Group News: Tin copy

Cơ quan công tố Việt Nam đề xuất một bản án tử hình và mức án tù cao nhất là 20 năm cho một số bị cáo thuộc tội danh ‘nhận hối lộ’ trong phiên tòa xét xử vụ bê bối thường được gọi là “vụ chuyến bay giải cứu”. Ở phía các bị cáo ‘đưa hối lộ’, mức án thấp nhất được đề nghị là 1 năm tù treo. Bên công tố cũng đề nghị “xem xét trách nhiệm liên đới” của một thứ trưởng y tế.

Ông Phạm Trung Kiên, thư ký cho Thứ trưởng Bộ Y tế, được xác định là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ chuyến bay giải cứu


Tổng cộng có 54 bị cáo, chủ yếu là các quan chức nhà nước thuộc các bộ ngoại giao, y tế, công an, bị truy tố về các tội danh như ‘đưa hối lộ’, ‘môi giới hối lộ’, ‘nhận hối lộ’, ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

Trong ngày xét xử thứ năm vào sáng ngày 17/7, bên công tố đã thực hiện phần luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo bị quy là đã lợi dụng chủ trương đưa công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài trong đại dịch COVID-19 về nước hồi năm 2021 để kiếm chác.

Án tử hình duy nhất

Theo đó, Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên, người nhận hối lộ nhiều lần nhất (253 lần) với số tiền 42,6 tỷ đồng, đối mặt án tử hình. Đây cũng là bản án tử hình duy nhất được đề nghị trong vụ án. Viện Kiểm sát đánh giá ông Tuyên nhận hối lộ ‘trắng trợn nhất’.

Ông Kiên là người có trách nhiệm trình Thứ trưởng Tuyên ký duyệt cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu. Ông bị cáo buộc đã vòi các doanh nghiệp chung chi từ 50 đến 200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay.

Khi khai trước tòa, ông Kiên khẳng định ông ‘không chủ động đòi hối lộ’ mà là do các doanh nghiệp ‘chủ động đưa hối lộ’.

Khi bị tòa chất vấn là ông có đưa tiền hố lộ đó cho ai không, ông Kiên một mực khẳng định chỉ mình ông nhận số tiền hối lộ đó, ngoài ra ông không đưa cho ai và cũng ‘không ai tác động ông đưa lời khai gian’.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng cần mở rộng điều tra đến ông Đỗ Xuân Tuyên, sếp trực tiếp của ông Kiên, người phụ trách ký các văn bản trả lời các bộ về việc có cấp phép cho các chuyến bay giải cứu hay không, trong giai đoạn điều tra tiếp theo của vụ án, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

Hai bị cáo nhận số tiền hối lộ lớn tiếp theo ông Kiên là ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an; và bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Ông Tuấn, được cho là đã nhận hối lộ 27 tỷ đồng, bị đề nghị mức án 19-20 năm tù, trong khi bà Lan với số tiền hối lộ đã nhận là 25 tỷ bị đề nghị 18-19 năm tù.

Cả ông Tuấn và bà Lan đều bị các chủ doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay giải cứu khai trước tòa là ‘làm khó dễ’ và chỉ khi nào họ chi tiền thì mới cấp phép chuyến bay.

Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, quan chức cấp cao nhất bị khởi tố trong giai đoạn một của vụ án, bị đề nghị mức án 12-13 năm tù vì đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại trong nhóm nhận hối lộ bị đề nghị mức án từ 2-3 năm cho đến 9-10 năm tùy theo số tiền nhận hối lộ. Thấp nhất là Lý Tiến Hùng, cựu Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, bị đề nghị 2-3 năm tù cho số tiền nhận hối lộ là 400 triệu đồng.

Ở nhóm bị cáo đưa hối lộ, bị đề nghị mức án nặng nhất là ông Lê Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, lần lượt là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc công ty Blue Sky. Ông Sơn và bà Hằng bị đề nghị mức án lần lượt là 11-12 và 10-11 năm tù cho cùng số tiền đưa hối lộ là 100 tỷ đồng.

Riêng ông Trần Minh Tuấn, giám đốc công ty cổ phần xây dựng Thái Hòa, bị đề xuất mức án 15-17 năm tù cho cả hai tội danh là ‘lừa đảo’ và ‘đưa hối lộ’ 800 triệu đồng.

Riêng trong nhóm bị cáo ‘chạy án’, ông Hoàng Văn Hưng, điều tra viên Bộ Công an, bị đề nghị 19-20 năm tù cho tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’.

‘Không nhận thức được’

Bên công tố đánh giá rằng ‘hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi với số tiền đặc biệt lớn xảy ra trong dịch COVID-19 bị dư luận lên án’, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.

Khai trước tòa, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, nói rằng lúc nhận tiền hối lộ, ông ‘không ý thức được mình đã làm sai’. Ông Dũng lý giải rằng ‘ông không gây khó cho doanh nghiệp, không đòi hỏi hay đặt vấn đề tiền bạc’ mà ‘chỉ nhận tiền cảm ơn sau khi tổ chức chuyến bay xong’. Khi nhận thức được thì ông ‘rất ăn năn hối lỗi’, cũng theo tường thuật của Tuổi Trẻ. Số tiền ông Dũng đã nhận là hơn 21 tỷ đồng.

Giống như ông Dũng, ông Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, cũng nói rằng mình ‘vô tình nhận hối lộ’ vì bị cấp dưới báo cáo là ‘tiền cảm ơn của các doanh nghiệp’ và khi biết là tiền hối lộ, ông ‘đã yêu cầu đem trả lại nhưng không được vì không liên lạc được’.

Ông Dự nói khi không trả lại được cho doanh nghiệp, ông tính sẽ trả lại cho Nhà nước thì ‘sẽ không sao’. “Trong 38 năm làm việc thì có 37 năm 6 tháng là sạch, còn 6 tháng cuối cùng dính tí bẩn”, ông Dự được dẫn lời nói trước Tòa.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.