Group News: Tin copy

Cơ quan giám sát khí hậu của EU ra báo cáo liệt kê châu Âu đã trải qua ngày nóng nhất, mùa hè nóng nhất, cháy rừng nghiêm trọng và lũ lụt lịch sử năm 2021.

Theo báo cáo công bố hôm 22/4 của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu, bề mặt Trái Đất năm ngoái nóng hơn gần 1,2 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng trung bình ở châu Âu là hơn hai độ, ngưỡng mà các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm có xác suất xảy ra cao hơn và cường độ mạnh hơn.

Lũ lụt phá hủy cây cầu đường sắt và nhà cửa ở Đức hôm 22/7/2021. Ảnh: AFP
 Lũ lụt phá hủy cây cầu đường sắt và nhà cửa ở Đức hôm 22/7/2021. Ảnh: AFP

Châu Âu đã ghi nhận mùa hè nóng nhất khi khi đợt nắng nóng dọc vành đai Địa Trung Hải kéo dài suốt nhiều tuần. Ngày nóng nhất trong lịch sử châu Âu được ghi nhận ở Sicily, Italy, với nhiệt độ 48,8 độ C.

Ở Hy Lạp, nhiệt độ cao gây nhiều vụ cháy rừng chết người mà Thủ tướng Hy Lạp gọi là "thảm họa sinh thái lớn nhất trong nhiều thập kỷ". Rừng và nhà cửa trên diện tích hơn 8.000 km2 bị thiêu rụi.

Tại Đức, hệ thống áp suất thấp di chuyển chậm hồi giữa tháng 7 đã gây ra lượng mưa kỷ lục trong một ngày. Trận mưa như trút hình thành từ một hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có, khi nhiệt độ bề mặt nước ở một vùng thuộc biển Baltic cao hơn 5 độ C so với mức trung bình.

Biến đổi khí hậu nhiều khả năng là yếu tố dẫn đến mưa lớn gây lũ lụt ở Đức và Bỉ, đã gây thương vong lớn và thiệt hại hàng tỷ euro, theo nhiều nghiên cứu được bình duyệt.

Cơ quan giám sát khí hậu của EU cảnh báo vì khí hậu đang tiếp tục ấm lên, lũ lụt với quy mô này sẽ thường xuyên xuất hiện hơn.

"2021 là năm cực kỳ khắc nghiệt, với mùa hè nóng nhất ở châu Âu, nắng nóng ở Địa Trung Hải, lũ lụt và hạn hán ở Tây Âu", Carlo Buontempo, giám đốc C3S, nói. "Điều này cho thấy hiểu biết về thời tiết và khí hậu khắc nghiệt đang ngày càng quan trọng trong các lĩnh vực chủ chốt của xã hội".

Báo cáo cũng nêu chi tiết về thời tiết khắc nghiệt ở vùng Bắc Cực, nơi nhiệt độ nóng hơn 3 độ C so với thế kỷ 19. Lượng khí thải carbon từ cháy rừng ở vùng Bắc Cực, chủ yếu tại đông Siberia, lên tới 16 triệu tấn CO2, gần bằng tổng lượng ô nhiễm carbon hàng năm của Bolivia.

Tấm băng Greenland cùng tấm băng Tây Nam Cực đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao, khi 400 tỷ tấn băng đã tan chảy năm 2021. Tốc độ tan của những tảng băng lớn nhất thế giới đã tăng hơn ba lần trong 30 năm qua.

"Một số hội đồng chuyên gia như Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã cảnh báo chúng ta đang hết thời gian giới hạn ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C", Mauro Facchini, lãnh đạo đơn vị quan sát Trái Đất thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Vũ trụ của Ủy ban châu Âu, nhắc tới ban cố vấn khoa học của Liên Hợp Quốc.

"Báo cáo này nhấn mạnh sự cần thiết phải gấp rút hành động vì các hiện tượng khí hậu cực đoan đã và đang xảy ra", ông nói thêm.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.