cứng rắn hơn ông Biden trong giao thiệp với Israel.

Ông Trump đã nắm lấy điều này và đã lên tiếng vào tối qua rằng Phó tổng thống Harris “ghét Israel”.

Người dân Palestine, có sự hoài nghi sâu sắc đối với ông Donald Trump và nỗi thất vọng về việc chính quyền ông Biden không thể ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza, có lẽ đang nghiêng về lựa chọn đỡ tồi tệ hơn – bà Harris.

Lâu nay, họ vốn đã từ bỏ ý niệm rằng Mỹ là một nhà trung gian công bằng ở Trung Đông, nhưng chắc chắn đã nhận thấy việc bà Harris đã làm điều mà ông Trump không làm – khẳng định cam kết của mình với việc thành lập một nhà nước Palestine.

Lời ca ngợi Orban làm dậy sóng Hungary

Nick Thorpe, Phóng viên Trung Âu, từ Budapest

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ 2024

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ 2024

Ông Trump dành hàng loạt lời ngợi ca cho Thủ tướng Hungary.

“Viktor Orban, một trong những người đàn ông đáng kính nhất, họ gọi ông ấy là người mạnh mẽ. Ông ấy là một người cứng rắn, thông minh…”

Truyền thông thân chính phủ Hungary đã chớp lấy những lời khen này.

“Sự công nhận to lớn!” tờ Magyar Nemzet giật tít.

Nhưng cổng thông tin 444, một nền tảng truyền thông chỉ trích chính phủ, đã dẫn lời ông Tim Walz, phó tướng của bà Harris.

“Ông ta [Trump] được yêu cầu nêu tên một nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ mình. Và ông ta nhắc tới ông Orban. Ôi trời. Thế là đủ hiểu rồi.”

Ông Orban đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và hiện đang mạnh mẽ ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử lần này.

Hai người đã gặp nhau lần thứ hai trong năm tại nhà ông Trump ở Florida vào ngày 12/7, sau chuyến đi chóng vánh của ông Orban tới Kyiv, Moscow và Bắc Kinh.

Chính quyền ông Orban đang đặt cược vào một chiến thắng của ông Trump và cả khả năng nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine của cựu tổng thống Mỹ.

"Thế cục đang thay đổi. Nếu ông Trump trở lại [Nhà Trắng], hòa bình sẽ được lập lại mà không cần đến các lãnh đạo châu Âu,” ông Balazs Orban, cố vấn chính trị của ông Viktor Orban, nói với BBC vào tháng 7.

Ảnh chế Abdul sau phát ngôn của ông Trump về Taliban

Lyse Doucet, Trưởng phóng viên quốc tế

Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ đã kết thúc vào tháng 8/2021 khi Mỹ vội vàng cho rút nốt những người lính cuối cùng và di tản hàng ngàn dân thường trong lúc quân đội Taliban tiến vào Kabul với tốc độ đáng kinh ngạc.

Thảm họa đó đã được khơi ra trong cuộc tranh luận. Không có gì lạ khi chủ đề này bị lảng tránh, bác bỏ, hoặc bóp méo.

Bà Harris đã lảng tránh câu hỏi “bà có chịu trách nhiệm về cách cuộc rút lui diễn ra hay không?”

Là một phóng viên theo dõi sát sao cuộc rút lui hỗn loạn này, tôi chưa từng nghe tới việc bà Harris có mặt khi các quyết định được đưa ra trong những tuần cuối cùng định mệnh đó.

Nhưng bà khẳng định rõ rằng bà ủng hộ quyết định rút quân của Tổng thống Biden.

Ông Trump thì khoe rằng ông đã có cuộc nói chuyện cứng rắn với “Abdul, lãnh đạo của Taliban” và là “người vẫn đang đứng đầu Taliban”.

Có vẻ ông Trump đang ám chỉ Abdul Ghani Baradar, người đã ký thỏa thuận rút quân với Mỹ.

Nhưng ông Baradar chưa bao giờ là lãnh đạo Taliban và đã bị cho “ra rìa” từ khi Taliban lên nắm quyền.

Sau khi cái tên này được nhắc tới, internet dậy sóng với hàng loạt ảnh chế về “Abdul”, với nhiều người tên Abdul nhảy vào bình luận, nhiều người khác thì hỏi “Abdul là ai?”.

Cả hai ứng cử viên đều tập trung vào thỏa thuận đầy thiếu sót mà Mỹ đã ký với Taliban.

Sự thật là chính quyền ông Trump đã đàm phán kế hoạch rút quân này; còn chính quyền ông Biden đã vội vã thực hiện nó.

Vào thời điểm tháng 8/2021, ông Biden vừa nhậm chức tổng thống được khoảng 7 tháng.

Ông Trump nói rằng đó là thỏa thuận tốt vì “chúng ta đã rút quân”.

Không có cách rút lui nào tốt cả, nhưng sự kiện đó là một thảm họa và ai cũng có lỗi.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.