Tòa án nhân dân tối cao
Để thấy được hình phạt tử hình có giúp răn đe ngăn chặn tội phạm hay không thì hãy thử phân tích qua hai vụ án này.
Liệu trong quá trình chuẩn bị giết người, từ việc mua súng tới khi theo dõi nạn nhân rồi nổ súng, có khi nào các bị cáo dừng lại để suy nghĩ về hình phạt? Nhiều khả năng là không.
Nếu có một cuộc khảo sát đặt câu hỏi cho những bị cáo trong những vụ giết người tương tự, sẽ cho thấy rõ hơn liệu trước khi gây án các bị cáo có nghĩ đến hình phạt hay không, để từ đó thấy được án tử hình có giúp ngăn lại hành vi phạm tội.
Còn trong vụ vận chuyển ma túy ở Đồng Tháp với số lượng lên đến 45kg, các bị cáo hẳn đã biết rõ về hình phạt nếu bị bắt, nhưng họ vẫn vận chuyển ma túy.
Như thế hình phạt tử hình cũng không có tác dụng giúp ngăn chặn tội phạm trong trường hợp này.
Không chỉ vụ án ở Đồng Tháp mà hàng chục vụ với hàng trăm bị cáo ma túy lâu nay cũng thế, hình phạt nghiêm khắc đã không thể ngăn họ phạm tội.
Điều đó cho thấy hình phạt tử hình không có hiệu quả trong việc ngăn chặn hành vi phạm tội.
Án tù không ân xá
Hai tháng trước, một người ở miền núi phía bắc liên hệ nhờ tôi kêu oan cho người thân đã bị kết án trong một vụ mua bán trái phép chất ma túy.
Nội dung theo bản án cho thấy có năm bị cáo, trong đó ba bị cáo đã vận chuyển hơn một trăm bánh ma túy trên xe ô tô đi từ Hà Tĩnh, khi đến TN thì bị bắt. Hai bị cáo còn lại được cho là người mua đã bị bắt sau đó vài giờ tại một khách sạn cách đó vài cây số.
Người liên hệ cho rằng con ông hôm đó chỉ đi mua trâu và việc bắt giữ không thuộc trường hợp quả tang nên việc kết tội như bản án khiến ông không đồng ý.
Sau khi nghiên cứu tài liệu cùng đơn kêu oan thì tôi từ chối, bảo rằng chỉ với bản án và đơn của gia đình cung cấp như vậy luật sư không thấy có cơ sở bị oan, nếu gia đình chỉ nhờ luật sư kêu xin ân giảm án tử hình thì tôi sẽ xem xét nhận lời.
Điều khiến suy nghĩ qua sự việc này, đó là vụ án có năm bị cáo thì tất cả đều bị tuyên tử hình, các bị cáo chỉ ở độ tuổi 30, 40, nếu tính theo đời sống sinh học thì họ có thể sẽ sống được thêm nhiều chục năm nữa.
Để ý tìm hiểu thì thấy không hiếm những vụ án ma túy có mấy bị cáo thì đều bị tuyên án tử, hoặc không hiếm những vụ có số án tử hình lớn, ví như tháng 7 vừa rồi ở Đăk Nông có vụ án tuyên tới 6 án tử hình.
Những bản án như vậy có thể nói là không sai so với quy định pháp luật hiện tại, theo luật thì mua bán chỉ từ 100 gam heroin trở lên là có thể thuộc khung hình phạt cao nhất rồi, nói gì đến việc mua bán hàng trăm bánh với khối lượng vài chục cân.
Nhưng có thể hình dung là với việc thực thi pháp luật như vậy thì sẽ vẫn dẫn đến hậu quả là số lượng án tử hình sẽ lớn, và điều này không phù hợp với xu hướng pháp luật văn minh tiến bộ tôn trọng bảo hộ quyền con người, trong đó quan trọng nhất là quyền được sống.
Bởi vậy ở đây tồn tại một mâu thuẫn cần tháo gỡ giữa mục tiêu trấn áp ngăn chặn việc mua bán ma túy gây hậu quả đặc biệt xấu cho xã hội, một mục tiêu mà cả xã hội đồng tình, với một mục tiêu khác là bảo vệ quyền con người, nội dung mà lần đầu tiên cũng đã được đưa vào ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Bảo hộ quyền con người
Tôi cho rằng giải pháp là pháp luật nên điều chỉnh thay thế án tử hình bằng hình phạt tù chung thân không ân xá. Hoặc chỉ ân xá khi đã thụ án 50 năm để không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Nhìn lại hệ thống quy định pháp luật hiện nay thì thấy, án chung thân khi thụ án 20 hoặc 25 năm là đã có thể được giảm án trả tự do.
Bộ hình phạt quy định về án tử hình và án chung thân giảm án như vậy, có thể hình dung là nhà làm luật cho rằng điều kiện kinh tế xã hội xưa nay không đáp ứng được việc giam giữ kéo dài, bởi đó mà đã dẫn đến cách thức quy định về bộ hình phạt như vậy.
Nhưng tới nay sau vài chục năm đất nước đổi mới, nền kinh tế hội nhập phát triển, xã hội biến đổi. Điều kiện kinh tế xã hội đã khác, nhận thức về các giá trị quyền con người cũng khác, thì tôi cho rằng quy định pháp luật về hình phạt cũng cần thay đổi.
Ở đây tạm tính ra vài con số để thấy được chi phí tốn kém đến đâu trong việc giam giữ một người trong thời gian 50 năm, để thấy được điều kiện kinh tế xã hội hiện nay có chấp nhận được việc giam giữ kéo dài hay không.
Tạm tính theo thời giá hiện nay mỗi bữa ăn 20 nghìn, ngày 3 bữa là 60 nghìn, chi phí điện nước canh giữ 40 nghìn/ ngày. Tổng là 100 nghìn/ngày. Một tháng là 3 triệu, một năm 36 triệu, 10 năm 360 triệu, 50 năm là 1,8 tỷ.
Tức là tốn khoảng 1,8 tỷ đồng để giam giữ nuôi không một người trong 50 năm tù.
Số tiền này có vẻ lớn đối với đời sống của người lao động hiện nay nhưng sẽ là không lớn để xã hội giữ lại một mạng người.
Thân nhân của các phạm nhân có án tử chắc hẳn cũng sẽ cố gắng để bảo đảm số tiền đó nếu người thân của họ được miễn tội chết.
Thực tế số tiền 1,8 tỷ dành để nuôi phạm nhân này cũng không gây áp lực bao nhiêu cho việc giam giữ, bởi vì đó là khoản chi phí kéo dài không đòi hỏi phải có ngay một lần.
Một phần số tiền đó có thể được thu bằng tiền phạt của bản án, hoặc trong quá trình giam giữ phạm nhân có thể lao động tạo thêm thu nhập đảm bảo đời sống cho họ.
Với chi phí giam giữ như vậy thì tôi cho rằng đó là mức chi phí xã hội chấp nhận được với điều kiện kinh tế hiện nay và kèm với đó là mong muốn về bảo hộ quyền con người.
Đây là phương án giải pháp hợp lý để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng thực tế lâu nay không nhiều người quan tâm đến chủ đề này, những vụ án mua bán ma túy hàng trăm bánh và những vụ giết người đốt xác gây phẫn nộ dư luận, khiến cho những bản án tử hình không mấy được quan tâm.
Chỉ ít người do nghề nghiệp như luật sư gặp phải những trường hợp tử tù còn trẻ và chứng kiến thân nhân vẫn mong muốn người thân được sống, nên mới có những trăn trở và cố gắng cất lên tiếng nói lẻ loi cho các tử tội.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư tại Hà Nội.
Theo BBC
Comments powered by CComment