Group News: Tin copy

Bộ trưởng Công an Việt Nam hối thúc Mỹ sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và phối hợp truy bắt tội phạm kinh tế, những người “lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”.

Cập nhật bầu cử người Việt tại Mỹ: nhiều kỷ lục mới, ông NamQuan Nguyen đang dẫn trước với 42.8% số phiếu

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ngày 9/11/2022. Photo VNA.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ngày 9/11/2022. Photo VNA.

Tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper hôm 9/11, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù nhằm tạo khuôn khổ pháp lý góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật giữa hai bên, cổng thông tin Bộ Công an cho biết.

“Tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử của mỗi nước trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, không để các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”, Bộ này dẫn lời ông Lâm cho biết thêm.

Đại sứ Knapper bày tỏ sự tin tưởng rằng trong thời gian tới, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan Hoa Kỳ với Bộ Công an Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia, vẫn theo Bộ Công an.

Ông Lâm đưa ra yêu cầu này giữa lúc Bộ Công an bắt bớ hàng loạt các chủ doanh nghiệp lớn trên khắp đất nước, bao gồm những người có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, trong nỗ lực của Bộ Chính trị về bài trừ tham nhũng và phanh phui những “đại án” kinh tế.

Vào tháng trước, khi tiếp ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đưa ra đề nghị tương tự.

Ông Hùng nói rằng hai bên cần trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử của mỗi nước trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước, và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, “tránh để các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn”.

Một trong những đối tượng bị truy nã quốc tế của Việt Nam là ông Phạm Văn Sáng, cựu Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Đồng Nai, được báo chí trong nước loan tin là đang sinh sống tại Mỹ. Ông Sáng bị cáo buộc “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” thất thoát ngân sách Việt Nam hơn 27 tỷ đồng.

Đầu tháng 5/2022, cơ quan điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã với doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, sau khi bà này đã bỏ trốn từ ngày 19/6/2021. Bà Nhàn được cho là “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua. Nhà chức trách và truyền thông Việt Nam không tiết lộ quốc gia mà bà Nhàn hiện đang lẩn trốn.

Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong vài năm qua, các cán bộ thực thi pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhiều lần cộng tác đưa các tội phạm bỏ trốn có quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ trở về đúng quốc gia.

Khi tiếp đại sứ Mỹ, ông Tô Lâm cũng tái khẳng định rằng Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.