Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lên án "nỗi đau" mà Nga gây ra với Ukraine, nhưng từ chối đề nghị của Kiev cho nước này nhanh chóng gia nhập khối.
- Điều gì xảy ra nếu Mỹ cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga?
- Các bộ trưởng EU chuẩn bị cho một tương lai không có năng lượng của Nga
- Ukraine kêu gọi lập vùng cấm bay để ngừng bắn phá của Nga
Đó là một phần nội dung hội nghị thượng đỉnh EU tại Versailles, Pháp. Các đại biểu tham dự đã dành hai ngày 10 và 11/3 để thảo luận về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và các vấn đề liên quan.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng các lãnh đạo EU khác chụp ảnh tại hội nghị không chính thức ở Versailles ngày 10/3. Ảnh: Reuters |
Dẫn đầu bởi các thành viên phía đông của khối, EU nhất trí không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu lửa và khí đốt Nga. Vào giữa tháng 3, một đề xuất có thể sẽ được công bố nhằm loại bỏ dần nhiên liệu Nga vào năm 2027.
Trong khi đó, dẫn đầu bởi các thành viên phía tây, EU từ chối cho Ukraine gia nhập nhanh như đề nghị từ Kiev. "Không ai vào Liên minh châu Âu chỉ sau một đêm", Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic bình luận, khi các cuộc thảo luận giữa 27 thành viên EU kết thúc.
Trong tuyên bố chung, EU khẳng định “sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác để hỗ trợ Ukraine theo đuổi con đường châu Âu của mình”, đồng thời nhấn mạnh rằng “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”.
Các đại biểu đã lưu ý đến lá đơn đề nghị cho Ukraine gia nhập EU của Tổng thống Volodymyr Zelensky và giao cho Ủy ban châu Âu chuẩn bị báo cáo về vấn đề này. Dự kiến báo cáo sẽ được công bố trong vài tuần tới. Sau đó, các lãnh đạo EU sẽ bỏ phiếu về việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine. Các bên liên quan sẽ thương lượng và Ukraine phải thực hiện những cải cách cần thiết.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez chỉ ra rằng gia nhập EU là quá trình lâu dài và có những yêu cầu cũng như cải cách mà Ukraine phải đáp ứng.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, EU và NATO tuyên bố không can thiệp quân sự trực tiếp. Đến nay, EU đã tăng gấp đôi số lượng viện trợ quân sự lên 1 tỷ Euro cho quốc gia này.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment