Group News: Tin copy
Chiến tranh Nga tại Ukraina vẫn tiếp tục là chủ đề chính của các nhật báo Pháp, cùng với việc phương Tây tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh tại Bruxelles để « thắt chặt đội hình » chống xâm lược Nga. Bên cạnh đó, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống và dịch Covid-19 đang tăng tốc trở lại ở Pháp cũng được các báo đề cập trong số ra ngày 24/03/2022.
 
Một quân nhân Nga mang di ảnh của đại úy Andrei Paliy, phó chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, thiệt mạng trong trận giao tranh với quân đội Ukraina ở cảng Azov, Mariupol, tại lễ truy điệu ở Sebastopol, Crimée, ngày 23/03/2022.
Một quân nhân Nga mang di ảnh của đại úy Andrei Paliy, phó chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, thiệt mạng trong trận giao tranh với quân đội Ukraina ở cảng Azov, Mariupol, tại lễ truy điệu ở Sebastopol, Crimée, ngày 23/03/2022. AP

Gần 10.000 lính Nga bị thiệt mạng trong gần một tháng gây chiến ở Ukraina, nhiều hơn cả 10 năm Liên Xô tham chiến ở Afghanistan. Trang nhất của nhật báo Le Monde đưa tin « Nga bị sa lầy và những thiệt hại » khi tưởng đánh thần tốc nhưng cuối cùng vấp phải sự phản kháng kiên cường của người Ukraina.

Con số gần 10.000 lính Nga thiệt mạng được báo Komsomolskaïa Pravda đăng trên trang web khi đề cập đến việc bộ Quốc Phòng Nga bác số liệu do tình báo Ukraina đưa ra là có gần 14.700 quân Nga bị thiệt mạng, « theo bộ Quốc Phòng Nga, thiệt hại quân sự là 9.861 người chết và 16.153 bị thương ». Thông tin hiếm hoi này chỉ tồn tại vài giờ và bị dỡ xuống. Bộ Quốc Phòng Nga giữ nguyên con số chính thức 498 quân nhân bị chết và 1.597 người bị thương tính đến hết ngày 02/03. Tuần trước, Hoa Kỳ đưa ra con số 6.000 lính Nga chết.

Mọi thiệt hại của quân đội Nga tại Ukraina đều được giữ kín. Nhiều gia đình không biết con ở đâu cho đến ngày nhận được báo tử, như trường hợp Olga, một bà mẹ Nga, tên được thay đổi, trả lời báo Le Monde (23/03), từ vùng Khantys-Mansis, miền trung Nga. Con trai bà Nikolai, 22 tuổi, chết ngày 27/02, chỉ ba ngày sau khi tổng thống Putin phát động « chiến dịch đặc biệt »

Ngày 20/2 trước đó, con trai bà cho biết đang ở Belarus tập trận chung và sẽ về nhà ngày 27/02. Từ đó bặt vô âm tín cho đến ngày 10/03 khi bà nhận tin báo tử và « thi thể được trao cho gia đình ngày 15/03 ». Suýt bật ra từ « chiến tranh », giờ thành « chữ húy » tại Nga, bà vẫn thắc mắc « tại sao nó lại tham gia… chuyến dịch đặc biệt ? Chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân. Nhưng giá như tôi biết có một chiến dịch đặc biệt như thế, tôi sẽ làm mọi cách để nó không đi đến đó. Tôi cũng không hiểu nó được đưa đến đó như thế nào. Thật vô lý ! » Bà hỏi lại viên chỉ huy báo tin cho bà và chỉ nhận được câu trả lời : « Biết để làm được gì ? »

Ảnh và tên của Nicolai, thuộc trung đoàn 104 của sư đoàn 75 không vận nằm trong số « những người chết ở vùng Kharkov », thành phố lớn thứ 2 của Ukraina, hiện trên cổng thông tin của vùng. Không có thống kê chính thức nên chỉ còn cách lục từng cổng thông tin điện tử và báo địa phương. Đây là việc mà nghiên cứu sinh người Mỹ Rob Lee đang làm. Mỗi ngày vẫn có vài chục lính Nga tử trận và được âm thầm thông báo, ở quy mô địa phương và trên mạng xã hội. Hoàn cảnh, thậm chí cả nơi hy sinh, cũng không được nêu lên.

« Mức thiệt hại như vậy cho thấy sự coi thường mạng sống, không phải là điều gì mới đối với Nga, con số này cũng kinh hoàng trong Thế Chiến II, lúc xảy ra chiến tranh mùa Đông chống Phần Lan » (giữa tháng 11/1939 đến tháng 03/1940), theo nhận định của Françoise Thom, nhà sử học chuyên về Liên Xô và Nga. Theo bà, « Putin đã tự tin đến mức tiến vào Ukraina một cách dễ dàng và ông chỉ cần cử các lực lượng đặc biệt, như Rosgvardia (vệ binh quốc gia Nga), không có kinh nghiệm chiến đấu, để khủng bố tinh thần người dân. Vì thế mới có tên là chiến dịch đặc biệt ».

Nga từ tấn công chuyển sang thế thủ

Chiến dịch đặc biệt được dự kiến kéo dài một tuần nhưng đã bước sang ngày thứ 29, « từ cuộc tấn công thất bại của Nga đến tàn sát » là một bài viết khác của Le Monde cho thấy quân Nga bị sa lầy tại Ukraina : « Một tháng sau cuộc tấn công, các mặt trận đều bị khựng lại và một thất bại quân sự của Matxcơva có thể được tính đến ».

Cụ thể, theo nhận xét ngày 16/03 của cựu đại tá Pháp, hiện là sử gia Michel Goya, « lực lượng Nga đã không mở các cuộc tấn công quy mô lớn từ ngày 04/03. Người ta có cảm giác là một quân đội khăng khăng không theo kế hoạch tồi cho đến lúc bị giẫm chân lên nhau, phân tán và bị án ngữ ở các địa phương ». Theo bản đồ của Le Monde, các lực lượng vũ trang Ukraina vẫn giữ tuyến phòng thủ ở các thành phố lớn (trừ vùng Kherson) và mở ra bốn mặt trận phản công ở phía nam thành phố Sumy, ở vùng Donbass, và hai mặt trận ở phía Nam, từ Zaporijia và Kryvyi Rih.

Cho đến giờ, Belarus, nước chư hầu của Nga, vẫn không trực tiếp tham chiến ở Ukraina. Theo nhà nghiên cứu Elie Tenenbaum, giám đốc nghiên cứu an ninh của Việt Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), ngoài « thiếu tin cậy lẫn nhau, lực lượng Belarus, chủ yếu gồm dân quân của bộ Nội Vụ, không sẵn sàng cho một cuộc chiến sát thương. Bộ binh thì xuống cấp ».

Báo Les Echos cũng có chung nhận định : « Thiệt hại nghiêm trọng cho phía Nga, quân đội Ukraina chiếm lại nhiều vùng đất ». Nhật báo kinh tế trích phát biểu ngày 23/03 của thủ tướng Đức Olaf Scholz, theo đó cuộc tấn công của Nga « bị sa lầy dù gây ra không biết bao hủy diệt ». Còn bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng « khoảng 1/5 quân nhân Nga được triển khai có thể không chiến đấu được ». Việc quân đội Nga gia tăng các trận không kích trong những ngày gần đây có thể là « một cách vô vọng lấy lại lợi thế » trong khi các lực lượng vũ trang Ukraina, ngoài sự dũng cảm của quân nhân, còn nhận được thông tin tình báo từ vệ tinh của Mỹ, được các nước phương Tây hỗ trợ vũ khí. Ngoài ra, họ cũng tranh thủ được chiến lược thiếu thấu đáo của quân Nga, cũng như những khó khăn trong công tác hậu cần.

Nhật báo Libération cũng đưa tin « các cuộc phản công ở Kiev và sự chững lại của quân đội Nga ». « Dường như Matxcơva mất đất vào tay quân Ukraina quanh thủ đô, ở Makariv và Irpin. Còn tại Mariupol, khoảng 100.000 người vẫn nằm trong bẫy của quân đội Nga ».

Chống lại sự « thanh lọc độc tài »

Một tháng Nga gây chiến ở Ukraina khiến hơn 3,5 triệu người dân phải đi lánh nạn, ít nhất hơn 10.000 người chết, kể cả binh lính và dân thường ở mỗi bên, xã luận của Le Monde cho rằng phải « chống lại sự thanh lọc độc tài », phải chú ý đến những lời nói cũng như hành động của Vladimir Putin.

« Chúng ta (phương Tây) đã quá chậm trễ để nêu đích danh ý đồ hủy diệt một nền dân chủ non trẻ láng giềng » (Ukraina). Từ « thanh lọc » có lẽ là từ chuẩn nhất để nêu rõ thâm ý của tổng thống Nga. « Thanh lọc » trong nước là coi tất cả những người dám phản chiến hoặc chỉ trích « chiến dịch đặc biệt » là « những kẻ phản bội tổ quốc ». Chính « sự thanh lọc » này đã buộc rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, trí thức Nga phải bỏ xứ lưu vong ở nước ngoài.

Ở bên ngoài, « sự thanh lọc » này bắt đầu từ việc áp dụng tại những vùng đất bị quân Nga chiếm đóng, theo mô hình được triển khai ở hai nước Cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, Ukraina, là trấn áp biểu tình, tra tấn những người đối lập, buộc họ rời khỏi quê hương, những thông tin từ Melitopol, thành phố miền nam Ukraina, cho thấy những biện pháp tương tự đang được áp dụng.

Còn ở những vùng đất Ukraina mà Nga chưa chiếm được, « sự thanh lọc » được thể hiện qua những trận mưa bom, như một kiểu trả thù, vào thường dân mà tổng thống Nga phủ nhận mọi bản sắc, không chấp nhận độc lập.

Kinh tế Nga đã bị chiến tranh tác động

Nền kinh tế Nga bắt đầu cảm nhận được hệ quả từ cuộc chiến Ukraina và những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo báo La Croix, « kinh tế Nga đã bị tác động ».

Theo một nhà kinh doanh Pháp, chuyên cung cấp trang thiết bị cho ngành công nghiệp lương thực và dược phẩm ở Matxcơva từ nhiều năm qua, « toàn bộ chuỗi cung ứng ở Nga bị xáo trộn ». Việc nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi Swift tác động đến những doanh nghiệp hội nhập vào hệ thống tài chính thế giới.

Các biện pháp đáp trả của Nga, như hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài hoặc giao dịch bằng ngoại hối, cũng phần nào làm xáo trộn nguồn trao đổi giữa bên cung cấp và bên mua. Nhiều doanh nghiệp đi đường vòng, lách cấm vận, để thanh toán bằng euro hay đô la, hoặc thông qua hệ thống thanh toán bằng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong khi nhiều doanh nghiệp khác ngừng thanh toán và như vậy là ngừng chuỗi cung ứng và sản xuất.

Nga cũng chịu cảnh chảy máu chất xám. Những chuyên gia về công nghệ thông tin, thường làm việc độc lập, đã chọn cách ra nước ngoài, những người giầu thì hướng sang Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), còn những người khác hướng sang các nước vùng Baltic hoặc vùng Kafkaz.

Một nhà kinh doanh người khác cho biết « từ đơn giản là tờ giấy A4 đến các trang thiết bị cải tiến, tình trạng khan hiếm bắt đầu ». Vấn đề cung ứng trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều cửa hàng và nhà máy. Và « trong cuộc khủng hoảng này, một lần nữa, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc sẽ là những thắng lớn », theo nhận định của một doanh nhân Nga, vì như nhiều doanh nghiệp khác, ông phải tìm nguồn cung ứng từ hai nước trên, dù « chất lượng sẽ giảm đi ». Một người Pháp, làm việc trong ngành công nghiệp hàng không ở Matxcơva, tóm lược như sau : « Người Nga đã quen với các mô hình quốc tế. Từ giờ, họ sẽ phải thu mình, không quan tâm đến những quy chuẩn nữa. Điều này sẽ đưa họ trở lại thời Liên Xô ».

Putin tái tạo phương Tây

Vì tổng thống Nga Putin mà tổng thống Mỹ Joe Biden phải quay lại châu Âu. Sự kiện này được tất cả các nhật báo Pháp đưa tin, như « các nước phương Tây tập trung tại Bruxelles để gia tăng sức ép đối với Nga » theo tựa của nhật báo kinh tế Les Echos. Trang nhất của Le Figaro là nhận định : « Ukraina buộc Biden trở lại phía châu Âu » trong khi cho đến giờ, tổng thống Mỹ vẫn tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc. Tương tự, báo La Croix đưa tin : « Biden bị chiến tranh ở châu Âu theo đuổi » và « nước Mỹ trở lại châu Âu ».

Theo tất cả các nhật báo Pháp, trừ Le Monde ra từ hôm trước, trong ngày 24/03 lần lượt diễn ra các thượng đỉnh của NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu. Các nước phương Tây muốn tiếp tục cô lập Nga và yêu cầu Trung Quốc không đoàn kết với Matxcơva. Hai chủ đề khác được đề cập là tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga và lập một quỹ tái thiết Ukraina.

Việc ông Biden tham gia cả ba hội nghị thượng đỉnh cho thấy vai trò bảo trợ của Mỹ cho an ninh của châu Âu. Theo nhà nghiên cứu Olivier Kempf, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), đối với ba tổng thống Mỹ trước đó, « châu Âu không phải là một vấn đề cũng không phải là một giải pháp. Cuộc xâm lược Nga tại Ukraina buộc Biden dành thêm nỗ lực và phương tiện cho Lục địa già. Đó là một sự thay đổi thực sự ».

Sau Bruxelles, ông Biden sẽ đến Ba Lan trong hai ngày 25 và 26/03 gặp quân nhân Mỹ tại Ba Lan, gặp gỡ và ủng hộ lực lượng tiếp đón người tị nạn Ukraina và hội đàm với đồng nhiệm Ba La Andrzej Duda.

Theo RFI


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.