Người Pháp bỏ phiếu bầu tổng thống vòng đầu tiên hôm nay, với hai ứng viên nổi bật nhất là Tổng thống Macron và lãnh đạo cực hữu Le Pen.
- Tòa Bạch Ốc thừa nhận Tổng thống Biden có thể bị nhiễm COVID
- Bầu tổng thống Pháp: Cuộc đấu Macron - Le Pen ngày càng gấp rút
- Bầu cử Pháp: Macron tranh thủ cử tri trước mối đe dọa từ ứng viên cực hữu
Các điểm bỏ phiếu ở Pháp bắt đầu mở cửa lúc 8h (13h giờ Hà Nội) hôm nay. Những vùng lãnh thổ hải ngoại đã bỏ phiếu hôm 9/4 do chênh lệch múi giờ, bắt đầu với hòn đảo nhỏ Saint Pierre và Miquelon ngoài khơi bờ biển Canada, sau đó là các lãnh thổ ở Caribe, tiếp theo là các đảo ở Thái Bình Dương thuộc Pháp.
Bầu cử năm nay sẽ là màn tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, dự kiến gay cấn hơn cuộc đua 5 năm trước.
"Điều quan trọng khi bỏ phiếu là lựa chọn giữa tốt và tệ. Sau cùng, tổng thống sẽ dẫn dắt cuộc đời bạn", Annette Tehariki, cử tri 57 tuổi ở đảo Polynesia thuộc Pháp, nói.
Các cuộc thăm dò dự đoán ông Macron sẽ dẫn trước bà Le Pen với khoảng cách sít sao ở vòng một. Hai người chiến thắng ở vòng một sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 24/4. Ứng viên cánh tả Jean-Luc Melenchon đang bám sát ở vị trí thứ ba và vẫn nuôi hy vọng lọt vào vòng hai, trong tình huống bà Le Pen hay Tổng thống Macron, bị loại.
Dù bị các đối thủ chính trị cáo buộc là người cực đoan muốn chia rẽ xã hội, bà Le Pen đã đạt một số thành công trong chiến dịch tranh cử nhằm thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn và quan tâm đến những lo lắng hàng ngày của cử tri, như giá cả tăng cao.
Ngược lại, ông Macron vận động tranh cử tương đối ít, tự nhận bản thân tham gia chiến dịch bầu cử muộn hơn dự kiến do đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Ukraine. Các kênh truyền hình Pháp sẽ phát dự đoán kết quả cuối cùng, nhìn chung có độ chính xác cao, ngay sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc lúc 20h (1h ngày 11/4 giờ Hà Nội).
Nếu ông Macron và bà Le Pen lọt vào vòng bỏ phiếu thứ hai, các nhà phân tích dự đoán cuộc đua giữa họ sẽ gay cấn hơn nhiều năm 2017, khi Tổng thống đương nhiệm đánh bại đối thủ với 66% phiếu bầu.
"Có những điều không chắc chắn", nhà khoa học chính trị người Pháp Pascal Perrineau nói, chỉ ra số lượng cử tri chưa quyết định, thay đổi lựa chọn trong chiến dịch tranh cử hay bỏ phiếu từ xa năm nay cao chưa từng có.
Các nhà phân tích lo ngại số cử tri không tham gia vòng bỏ phiếu thứ nhất năm nay sẽ vượt kỷ lục 28,4% năm 2002, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu từ xa 22,2% năm 2017 gần như chắc chắn sẽ bị vượt qua. Khoảng 48,7 triệu cử tri trong tổng dân số gần 67,4 triệu người đã đăng ký bỏ phiếu trên khắp nước Pháp.
Khả năng chiến thắng rất cao dành cho ông Macron, người đã lên nắm quyền ở tuổi 39 và trở thành tổng thống trẻ nhất nước Pháp. Nếu tái đắc cử, ông sẽ là tổng thống Pháp đầu tiên kể từ năm 2002 giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai, sau Jacques Chirac.
Trong khi đó, trường hợp bà Le Pen đắc cử sẽ được coi là chiến thắng cho chủ nghĩa dân túy cánh hữu và gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu cũng như các thị trường.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment