Felicity Ace, con tàu chở hàng nghìn ô tô hạng sang gặp hỏa hoạn khi đang trên đường từ Đức đến Mỹ, đã chìm xuống lòng Đại Tây Dương sau 13 ngày lênh đênh trên biển.
- Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu chiến khỏi eo biển giữa khủng hoảng Nga-Ukraine
- Trung Quốc nói tàu chiến Mỹ đi ngang qua eo biển Đài Loan là 'khiêu khích'
- New York cấm người vô gia cư trú ngụ ở ga tàu
Hãng thông tấn Reuters, dẫn thông tin từ Hải quân Bồ Đào Nha, cho biết tàu Felicity Ace bị "mất ổn định" khi đang được kéo do nước tràn nhiều vào khoang, và đã chìm ở vùng biển cách quần đảo Azores của Bồ Đào Nha khoảng 400km lúc 9 giờ sáng 1/3 (giờ địa phương).
MOL Ship Management, công ty quản lý tàu Felicity Ace, cũng thông báo con tàu đã bị lật nghiêng sang bên phải, khiến khoảng 4.000 ô tô trên tàu, trong đó có hơn 1.000 chiếc Porsche và 200 chiếc Bentley, rơi xuống biển.
Con tàu Felicity Ace nghiêng dần sang phải và bị chìm. Ảnh: World Cargo News |
Trước đó, một đám cháy đã bất ngờ bùng phát bên trong hầm chứa hàng của tàu Felicity Ace vào ngày 16/2, khi con tàu vừa khởi hành từ thành phố Emden (Đức) vào ngày 10/2 và dự kiến sẽ cập bến tại bang Rhodes Island (Mỹ). Toàn bộ 22 thủy thủ của tàu Felicity Ace sau đó đã được Hải quân Bồ Đào Nha dùng máy bay trực thăng sơ tán.
Ờ thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra, con tàu ước tính đang vận chuyển hơn 4.000 ô tô, trong đó hầu hết là ô tô hạng sang thuộc các thương hiệu như Volkswagen, Porsche, Audi, Bentley hay Lamborghini.
Richard Burke, giáo sư kiến trúc hải quân và kỹ thuật hàng hải tại Đại học Hàng hải New York (Mỹ), cho rằng đám cháy trên các tàu chở hàng như Felicity Ace có thể rất khó dập tắt vì các tàu này thường chở hàng nghìn chiếc xe, trong đó mỗi chiếc có chứa các thành phần dễ gây cháy nổ như xăng, dầu máy và lốp cao su. "Một khi đám cháy bùng phát, thủy thủ đoàn sẽ không có nhiều cơ hội để dập tắt", ông Burke nói.
Các nhóm bảo vệ môi trường lo ngại việc con tàu khổng lồ này chìm xuống biển sẽ gây ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái độc đáo dưới đáy biển ở khu vực Azores, nơi được bao phủ bởi nhiều loại san hô và bọt biển. Theo nhóm bảo vệ môi trường biển Oceana, khu vực này còn là nơi sinh sống của một số loài sinh vật biển quý hiếm như cá nhà táng, cá voi xanh, cá voi lưng gù, cá heo và cá mập.
Đây không phải lần đầu tiên Volkswagen gặp sự cố gây thiệt hại đối với các sản phẩm của mình trên biển. Năm 2019, khi tàu Grande America bốc cháy và chìm trên Đại Tây Dương, hơn 2.000 xe sang của hãng, thuộc các thương hiệu Audi và Porsche, cũng bị chìm theo.
Theo VietNamnet
Comments powered by CComment