Làm sao cứu hệ thống bệnh viện ở Pháp, mà hiện đang bên bờ vực hỗn loạn, đó là hồ sơ chính của tạp chí L’Express ra tuần này. Tuần báo L’Obs thì đưa tựa trên trang nhất về một đề tài liên quan đến khí hậu: “Cuộc phục thù của hạt nhân”, với câu hỏi “Từ một ác mộng sinh thái, (hạt nhân) phải chăng đang trở thành giải pháp cho khí hậu?”
Ảnh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/11/2021. AP - Ng Han Guan
Tuần báo L’Obs thì đưa tựa trên trang nhất về một đề tài liên quan đến khí hậu: “Cuộc phục thù của hạt nhân”, với câu hỏi “Từ một ác mộng sinh thái, (hạt nhân) phải chăng đang trở thành giải pháp cho khí hậu?”
Trong khi đó, tờ Le Point thì dành nhiều trang báo để tiết lộ “Những bí mật của các vị tổng thống”, được nêu trong một cuốn sách vừa được xuất bản ở Pháp, mà tác giả là là nhà báo kỳ cựu Catherine Nay. Về phần Courrier International, tuần báo này, với tựa đề “Đưa việc làm trở lại vị trí”, điểm qua những xu hướng mới của người làm công ăn lương tại những nước giàu hiện nay, với một trong những xu hướng đó là tuần làm việc bốn ngày.
Trung Quốc: Nghị quyết không chỉ về lịch sử
Riêng về thời sự châu Á, tuần báo Courrier International giới thiệu một bài viết đăng trên tờ Liên Hợp Tảo Báo ở Singapore, tựa đề “Tập Cận Bình dạy một bài học về Dân Chủ”, đề cập đến hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa kết thúc ngày 11/11 sau khi thông qua nghị quyết thứ ba về lịch sử trong 100 năm tồn tại của đảng này.
Nói là “nghị quyết về lịch sử”, nhưng văn kiện này không chỉ nói về lịch sử, mà đúng hơn định hướng cho tương lai, thống nhất tư tưởng trong đảng và kiến tạo bộ mặt của Nhà nước Trung Quốc cho những thập niên tới.
Theo Liên Hợp Tảo Báo, đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn nhân dịp này ca ngợi những thành quả đã đạt được trong “100 năm đấu tranh của đảng và nhân dân, chương đẹp nhất trong lịch sử quốc gia Trung Quốc từ hàng ngàn năm qua”. Trong đảng, ai cũng tự hào cho rằng “phương Đông đang trỗi dậy mạnh mẽ, còn phương Tây thì đang suy tàn”.
Như vậy, trong 100 năm tới, mục tiêu đấu tranh của đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ là gì? Bản báo cáo kết thúc hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương đã nêu: Trước hết phải đạt được mục đích mà ông Tập Cận Bình đề ra: xây dựng một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại. Nhưng đồng thời, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có tham vọng kiến tạo một mô hình hiện đại của chính quyền Mác-xít, một thứ chủ nghĩa Mác-xít của thế kỷ 21, một bước nhảy vọt mới trong việc “Trung Quốc hóa” chủ nghĩa Mác-xít. Cũng chính ông Tập Cận Bình đã đề ra một khái niệm dân chủ theo kiểu Trung Quốc, gọi là “dân chủ toàn bộ quá trình”.
Tờ Liên Hợp Tảo Báo trích phát biểu của chủ tịch Trung Quốc khi ông đi thăm Thượng Hải vào tháng 11/2019: “Dân chủ nhân dân là dân chủ toàn bộ quá trình, trong đó các quyết định về lập pháp được đưa ra đúng theo thủ tục, sau một thời gian quản lý dân chủ và theo đúng tiến trình lấy quyết định một cách hợp lý và dân chủ”. Nói cách khác, theo ông Tập Cận Bình, đó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc.
Theo tờ Liên Hợp Tảo Báo, dường như đảng Cộng Sản Trung Quốc dùng đến khái niệm “dân chủ toàn bộ quá trình” là để cho phương Tây không tiếp tục độc quyền nói về dân chủ và để Trung Quốc không còn bị quốc tế “mắng mỏ” về vấn đề này như trong nhiều năm qua. Như vậy là sau khi đã đạt được một mức tăng trưởng cao, có những tiến bộ to lớn về công nghệ và người dân nói chung hài lòng, đảng Mác-xít “hiện đại” đang cầm quyền này buộc phải nói đến dân chủ để củng cố vị thế của mình.
