Washington có nhiều bằng chứng về các tội ác chiến tranh của quân đội Nga, chống lại thường dân. Hôm qua, 23/03/2022, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ra thông báo khẳng định tòa án là nơi sẽ xác định các trách nhiệm pháp lý cụ thể.
Các binh sĩ Nga đứng trên một chiếc xe tăng ở ngoại ô thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraina ngày 20/03/2022. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO
Ngoại trưởng Mỹ cho biết cụ thể là Hoa Kỳ « căn cứ trên việc xem xét tỉ mỉ các thông tin từ các nguồn công khai và tin tức tình báo », cho thấy quân đội Nga đã tiến hành « nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào thường dân », « phá hủy nhiều khu nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng thiết yếu, phương tiện đi lại dân sự, trung tâm thương mại, trung tâm cấp cứu ». Các cuộc tấn công của quân đội Nga khiến « hàng nghìn người chết và bị thương ».
Theo ngoại trưởng Hoa Kỳ, tại Ukraina, quân đội Nga đã sử dụng « cùng một chiến thuật như ở Grozny (Cộng hòa Tchetchenia thuộc Liên bang Nga), hay Aleppo (Syria), khi tăng cường oach kích các thành phố, nhằm khuất phục dân chúng ». Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh là nhiều cơ sở bị quân đội Nga tấn công « đã được xác định rõ ràng là nơi trú ngụ của thường dân ».
Ông Blinken nêu ví dụ cụ thể về một bệnh viện phụ sản và một nhà hát tại thành phố cảng Mariupol, nơi có ghi rõ bên ngoài là địa điểm có trẻ em, đã bị oanh kích. Ngoại trưởng Mỹ dẫn thông tin của chính quyền Mariupol, ngày 22/03, theo đó, có hơn 2.400 thường dân bị giết hại kể từ ngày 24/02, tức từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraina. Mariupol bị quân Nga vây hãm, oanh kích hàng ngày. Hôm 22/03, lãnh đạo cơ quan công tố Ukraina, bà Iryna Venediktova, khẳng định với AFP, quân đội Nga đang « hủy diệt » Mariupol.
Cũng hôm 22/03, chính quyền Ukraina cho biết vẫn còn « gần 100.000 người dân » đang bị kẹt lại tại Mariupol, trong các điều kiện hết sức tồi tệ và nguy hiểm, trong lúc quân Nga tiếp tục oanh kích, và ngăn chặn các « hành lang nhân đạo » đưa cư dân ra ngoài.
Hôm qua, 23/03, trả lời họp báo, đại sứ Mỹ đặc trách về lĩnh vực pháp lý hình sự quốc tế, bà Beth Van Schaack, khẳng định Hoa Kỳ kiên quyết đưa « các thủ phạm trực tiếp » của các tội ác chiến tranh ra tòa, với « mọi phương tiện trong khả năng ». Bà Beth Van Schaack, cũng là một giáo sư luật ở đại học Stanford, cho biết đang phối hợp với một số tòa án cấp quốc gia trong khu vực, như tư pháp Ukraina, để điều tra về tội ác chiến tranh của quân nhân Nga.
Trước đó, ngày 15/03, toàn bộ thành viên Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết không mang tính cưỡng chế, lên án tổng thống Nga là « tội phạm chiến tranh », và kêu gọi các tòa án quốc tế và quốc gia điều tra.
Cho đến nay, Nga thường xuyên bác bỏ cáo buộc tấn công thường dân tại Ukraina. Hôm 22/03, trả lời đài Mỹ CNN, người phát ngôn của điện Kremlin Dmitri Peskov một lần nữa khẳng định quân đội Nga « chỉ tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Ukraina ».
Theo RFI
Comments powered by CComment