Mực nước biển vùng duyên hải Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục năm 2021, có thể gây ra lũ lụt, triều cường ảnh hưởng tới nhiều thành phố ven biển.
- Công ty Trung Quốc 'âm thầm' ngừng làm ăn với Nga
- Trung Quốc đưa tàu đổ bộ tấn công mới ra Biển Đông: Thách thức mới
- Trung Quốc: « Người chết vì Covid » bỗng sống lại ở Thượng Hải
Trung tâm Giám sát Môi trường Biển Quốc gia (NMEMC), đơn vị nghiên cứu của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, cuối tuần qua công bố báo cáo thường niên cho biết mực nước ven biển của Trung Quốc năm ngoái đã dâng cao hơn 84 mm so với mức trung bình năm 1993-2011. Đây là mức nước biển cao kỷ lục kể từ khi Trung Quốc bắt đầu ghi nhận số liệu.
Cơ quan này cảnh báo mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu đang gây ra "tác động không ngừng" đến quá trình phát triển của các vùng duyên hải, đồng thời kêu gọi giới chức cải thiện công tác giám sát và tăng cường cảnh báo sớm cũng như phòng ngừa.
Mực nước biển vùng duyên hải trên khắp Trung Quốc đã tăng trung bình 3,4 mm/năm kể từ 1980, cao hơn so với tỷ lệ trung bình toàn cầu giai đoạn này.
Nhiệt độ vùng nước ven biển đã giảm nhẹ trong năm 2021, song vẫn cao thứ ba trong các kỷ lục từng ghi nhận, hơn 0,84 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1993-2011.
Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc năm ngoái dự báo mực nước ven biển sẽ tăng thêm 55-170 mm trong 30 năm tới, đòi hỏi chính phủ nước này phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ các vùng duyên hải.
Mực nước biển dâng cao sẽ khiến triều cường gia tăng, gây xói mòn hệ sinh thái ven biển và mất bãi triều. Các thành phố ven biển sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt và xâm nhập mặn lớn hơn. Các tỉnh như Chiết Giang, Quảng Đông của Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Các thành phố ven biển phía đông Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch dự phòng nhằm đối phó với tình trạng nước biển dâng. Thượng Hải đang xem xét xây dựng các hệ thống thoát nước mới và cửa ngăn thủy triều.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment