Đóng phim kinh dị 18+, Cát Vi và Lâm Thanh Mỹ tỏa sáng với vai hai đứa trẻ bị "bóng đè", lấn át diễn xuất Quang Tuấn và Diệu Nhi.
Tác phẩm gây chú ý từ khi được công bố, là dự án tái xuất của Lê Văn Kiệt - đạo diễn Hai Phượng - sau ba năm. Phim khai thác nỗi sợ từ hiện tượng bóng đè (cảm giác tê liệt toàn thân khi ngủ dù đầu óc vẫn tỉnh táo), lấy cảm hứng từ chuyện có thật của đạo diễn.
Phim mở đầu với môtíp quen thuộc của dòng kinh dị. Sau cái chết của vợ, để nỗi đau khuây khỏa, Thành (Quang Tuấn đóng) cùng hai con gái Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) chuyển đến sống ở một căn nhà cổ tại miền quê. Trái khung cảnh thanh bình vào ban ngày, đêm xuống, ngôi nhà bắt đầu có những hiện tượng bí ẩn mà chỉ Linh và Yến cảm nhận được.
Cặp diễn viên nhí tạo sức hút chính của phim. Từng đóng bé Mai - con gái nhân vật Hai Phượng trong phim cùng tên, Cát Vi tiếp tục là lựa chọn đắt giá của đạo diễn trong phim mới. Ở tuổi 11 (khi phim khởi quay), diễn viên nhí chứng tỏ khả năng biến chuyển tâm lý linh hoạt. Đầu phim, nhân vật Yến gợi thương cảm với nét u uẩn của một cô bé sớm chịu nỗi đau mất mẹ. Với những cảnh đóng cùng Lâm Thanh Mỹ, cả hai hòa hợp trong những màn đối đáp ngẫu hứng, đậm chất đời thường. Cách hai nhân vật trêu ghẹo, chơi đùa tạo thiện cảm với lối diễn tự nhiên.
Khi các hiện tượng kỳ bí diễn ra, Cát Vi cuốn hút người xem bằng biểu cảm và hình thể. Ở nhiều cảnh, Yến gồng cứng người, toát mồ hôi, mắt trợn trừng bởi những bóng dáng ma quái xuất hiện quanh nhà. Nửa sau của phim, khi twist (tình tiết bất ngờ) hé lộ, diễn viên nhí tạo được không khí cao trào ở một màn rượt đuổi.
Lâm Thanh Mỹ có vai nặng về tâm lý kể từ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015, Victor Vũ đạo diễn). Khác Yến - đứa em hồn nhiên, Linh dần phải học cách bao bọc, làm chỗ dựa tinh thần cho em, quán xuyến nhà cửa sau khi mẹ mất. Cô bé đối diện với những thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì nhưng không biết bộc bạch cùng ai, kể cả cha. Thanh Mỹ chọn lối diễn chừng mực, giọng thoại nhấn nhá vừa đủ. Ở hồi ba của phim, nhân vật phát triển hơn về tính cách - mạnh mẽ, tự chủ hơn để bảo vệ em gái. Từ nỗi nhớ mẹ, Yến biến đau thương thành sức mạnh để vực người thân dậy, thoát khỏi ám ảnh "bóng ma".
So với hai diễn viên nhí, Quang Tuấn và Diệu Nhi có phần nhạt nhòa. Nửa đầu tác phẩm, nhân vật Thành ít góp mặt nhưng về sau đảm nhận nhiều phân cảnh quan trọng. Vai mới của Quang Tuấn là một người đàn ông chịu nhiều tổn thương tâm lý sau biến cố. Càng cố thoát khỏi bóng đen của quá khứ, anh càng bị sa lầy. Diệu Nhi vào vai Hạnh, bác sĩ tâm lý được Thành mời tới để chữa trị cho các con. Nỗ lực thoát khỏi mác chuyên đóng hài, Diệu Nhi chưa tạo đột phá với vai diễn. Cuối phim, kết cục của Hạnh bị lưng chừng do đạo diễn chưa giải quyết tình huống triệt để.
Sau nửa đầu mang nhiều hứa hẹn, phim đột ngột rẽ hướng khi twist quan trọng nhất được tiết lộ. Từ đây, câu chuyện trở nên lủng củng, rời rạc vì thiếu các tình tiết làm nền trước đó. Kết thúc của phim còn dễ dãi, qua loa, phần nào tạo cảm giác hụt hẫng cho người xem.
Phim có các cảnh hù dọa gợi liên tưởng đến một số tác phẩm Hollywood. Nhiều cảnh xuất hiện của các thế lực tâm linh có sự tương đồng với các màn jumpscare (hù dọa đột ngột) của đạo diễn James Wan trong The Conjuring (2013). Ở một phân đoạn, tạo hình ma quái trong phim dễ khiến khán giả nhớ đến Mama - phim kinh dị đình đám năm 2013.
Khác nhiều phim Việt cùng thể loại, đạo diễn Lê Văn Kiệt vận dụng góc quay giàu chất điện ảnh. Phim có nhiều cú máy rộng bằng flycam để đặc tả cảnh miền quê thanh bình, hay cảnh rung lắc, chênh chao khi các hiện tượng ma quái xuất hiện. Ở những phân đoạn hồi tưởng quá khứ, lối quay xa - gần với tông màu trắng sáng gợi nhiều cảm giác hư ảo, hoài niệm. Âm thanh cũng là yếu tố được đạo diễn cài cắm để khơi nỗi sợ, từ tiếng trẻ con cười khúc khích đến cánh cửa kẽo kẹt, va đập trong ngôi nhà cổ.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment