Group News: Tin copy

Chỉ với 7 triệu USD tiền tài trợ từ tư nhân, nhóm nhà khoa học Mỹ phát triển thành công một loại vaccine COVID-19 tên Corbevax rồi chia sẻ miễn phí công thức cho thế giới.

Trẻ em nhập viện do nhiễm Covid với con số kỷ lục ở Mỹ

Vì sao một số người không muốn tiêm vaccine Covid-19

Các bệnh viện ở California quá tải khi số ca nhiễm covid tăng vọt

Vaccine COVID-19 đã có mặt hơn một năm, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận lớn dân số thế giới chưa được tiêm chủng, chủ yếu ở các nước nghèo. Có nhiều lý do lý giải cho việc nhiều nước khó khăn trong việc tiếp cận vaccine và không thể loại trừ một lý do lớn: Giá cả.

Trong bối cảnh này xuất hiện một loại vaccine được biết đến là “vaccine cho mọi người”, với hy vọng sẽ giúp giải quyết chuyện mất công bằng trong tiếp cận vaccine, giúp chuyện phủ sóng tiêm chủng trên toàn cầu được nhanh chóng và đơn giản hơn. Loại vaccine đó có tên là Corbevax, câu chuyện đằng sau nó thực sự làm ấm lòng và đáng suy ngẫm.

“Chúng tôi không có kế hoạch kiếm tiền từ việc này, nó là một món quà cho thế giới.” TS Peter Hotez 

Miệt mài nghiên cứu chỉ với 7 triệu USD

Theo trang tin Advanced Science News (Mỹ), vaccine Corbevax do một nhóm 20 nhà nghiên cứu ở Trung tâm phát triển vaccine thuộc bv Nhi Texas (Mỹ) do hai đồng giám đốc trung tâm là TS Peter Hotez và TS Maria Elena Bottazzi dẫn đầu phát triển.

Khác với các loại vaccine mRNA và nền tảng adenovirus - những công nghệ tương đối mới, Corbevax dựa trên công nghệ protein “truyền thống” với lịch sử lâu dài về độ an toàn và hiệu quả. Các loại vaccine ngừa uốn ván, bạch hầu, thuốc chủng ngừa HPV Gardasil và nhiều loại khác cũng dùng công nghệ này.

Corbevax sử dụng cùng một công nghệ tạo ra vaccine viêm gan B tái tổ hợp 40 năm nay, làm lạnh đơn giản. Các nước có thể tự sản xuất hàng loạt và phân phối dễ dàng ở những khu vực thiếu khả năng làm lạnh thích hợp. Corbevax được đánh giá là một trong những vaccine có độ an toàn tốt nhất so với bất kỳ vaccine COVID-19 nào.

Tìm ra vaccine COVID-19 với 7 triệu USD, miễn phí công thức - 1

TS Maria Bottazzi (trái) và TS Peter Hotez, các nhà khoa học phát triển vaccine Corbevax làm việc tại phòng thí nghiệm ở Trung tâm phát triển vaccine của BV Nhi Texas. Ảnh: BAYLOR COLLEGE OF MEDICINE

Corbevax đã hoàn thành hai cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với hơn 3.000 người trong độ tuổi 18-80 tại 33 điểm nghiên cứu trên khắp Ấn Độ, được chứng minh là an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả (80% hiệu quả ngăn ngừa Delta, chưa có dữ liệu với Omicron). Theo TS Hotez, hiện nhóm phát triển đang thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em.

Trao đổi với kênh Democracynow.org (tổ chức truyền thông độc lập phi lợi nhuận của Mỹ), TS Hotez cho biết nhóm của ông nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, đặc biệt không nhận được sự hỗ trợ từ chiến dịch Warp Speed (chiến dịch chính phủ Mỹ đề ra để tài trợ cho các chương trình phát triển vaccine COVID-19). Corbevax được phát triển với sự hỗ trợ của hầu hết các nhà đầu tư tư nhân - tổng số tiền tài trợ là 7 triệu USD.

Chia sẻ miễn phí công thức cho thế giới

Cuối tháng 12-2021, Corbevax được Tổng cục Kiểm soát thuốc của Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp, theo hãng thông tấn Ấn Độ Asian News International. Các nhà khoa học cho biết đang chờ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận.

TS Hotez cho biết công thức vaccine Corbevax đã được chuyển giao cho các nhà sản xuất ở Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Botswana. Các công ty đối tác được nhóm nghiên cứu thẩm định kỹ lưỡng về thành tích sản xuất vaccine cho thế giới.

Điều đáng chú ý và đáng trân trọng là các nhà phát triển đã không lấy bằng sáng chế. Các công ty này được cung cấp nguyên mẫu, ngân hàng tế bào sản xuất, không ràng buộc, không bằng sáng chế và giúp đỡ trong việc đồng phát triển. Nhóm nghiên cứu đã và đang nhận rất nhiều cuộc gọi từ các bộ, ngành (khoa học, y tế) trên thế giới đề nghị được giúp và TS Hotez cam kết sẽ làm hết khả năng.

Theo các nhà khoa học phát triển vaccine Corbevax, nhu cầu có loại vaccine an toàn, tinh gọn, chi phí thấp cho các quốc gia có thu nhập trung bình đến thấp là trọng tâm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới. Nếu không tiêm chủng rộng rãi cho các quần thể ở Nam bán cầu, các biến thể virus sẽ phát sinh, cản trở bất kỳ tiến bộ nào mà các loại vaccine hiện có của Mỹ và phương Tây đã đạt được. Chính WHO cũng đồng ý rằng việc “các biến thể mới đáng lo ngại” xuất hiện (như Omicron) có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm đã tăng lên ở tất cả quốc gia.

Tới thời điểm này, 9,21 tỉ liều đã được tiêm trên toàn cầu, với 58% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên ở các nước thu nhập thấp chỉ có 8,5% người dân được tiêm chủng.

WHO cũng thừa nhận rằng “sự thất bại toàn cầu trong việc chia sẻ vaccine một cách công bằng đang gây thiệt hại cho số người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Với sự có mặt của Corbevax, Advanced Science News cho rằng loại vaccine này hoàn toàn có thể là dấu chấm hết cho sự bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu.

Một trong các công ty được các nhà khoa học chọn chuyển giao công thức là Công ty công nghệ sinh học Biological E. (BioE - Ấn Độ). Tốc độ sản xuất của BioE là 100 triệu liều/tháng. BioE có kế hoạch sản xuất hơn 1 tỉ liều trong năm 2022 và hiện đã có sẵn 150 triệu liều.

TS Bottazzi tin tưởng rằng “Corbevax sẽ lấp đầy khoảng cách tiếp cận được tạo ra từ các công nghệ vaccine mới hơn, đắt tiền hơn (như của Pfizer, Moderna) và ngày nay vẫn chưa thể nhanh chóng nhân rộng để sản xuất toàn cầu”. TS Hotez tự tin rằng loại vaccine Corbevax hiệu quả cao với giá cả phải chăng sẽ hữu ích cho Ấn Độ và các nước mà phần lớn dân số vẫn chưa được tiêm.•

Chia sẻ với Democracynow.org, TS Hotez nói ông cảm nhận được sự “thú vị” khi qua dự án nghiên cứu này ông và đồng nghiệp đã chứng tỏ được không cần phải là một công ty dược phẩm đa quốc gia vẫn có thể tạo ra một loại vaccine cho thế giới. Với nguồn lực hạn chế, nhóm của ông vẫn có thể tạo ra một loại vaccine đơn giản, chi phí thấp để sử dụng ở những nơi nghèo nàn về tài nguyên.

Nhà báo Amy Goodman của Democracynow.org có đề cập ý kiến rằng “cam kết chia sẻ công nghệ của BV Nhi Texas là một thách thức đối với những gã khổng lồ dược phẩm khi lý lẽ của họ là chỉ có thể phát triển việc nghiên cứu sản xuất vaccine và đổi mới y tế khi đảm bảo bí mật và độc quyền”. Nếu BV Nhi Texas chia sẻ công nghệ được thì tại sao Pfizer và Moderna lại không làm được? TS Hotez chỉ trả lời đơn giản “các công ty dược phẩm đa quốc gia là các công ty dược phẩm đa quốc gia”. 

Trang Advanced Science News nhắc đến thực tế, mặc dù nhận tài trợ từ chính phủ cho việc nghiên cứu và phát triển, các nhà sản xuất vaccine lớn vẫn vừa thu lợi vừa giữ các bằng sáng chế ngăn cản việc sản xuất vaccine phiên bản. Nhiều nhà hoạt động y tế công cộng chỉ ra rằng việc nới lỏng sở hữu bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19 sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chấm dứt đại dịch. 

Theo 24h


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.