Group News: Tin copy

Phóng tên lửa qua đảo Đài Loan xuống vùng biển Nhật Bản, Bắc Kinh dường như phát thông điệp tới Tokyo và Washington trong căng thẳng ở eo biển.

Căng thẳng Mỹ-Trung: Phản ứng của VN và các nước cùng câu hỏi TQ có gây chiến

Nhật Bản ngày 4/8 cho biết 5 tên lửa đạn đạo Trung Quốc phóng trong cuộc tập trận gần Đài Loan đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này. 4 tên lửa trong số đó được phóng qua đảo Đài Loan trước khi lao xuống vùng biển phía tây nam đảo Hateruma thuộc tỉnh Okinawa của Nhật. Đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo Trung Quốc rơi xuống khu vực này.

Ngay sau sự việc, Nhật Bản đã "phản đối Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao", yêu cầu Bắc Kinh "ngừng ngay lập tức" cuộc tập trận bắn đạn thật gần Đài Loan, đồng thời gọi đây là "vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như an toàn của người dân".

Theo giới quan sát, động thái trên của Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp cảnh báo tới cả Nhật Bản và Mỹ, đồng minh thân cận nhất của nước này, nếu họ hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc lên đến đỉnh điểm.

Bức ảnh do quân đội Trung Quốc công bố cho thấy tên lửa được phóng vào khu vực ngoài khơi bờ biển phía đông đảo Đài Loan. Ảnh: Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc.

Bức ảnh do quân đội Trung Quốc công bố cho thấy tên lửa đạn đạo được khai hỏa trong cuộc tập trận ngày 4/8. Ảnh: Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc.

Thomas G. Mahnken, cựu quan chức Lầu Năm Góc, chủ tịch Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ, nhận định Bắc Kinh dường như muốn nhắc nhở Washington rằng tên lửa của họ không chỉ có thể bao phủ mọi mục tiêu trên đảo Đài Loan, mà còn nhắc nhở người Nhật rằng hiện diện quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa khiến Nhật Bản luôn có khả năng trở thành mục tiêu.

Các nhà phân tích cũng cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Đài Loan dường như còn nhằm làm thay đổi hiện trạng trong khu vực.

"Đợt tập trận lần này sẽ chỉ kéo dài ba ngày, nhưng các hoạt động quân sự quy mô lớn như vậy có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn trong vài năm tới", Tetsuo Kotani, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Meikai, thành viên cấp cao Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, dự đoán.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá nếu tính toán của Bắc Kinh là răn đe Tokyo, các vụ phóng tên lửa mới nhất có thể tạo ra tác dụng ngược.

Chứng kiến những động thái quân sự ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh và việc tên lửa Trung Quốc rơi xuống EZZ, Tokyo có thể cân nhắc đầu tư mạnh mẽ hơn cho năng lực quốc phòng, Yuki Tatsumi, giám đốc chương trình Nhật Bản tại Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, nhận xét.

Nhật Bản nhiều năm qua luôn thận trọng theo dõi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của quốc gia láng giềng và đã bắt đầu có kế hoạch đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng, hợp tác chặt chẽ hơn với đồng minh, đối tác nhằm đối trọng với Trung Quốc, đồng thời giảm dần phụ thuộc vào Washington về an ninh.

Chính sách tăng cường năng lực quân sự càng được củng cố bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản sau đó đã khuyến nghị tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên mức 2% GDP.

Những chính trị gia có quan điểm cứng rắn hơn còn thúc đẩy Nhật Bản phát triển năng lực tấn công phủ đầu bằng tên lửa thông thường, thậm chí gợi ý rằng nước này có thể cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ như một biện pháp răn đe. Cách đây một thập kỷ, những ý tưởng như vậy được xem là điều không tưởng ở Nhật.

Đài Loan, nằm cách căn cứ quân sự Nhật Bản trên đảo Yonaguni, thuộc tỉnh Okinawa, khoảng 109 km, là một trong những vấn đề trọng tâm trong các mối lo ngại an ninh của Tokyo. Đài Loan cũng là đối tác thương mại lớn, nhà cung cấp chip máy tính chính và nằm trên một eo biển hẹp mà hầu hết các nguồn năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản đi qua.

Tại Bắc Kinh hôm 3/8, truyền hình nhà nước Trung Quốc chiếu đoạn phim chiến đấu cơ nước này bay gần Đài Loan. Ảnh: Reuters.

Màn hình tại Bắc Kinh chiếu hình ảnh tiêm kích Trung Quốc áp sát Đài Loan hôm 3/8. Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào quanh Đài Loan cũng sẽ khiến Tokyo bị liên lụy, bởi Nhật Bản đang cho Mỹ triển khai căn cứ quân sự trên đảo Okinawa và nước này cũng có tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Trong sách trắng gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo nước này nên cảnh giác về khả năng xung đột Mỹ - Trung bùng phát.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh này, các lãnh đạo quân sự Nhật Bản đã tăng cường phối hợp với lực lượng Mỹ và triển khai thêm binh sĩ, khẩu đội tên lửa đến các đảo ở miền nam đất nước, nơi có thể trở thành tiền tuyến nếu đụng độ nổ ra.

Phát biểu trước một tổ chức chính sách ở Đài Loan hồi tháng 12 năm ngoái, cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cảnh báo "một cuộc khủng hoảng Đài Loan cũng sẽ là khủng hoảng với Nhật Bản, hay nói cách khác là khủng hoảng đối với liên minh Mỹ - Nhật".

Trong bài bình luận trên tờ Los Angeles Times hồi tháng 4, ông kêu gọi Mỹ làm rõ chính sách "mơ hồ chiến lược" đối với Đài Loan, cho rằng Washington đang "làm cho bất ổn gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi khiến Trung Quốc đánh giá thấp quyết tâm của người Mỹ".

Trước vụ phóng tên lửa hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh không công nhận EEZ của Nhật Bản, nơi tên lửa rơi xuống.

Trung Quốc cũng hủy một cuộc họp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi sau khi G7 ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về "các hành động đe dọa" của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan.

Các sự cố tên lửa về mặt nào đó khá quen thuộc đối với Nhật Bản, quốc gia đã chứng kiến ít nhất 10 tên lửa đạn đạo Triều Tiên rơi xuống EEZ của mình kể từ năm 2016. Trong ngắn hạn, theo Tatsumi, chuyên gia phân tích từ Trung tâm Stimson, phản ứng của Tokyo đối với Bắc Kinh có thể là theo cùng một cách như với Bình Nhưỡng: Phản đối qua kênh ngoại giao và tăng cường cảnh giác.

Đường bay của tên lửa Trung Quốc trong cuộc diễn tập ngày 4/8. Đồ họa: NY Times.

Đường bay qua đảo Đài Loan của tên lửa Trung Quốc trong cuộc tập trận ngày 4/8. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

"Nhật Bản chắc chắn không muốn bị Trung Quốc đổ lỗi vì đã phản ứng thái quá", bà nói, "vì vậy, họ sẽ không phản ứng bằng hành động trên thực địa, nhưng mức độ đề phòng sẽ tăng lên".

Tuy nhiên, trong dài hạn, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một Nhật Bản cứng rắn hơn về mặt quân sự, Tatsumi lưu ý.

Tên lửa Trung Quốc "sẽ không làm suy yếu các cuộc thảo luận ở Nhật về tăng chi tiêu quốc phòng", bà cho hay. "Bất cứ động thái làm gia tăng căng thẳng nào của Bắc Kinh sẽ khiến quá trình này được đẩy nhanh hơn và cũng khiến hợp tác quân sự giữa Washington và Tokyo gắn bó hơn".

Theo VNE


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.