Nhưng tờ báo Singapore kết luận: “Người ta có quyền tự hỏi là nền “dân chủ toàn bộ quá trình”, hay dân chủ theo kiểu Trung Quốc, có thật sự phản ánh và cụ thể hóa ý nguyện của người dân hay không? Trên con đường đang mở ra, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn phải hoàn thiện khái niệm đó.”
Hạt nhân: Năng lượng phép màu
Trong một thời gian dài vẫn bị giới bảo vệ môi trường lên án, nhưng trong lúc cả thế giới đang nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tại Pháp hạt nhân có vẻ đang trở thành một năng lượng “mầu nhiệm” và đã có thêm những người ủng hộ, trong số này có tổng thống Emmanuel Macron. Ông vừa ra quyết định là Pháp sẽ xây các lò phản ứng hạt nhân mới, một quyết định chưa từng có từ nhiều thập niên qua, theo tuần báo L’Obs.
Tờ báo nhắc lại là vào năm 2012, tức là một năm sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, ở Pháp, xu hướng lúc đó thiên về phi hạt nhân hóa. Tuy vậy, mặc dù cam kết sẽ giảm bớt tỷ trọng của hạt nhân trong sản xuất điện năng, tổng thống François Hollande đã không đóng một lò phản ứng nguyên tử nào trong nhiệm kỳ của ông. Tổng thống Macron sau đó cũng đi theo hướng này. Sau khi đắc cử, ông cam kết sẽ đóng 14 lò phản ứng hạt nhân từ đây đến năm 2035, nhưng không hứa là sẽ không xây thêm các lò phản ứng khác.
Tuần báo L’Obs cho biết ông Macron đã ra quyết định nói trên dựa trên báo cáo mà RTE, cơ quan quản lý mạng lưới điện của Pháp, vừa ra vào cuối tháng 10. Báo cáo này khẳng định rằng để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của nước Pháp trong những năm tới, xây các lò phản ứng mới là giải pháp ít tốn kém hơn là phát triển các năng lượng tái tạo.
Theo tuần báo L’Obs, vấn đề hạt nhân cũng đang gây chia rẽ nặng nề bên cánh tả, bởi vì ngay trong đảng bảo vệ sinh thái, cũng ngày càng có nhiều người không chấp nhận lập trường “kiên quyết chống hạt nhân đến cùng”. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Sản Fabien Roussel thì muốn khởi động lại năng lượng hạt nhân, nhân danh tiến trình tái công nghiệp hóa nước Pháp. Dư luận Pháp nói chung cũng bị chia rẽ trên vấn đề hạt nhân, nhưng kết quả nhiều cuộc thăm dò cho thấy là thái độ chống lại việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có xu hướng giảm bớt trong những năm gần đây.
Tuần báo L’Obs cũng lưu ý rằng bên cạnh những nhà máy điện khổng lồ, nước Pháp cũng sẽ xây những lò phản ứng hạt nhân nhỏ, lắp theo module. Vào tháng 10, khi loan báo đầu tư 1 tỷ euro cho điện hạt nhân, tổng thống Macron đã cho biết phân nửa số tiền này sẽ được dành cho các lò phản ứng nhỏ. Ông Macron lúc đó đã tuyên bố: “Mục tiêu số một là từ đây đến năm 2030, các lò phản ứng nhỏ sẽ chiếm số đông tại Pháp”.
Nguyên liệu: Cơn hỏa hoạn lớn
Cũng liên quan đến công nghiệp, tạp chí L’Express tuần này đặc biệt quan tâm đến tình trạng giá các nguyên liệu tăng vọt trên thế giới, mà tờ báo này so sánh với “một đám cháy lớn không thiếu nhiên liệu”.
Từ hơn một năm nay, giá các nguyên liệu, từ thép, nhôm, đồng, cho đến lúa mì, đậu nành, dầu khí..., đều leo thang liên tục. Ví dụ như giá một tấn đồng đã tăng gấp đôi kể từ tháng 4/2020.
Tình trạng này khiến các nhà công nghiệp điên đầu vì thấy chi phí sản xuất tăng vọt một cách nguy hiểm và tạo ra nguy cơ căng thẳng về lương thực đối với các nước nghèo. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, trong 10 năm qua, chưa bao giờ giá lương thực trên thế giới lại tăng cao như thế.
Theo L’Express, có nhiều nguyên nhân, nhưng rõ ràng là đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò quan trọng. Việc ngừng lại gần như hoàn toàn các trao đổi mậu dịch vào lúc cao điểm của dịch bệnh đã làm xáo trộn thương mại thế giới, vốn được tổ chức rất chặt chẽ.
Tờ báo trích lời kinh tế gia Philippe Chalmin, một chuyên gia về các nguyên liệu: “Tốc độ phục hồi kinh tế quá nhanh, trong khi các khả năng sản xuất của thế giới chưa trở lại mức tối ưu, cho nên hệ thống thương mại toàn cầu càng thêm xáo trộn”. Tốc độ phục hồi quá nhanh cũng đã khiến chi phí vận tải đường biển tăng gấp 5 lần kể từ mùa hè 2020.
Cũng theo kinh tế gia Chalmin, các kế hoạch kích thích kinh tế và các khoản trợ cấp cho những người nghèo nhất ở nhiều nước cũng đã khiến cho thương mại quốc tế “nóng” thêm. Khác với tầng lớp trung lưu, khá giả, những hộ gia đình nghèo nhất dùng các khoản trợ cấp ấy để cải thiện cuộc sống hàng ngày, tức là tiêu thụ nhiều hơn.
Ngoài ra, theo L’Express, xu hướng của nhiều nước chuyển sang nền “kinh tế xanh” để góp phần chống biến đổi khí hậu khiến một nhà kinh tế lo ngại thế giới bước vào một “siêu chu kỳ” mới: Tình trạng tăng giá các nguyên liệu sẽ còn kéo dài ít nhất một thập niên, giống như vào những năm 2000 do tác động của tiến trình đô thị hóa ở Trung Quốc.
Về phần các nguyên liệu nông nghiệp, nhà nghiên cứu Sébastien Abis, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IFRI), không giấu nỗi lo ngại: Trong ngắn hạn, việc giá khí đốt tăng vọt sẽ khiến giá phân nitơ tăng gấp 3, và như vậy sẽ làm giảm năng suất nông nghệp và khiến giá nông phẩm tăng cao. Trong dài hạn, do tác động của biến đổi khí hậu, các thiên tai sẽ xảy ra ngày càng nhiều, đe dọa đến mùa màng ở nhiều nước. Ấy là chưa kể một số nước, trong đó có Trung Quốc, vì thấy giá sẽ tiếp tục tăng trên thế giới, nên đang mua trữ quá mức, khiến xu hướng tăng giá càng tiếp diễn.
Trường sinh bất lão: Nhân loại có sẵn sàng?
Trường sinh bất lão phải chăng sắp trở thành hiện thực? Đó là vấn đề được nhật báo Anh Financial Times nêu lên trong một bài báo được tờ Courrier International dịch lại.
Theo nhật báo Anh, nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) đang đầu tư hàng triệu đô la và tuyển mộ những nhà khoa học xuất sắc để nghiên cứu tìm ra những phương thuốc ngăn chặn sự lão hóa, đẩy lui lưỡi hái tử thần. Họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể, thành công đang ở trong tầm tay. Nhưng liệu nhân loại chúng ta đã sẵn sàng chưa?
Tờ báo cho biết là vào năm 2013, tập đoàn Google đã lập một đơn vị nghiên cứu về trường thọ, mang tên Calico, có sự hợp tác của các hãng dược phẩm và các trường đại học danh tiếng như Harvard, Đại học Công nghệ Massachusetts. Mục tiêu của họ là giúp con người sống đến một tuổi thọ tối đa về mặt lý thuyết, tức là từ 140 đến 150 tuổi.
Nhưng hướng tới một chân trời xa hơn, một công ty khởi nghiệp mang tên Altos Labs ở Silicon Valley đang nghiên cứu việc kéo dài tuổi thọ của con người lên đến... hàng mấy thế kỷ. Công ty này không chỉ có sự tham gia của nhiều nhà khoa học tên tuổi, mà còn được sự hỗ trợ của người sáng lập tập đoàn Amazon, Jeff Bezos và của nhà tỷ phú gốc Nga Iouri Milner.
Ấy là chưa kể những tổ chức như ở Ả Rập Xê Út hay ở Thụy Sĩ cũng đang nỗ lực tìm kiếm sự trường sinh bất tử cho con người.
Nhưng tờ Financial Times nêu vấn đề: Chưa nói đến nạn nhân mãn, vì Trái đất sẽ không còn đủ chỗ nếu ai cũng sống lâu đến 2 hay 3 thế kỷ, hoặc hơn nữa, các xã hội sẽ phải đối diện với những vấn đề hiện sinh: Liệu chúng ta có cảm thấy hạnh phúc nếu sống chung với một người trong suốt hai trăm năm? Nếu có những liệu pháp giúp kéo dài cuộc sống, từ chối liệu pháp này phải chăng đồng nghĩa với tự tử? Một xã hội gồm toàn những người “bách niên giai lão” phải chăng sẽ đến lúc nào đó gặp bế tắc, do không có một ý tưởng nào của tuổi trẻ, đồng nghĩa với tiến bộ?
Theo RFI
Comments powered by CComment