Lực lượng Biên phòng Anh đã chặn một số nhóm người di cư qua Eo biển Anh (English Channel).
Người di cư được nhân viên quân đội giải cứu và hộ tống tại cảng Dover sau khi vượt qua Eo biển Anh hôm 1/5
Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho biết họ đã phát hiện 7 tàu chở 254 người di cư hôm 1/5.
Chính phủ Anh đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách "trấn áp những kẻ buôn người", MoD cho hay.
Đây được cho là lần đầu tiên trong vòng 11 ngày có người di cư vượt biển vào Anh.
Một số nhà bình luận cho rằng viễn cảnh người xin tị nạn bị đưa đến Rwanda vốn đã có tác dụng như một biện pháp - nhưng thời tiết lộng gió trong 11 ngày qua ở eo biển này được cho là đã gây ảnh hưởng lớn.
Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo MoD đã chỉ huy hoạt động đối phó với các thuyền nhỏ vượt biên ở eo biển Anh.
Phản ứng trước các vụ chặn người nhập cư trái phép mới đây nhất, MoD mô tả sự gia tăng các vụ vượt biên "nguy hiểm" bằng đường biển vào Anh là không thể chấp nhận được.
Một phát ngôn viên nói rằng: "Các vụ vượt biển không những là một sự lạm dụng công khai luật nhập cư của chúng tôi mà còn tác động lên những người đóng thuế ở Vương quốc Anh, đến rủi ro tính mạng và khả năng của chúng tôi trong việc giúp đỡ người tị nạn vào Anh Quốc qua các con đường an toàn và hợp pháp."
Quyết định được đưa ra sau khi ngày càng nhiều thuyền nhỏ vượt qua eo biển, với hơn 6.000 người đã vượt biển vào Anh cho đến nay trong năm.
Số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Anh cho thấy 28.526 người đã nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển trong năm 2021, tăng từ 8.466 người trong năm trước đó.
Các nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách làm việc với Pháp và các quốc gia châu Âu khác đã không thành công cho đến nay, với việc Bộ Nội vụ Anh và chính phủ Pháp xung đột về làm cách nào tốt nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng.
Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cảnh báo rằng việc không tìm ra giải pháp ở châu Âu đang đặt tính mạng của nhiều người vào nguy hiểm.
Tuyên bố của bà được đưa ra sau cái chết của 27 người bị đắm thuyền khi họ vượt biển từ Pháp vào Anh - được cho là thiệt hại nhân mạng lớn nhất xảy ra tại eo biển này kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2014.
Kế hoạch Rwanda
Cùng lúc với việc tuyên bố trao quyền kiểm soát hoạt động cho MoD, chính phủ Anh tiết lộ kế hoạch đưa một số người xin tị nạn - những người vượt biển vào Anh - đến Rwanda với 'tấm vé một chiều'.
Theo kế hoạch, những người được coi là đã nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc An kể từ ngày 01/01 có thể bị gửi đến đó, nơi họ sẽ được phép nộp đơn xin định cư ở quốc gia Đông Phi này.
Chính phủ Anh cho biết chính sách này sẽ là một đòn giáng mạnh vào những kẻ buôn người và sẽ ngăn chặn được số người bị chết trên các tuyến đường nguy hiểm đến Vương quốc Anh.
Nhưng kế hoạch này đã bị các đảng đối lập, tổ chức từ thiện và Giáo hội Anh chỉ trích là tàn nhẫn.
Hơn 160 tổ chức từ thiện và các nhóm vận động đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi thủ tướng và bà Patel loại bỏ chính sách "tàn nhẫn đáng xấu hổ" này.
Tổng giám mục Canterbury Justin Welby, trong bài giảng hôm Chủ nhật Phục sinh, đã đặt ra cái mà ông gọi là "những câu hỏi đạo đức nghiêm trọng" về kế hoạch này, trước khi nói thêm rằng đó là "sự đối lập với bản chất của Chúa".
Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đã đáp trả những lời chỉ trích về kế hoạch của chính phủ đưa những người xin tị nạn đến Rwanda, nói rằng những người chỉ trích đã không đưa ra được giải pháp nào.
Trong khi đó, các câu hỏi cũng đã được đặt ra về chi phí và hiệu quả có thể có của kế hoạch.
Cựu Thủ tướng Theresa May, người cũng từng là Bộ trưởng Nội vụ, cho biết bà không ủng hộ chính sách này do lo ngại liệu nó có đáp ứng các tiêu chuẩn về "tính hợp pháp, thiết thực và hiệu quả" hay không.
Bà Patel bảo vệ kế hoạch này, cho rằng nó cần thiết để "phá vỡ mô hình kinh doanh" của những kẻ buôn người, ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng và đảm bảo "bảo vệ những người thực sự dễ bị tổn thương".
Theo BBC
Comments powered by CComment