Ông Nguyễn Quốc Anh bị VKS cáo buộc "nóng vội" chỉ đạo cấp dưới bỏ qua quy trình lắp đặt robot phẫu thuật, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng cho hơn 600 bệnh nhân.
- Lời khai của cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về chuyện nhận tiền doanh nghiệp
- Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị bắt.
- Thu hồi tiền 'nâng khống' trong vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai
Nhận định trên được đại diện VKSND Hà Nội nêu chiều 20/1, tại phiên xét xử vụ án nâng khống giá thiết bị y tế liên quan 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai.
Đánh giá tính chất vụ án nghiêm trọng, các bị cáo đều hiểu biết pháp luật, phải tiên phong tuân thủ để thúc đẩy sự phát triển ngành khoa học nói chung và tạo niềm tin cho người bệnh nhưng đã "lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái công vụ". Hành vi của 8 bị cáo ảnh hưởng đến người bệnh, gây dư luận xấu, mất niềm tin.
Ông Quốc Anh bị xác định giữ vai trò cao nhất, Phạm Đức Tuấn (cựu chủ tịch HĐQT Công ty BMS) tích cực giúp sức và các bị cáo còn lại là đồng phạm.
VKS do đó cũng đề nghị HĐXX tuyên mức án 4-5 năm tù với bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (cựu phó giám đốc, Bệnh viện Bạch Mai); 30-36 tháng tù treo với bị cáo Tuấn, cựu Chủ tịch HĐQT công ty BMS, 5 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 năm tù giam đến 36 tháng tù treo. Các bị cáo đều bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Tại phiên xét xử sáng nay, các bị cáo hầu hết thừa nhận hành vi, song do thiếu hiểu biết quy trình, quy định, không vì động cơ vụ lợi.
Thừa nhận cầm của BMS 100 triệu đồng và 10.000 USD quà biếu, cựu giám đốc Quốc Anh cho rằng đó là "quà biếu Tết thông thường". Ông thực hiện đề án liên kết với BMS vì lợi ích người bệnh và bệnh viện.
Bị cáo cũng phủ nhận cáo buộc quy kết ông không bàn bạc công khai mà tự ý chủ trì cuộc họp thông qua đề án liên kết đặt máy, làm trái Thông tư 15 của Bộ Y tế. "Thông tư 15 rất chung chung, tôi không hiểu cụ thể", ông nói và khẳng định trong cuộc họp đã thông báo về giá và đơn vị liên danh là BMS.
Giá của 2 robot do BMS đưa ra phù hợp với danh mục của Bộ Y tế mua cho hai bệnh viện đầu ngành là Bạch Mai và Việt Đức. Hơn nữa, Bạch Mai không chỉ mời công ty độc lập thẩm định giá, còn cử 2 cán bộ sang Pháp khảo sát giá nên "rất yên tâm" với giá BMS đưa ra là 39 tỷ đồng.
Giải thích về giá máy robot Rosa, bị cáo buộc cao gấp hơn 5 lần giá trị nhập về, bị cáo Tuấn cho rằng giá chào bán này dựa trên giá của nhà sản xuất nước ngoài cung cấp. Bên sản xuất đưa giá là khoảng 500.000 euro năm 2016, tương đương 17 tỷ đồng. Nhưng quá trình làm việc, nhà sản xuất "rất nhiều lần thay đổi giá", do có chi phí đào tạo 9 tuần.
"Mỗi tuần chi phí mất 1,5-2 tỷ đồng, tổng 9 tuần lên tới 19 tỷ, cộng chi phí rủi ro, từ đó hai bên thống nhất giá đưa ra thị trường là 39 tỷ đồng", Tuấn khai.
Về cuộc gặp gỡ với ông Quốc Anh, Tuấn khai theo lời nhờ của Bệnh viện Bạch Mai, Tuấn kiếm giúp một nhân viên thẩm định giá, sau đó các công việc giao cho nhân viên phụ trách. Trần Lê Hoàng (cựu thẩm định viên Công ty VFS) "có uy tín nhiều năm làm việc" nên tin tưởng giới thiệu cho bệnh viện.
"Trong quá trình thẩm định, anh Hoàng gọi cho tôi hỏi máy có tốt không, tôi trả lời đó là thiết bị nước ngoài được FDA công nhận. Anh ấy hỏi giá trên thị trường là bao nhiêu thì tôi cung cấp cái giá chúng tôi mong muốn", Tuấn khai.
Chủ tọa chất vấn: "Bị cáo đi mua tài sản liên danh liên kết, giới thiệu công ty thẩm định giá, trong quá trình thẩm định giá lại đề xuất giá với bên thẩm định thì ở đây có vấn đề không?". Tuấn và Hoàng đều khẳng định "không có lợi ích cá nhân trong việc này".
Cáo trạng xác định, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Biết điều này, tháng 5/2016, Tuấn gặp ông Quốc Anh, đề nghị bán 2 robot Rosa và Mako, hỗ trợ phẫu thuật do công ty BMS nhập khẩu, giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.
Ông Quốc Anh từ chối mua, song cho hay Tuấn có thể làm đề án liên kết đặt máy tại bệnh viện. Việc này do bệnh viện tự quyết định, chỉ cần có Chứng thư thẩm định giá, còn giá thiết bị và đơn vị thẩm định sẽ do Tuấn quyết định.
VKS cáo buộc giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sau đó không bàn bạc công khai, tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết song không công bố giá máy và đơn vị cung cấp.
Cuối năm 2016, theo chỉ đạo của ông Quốc Anh, ba thuộc cấp tại Bệnh viện Bạch Mai liên hệ với Tuấn và thẩm định viên về giá robot đã được Tuấn sắp xếp trước để làm khống Chứng thư thẩm định.
Dù không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ xác định giá và 2 hệ thống robot chưa được nhập về, thẩm định viên VFS vẫn cấp chứng thư nêu giá của 2 robot là 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng, theo yêu cầu của Tuấn và gửi Bệnh viện Bạch Mai.
Cáo trạng xác định, robot Rosa trị giá 7,4 tỷ đồng được Tuấn khống giá gấp 5, thành 39 tỷ đồng.
Cuối tháng 2/2017, ông Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa, mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot, cáo trạng xác định.
Đến tháng 5/2020, tổng cộng 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa. VKS Tối cao xác định, hậu quả của vụ án là số tiền 637 người này đã trả, hơn 10 tỷ đồng. Toàn bộ thiệt hại đã được bị cáo Tuấn khắc phục.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment