Group News: Tin copy

Vài ngày sau khi bị cưỡng hiếp, Megumi Okano nói, họ đã biết kẻ tấn công sẽ thoát tội.

BBC

Megumi Okano hy vọng về sự thay đổi ở Nhật Bản

Cảnh báo: bài viết có các chi tiết mà một số độc giả có thể thấy khó chịu.

Megumi - dùng "họ" (they) là đại từ nhân xưng thay vì "cô" (she), biết người đàn ông đã gây ra và tìm người này ở đâu. Nhưng Megumi cũng biết sẽ không có vụ án nào, vì chính quyền Nhật Bản không xem những gì xảy ra là cưỡng hiếp.

Vì vậy, sinh viên đại học này quyết định không trình báo vụ việc với cảnh sát.

"Vì tôi không thể theo đuổi [công lý] theo cách đó, hắn ta ung dung sống một cuộc đời tự do. Điều đó khiến tôi đau đớn," Megumi nói.

Nhưng một thay đổi có thể đang sắp xảy đến. Quốc hội Nhật Bản đang tranh luận về một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cải cách luật chống tấn công tình dục, lần sửa đổi thứ hai trong vòng một thế kỷ qua.

Dự luật này bao gồm một số thay đổi, nhưng thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất là ​​các nhà lập pháp định nghĩa lại hành vi cưỡng hiếp từ "quan hệ tình dục cưỡng bức" thành "quan hệ tình dục không đồng thuận" - tạo không gian pháp lý cho sự đồng thuận trong một xã hội còn hiểu biết hạn chế về khái niệm này.

Luật hiện hành của Nhật Bản định nghĩa hiếp dâm là hành vi giao cấu hoặc sai trái được thực hiện "bằng vũ lực" và "thông qua tấn công hoặc đe dọa", hoặc bằng cách lợi dụng "tình trạng bất tỉnh hoặc không có khả năng chống cự" của một người.

Điều này mâu thuẫn với nhiều quốc gia khác vốn có định nghĩa hành vi này bao quát hơn là bất kỳ hành vi giao hợp hoặc quan hệ tình dục không có sự đồng thuận nào - nơi mà "không mang ý nghĩa là không".

 
 

Các nhà hoạt động lập luận rằng định nghĩa hạn hẹp của Nhật Bản đã dẫn đến cách diễn giải luật của các công tố viên và thẩm phán thậm chí còn hẹp hơn nữa, đặt ra một tiêu chuẩn luật pháp quá cao và dung dưỡng văn hóa hoài nghi, cản trở những người sống sót báo án về các cuộc tấn công nhằm vào họ.

Ví dụ, trong một vụ án ở Tokyo năm 2014, một người đàn ông đã đè một bé gái 15 tuổi vào tường và quan hệ tình dục với em trong khi em ấy chống cự. Ông ta được tha bổng vì tội hiếp dâm vì tòa án phán quyết rằng hành động của hắn không khiến cô bé "vô cùng khó khăn" để chống cự. Thanh thiếu niên được đối xử như người lớn vì độ tuổi về sự đồng thuận ở Nhật Bản là 13 tuổi - thấp nhất trong số các nền dân chủ giàu có nhất thế giới.

Yuu Tadokoro, phát ngôn viên của Spring - nhóm người sống sót sau khi bị tấn công tình dục, cho biết: "Các quy trình và quyết định xét xử thực tế khác nhau - một số bị cáo không bị kết án ngay cả khi hành vi của họ được chứng minh là không có sự đồng thuận, vì họ phải là trường hợp thuộc nhóm 'hành hung hoặc đe dọa."

Đó là lý do tại sao Megumi nói rằng họ đã không báo cảnh sát sau vụ tấn công mà bạn đại học gây ra.

Theo Megumi, hai người họ đang xem tivi cùng nhau khi anh ta bắt đầu có những hành vi tình dục đối với Megumi - người đã nói "Không".

Sau đó, anh ta tấn công. Megumi nói, cả hai đã "đánh vật" một lúc trước khi Megumi cứng đơ người và từ bỏ việc kháng cự. Theo các nhà hoạt động, phản ứng được ghi chép đầy đủ này đối với một cuộc tấn công đôi khi không được bao gồm trong nội hàm của luật hiện hành.

Getty Images

Các nhà hoạt động cho biết luật pháp hiện hành của Nhật Bản từ lâu đã ngăn cản phụ nữ báo cáo việc bị tấn công tình dục

Những ngày sau đó, Megumi - một sinh viên luật - nghiên cứu bộ luật hình sự và các án lệ và nhận ra những gì đã xảy ra sẽ không đáp ứng các tiêu chuẩn của tòa án về "hành hung và đe dọa".

Họ cũng đã nghe nói về những người sống sót trải qua việc "đổ lỗi cho nạn nhân" và "cưỡng hiếp lần thứ hai" - tức là khi những người sống sót bị chấn thương lần nữa khi gặp phải sự vô cảm của cảnh sát hoặc nhân viên bệnh viện - trong các cuộc điều tra của Nhật Bản.

"Tôi không muốn trải qua quá trình đó [của một cuộc điều tra] vì hy vọng hiếm hoi muốn đòi lại công lý. Đó là lý do tại sao tôi không báo cảnh sát. Tôi thậm chí còn không chắc liệu lời tường thuật của mình có được chấp nhận hay không", họ chia sẻ.

Thay vào đó, Megumi nói họ đến trung tâm tư vấn quấy rối của trường đại học, nơi đã mở cuộc điều tra và phán quyết kẻ tấn công đã phạm tội hiếp dâm.

Khi BBC tiếp cận, trung tâm từ chối bình luận về vụ việc, với lý do bảo mật.

Megumi cho biết vào thời điểm cuộc điều tra kết thúc, kẻ tấn công đã tốt nghiệp - vì vậy anh ta chỉ phải chịu ít hậu quả bên cạnh việc nhận được cảnh cáo. "Tôi cảm thấy thất vọng vì không thể khiến hắn ta hối hận về hành động của mình thông qua tố tụng hình sự."

 
 

Hô vang đòi sự thay đổi

Megumi không đơn độc. Ở Nhật Bản, chỉ 1/3 số vụ việc được công nhận là hiếp dâm bị truy tố, thấp hơn một chút so với tỷ lệ truy tố hình sự nói chung.

Nhưng đã có một sự kêu gọi công khai ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi phải sự thay đổi.

Năm 2019, dư luận Nhật Bản phẫn nộ khi hàng loạt bốn vụ tấn công tình dục, vụ nào cũng dẫn đến việc kẻ bị cáo buộc tấn công trắng án, nổi cộm trong vòng một tháng.

Trong một vụ án ở Fukuoka, một người đàn ông đã làm tình với một phụ nữ say rượu - điều này có thể được coi là tấn công tình dục ở những nơi khác. Tòa án nghe cáo trạng về người phụ nữ này lần đầu tiên tham gia một buổi uống rượu thông thường tại một nhà hàng.

Theo các báo cáo, người đàn ông nói rằng anh ta nghĩ "đàn ông có thể dễ dàng thực hiện hành vi tình dục" tại sự kiện này, nơi được biết đến với sự buông thả về tình dục và những người khác chứng kiến ​​​​vụ việc đã không ngăn anh ta lại.

Anh ta cũng cho rằng người phụ nữ đồng thuận vì ở một khoảnh khắc trong khi quan hệ, cô ấy đã mở mắt và "phát ra tiếng động".

Trong một trường hợp khác ở Nagoya, khi một người cha quan hệ tình dục với cô con gái tuổi thiếu niên của mình nhiều lần trong suốt nhiều năm, tòa án nghi ngờ rằng ông ta đã "hoàn toàn khống chế" con gái mình vì cô bé đã đi ngược lại mong muốn của cha mẹ mình trong việc chọn trường để theo học. Dù rằng một bác sĩ tâm lý đã làm chứng rằng cô bé nhìn chung là không có khả năng kháng cự cha mình về mặt tâm lý.

Sau sự phản đối kịch liệt của công chúng, hầu hết các trường hợp này đã được xét xử lại và những kẻ tấn công bị kết tội. Một chiến dịch toàn quốc, được gọi là Flower Demo, đã được các nhà hoạt động phát động để thể hiện tinh thần chung lưng đấu cật với những nạn nhân bị tấn công tình dục.

Các nhà hoạt động nói điều này, cùng với phong trào #MeToo đang phát triển và chiến thắng mang tính bước ngoặt của nhà báo Shiori Ito, đã giúp thúc đẩy đối thoại quốc gia về tấn công tình dục và thúc đẩy cải cách pháp luật.

Getty Images

Shiori Ito đã thắng vụ kiện hiếp dâm mang tính bước ngoặt vào năm 2019

Thuộc quá trình định nghĩa lại tội hiếp dâm, luật mới đưa ra rõ ràng tám tình huống mà nạn nhân khó "định hình, bày tỏ hoặc thực hiện ý định không đồng thuận".

Chúng bao gồm các tình huống nạn nhân say rượu hoặc phê ma túy; hoặc là đối tượng của bị bạo lực hay đe dọa; hoặc là "sợ hãi hay điếng người". Một kịch bản khác dường như mô tả sự lạm dụng quyền lực, trong đó nạn nhân "lo lắng" rằng họ sẽ gặp bất lợi nếu không chiều theo.

Tuổi đồng thuận cũng sẽ tăng lên 16 tuổi và luật pháp về các hạn chế sẽ được mở rộng.

Một số nhóm nhân quyền đã kêu gọi làm rõ hơn về các kịch bản, cho rằng lối diễn đạt quá mơ hồ. Họ cũng sợ rằng cách diễn đạt này sẽ gây khó khăn hơn cho các công tố viên trong việc chứng minh các cáo buộc.

Những người khác cho rằng luật pháp về các hạn chế nên được mở rộn hơn nữa và cần có nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho những người sống sót là trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, nếu được thông qua, các cải cách sẽ đánh dấu một thắng lợi cho những người từ lâu đã vận động cho sự thay đổi.

"Thực tế là họ đang thay đổi ngay cả tiêu đề của luật này, chúng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ bắt đầu cuộc thảo luận này ở Nhật Bản về: Đồng thuận là gì? Không đồng thuận nghĩa là gì?" Kazuko Ito, phó chủ tịch của Human Rights Now có trụ sở tại Tokyo nói

Nhưng thời gian không còn nhiều. Thượng viện của Quốc hội Nhật Bản phải thông qua luật mới trước ngày 21/6 nhưng cơ quan này hiện đang bận rộn trong cuộc tranh luận về nhập cư.

Việc bỏ lỡ thời gian đó sẽ khiến các cải cách về tấn công tình dục rơi vào tình trạng bất định. Các nhà hoạt động tuần trước đã tố cáo sự trì hoãn là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi các nhà lập pháp hành động ngay lập tức.

Định hình lại các ý niệm về tình dục

Nhưng những cải cách chỉ giải quyết một phần của vấn đề, theo các nhà hoạt động - những người kêu gọi thay đổi vượt khỏi phòng xử án.

Tấn công tình dục vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở Nhật Bản và chỉ mới thu hút sự chú ý của quốc gia này trong những năm gần đây sau các vụ án nổi tiếng như vụ kiện tụng của Shiori Ito, những tuyên bố của nạn nhân bị tấn công tình dục Rina Gonoi- cựu thành viên Lực lượng Phòng vệ, hay sự bóc trần của Johnny Kitagawa.

Kazuko Ito nói, một phần của vấn đề là các thế hệ người Nhật đã lớn lên với "quan niệm sai lệch về tình dục và sự đồng thuận về tình dục".

Một mặt, giáo dục giới tính thường được dạy một cách kín đáo và khiêm tốn, và hầu như không nói gì đến sự đồng thuận. Chưa hết, bà Ito nói, trẻ em Nhật Bản dễ dàng tiếp cận với phim sex trong đó có thủ pháp phim ảnh phổ biến là một phụ nữ thích quan hệ tình dục trái ý muốn của mình.

NURPHOTO

Cảnh trong một cuộc biểu tình năm 2019 sau hàng loạt vụ hiếp dâm được tha bổng

Sakura Kamitani, luật sư kiêm nhà vận đông nhân quyền, nói rằng Nhật Bản nên hỗ trợ nhiều hơn về tài chính và tâm lý cho những nạn nhân bị tấn công tình dục.

Nhưng những kẻ tấn công cũng nên nhận được sự giúp đỡ, cô nói thêm. “Tội phạm tình dục có tỷ lệ tái phạm tội cao như vậy, chúng ta phải tập trung vào công tác phòng chống, nếu không nạn nhân sẽ ngày càng nhiều hơn”.

Nhưng các nhà hoạt động cho biết, nhiệm vụ quan trọng hơn bây giờ là đảm bảo các cải cách được thông qua và ban hành, khuyến khích những người sống sót báo án.

Bà Ito nói: “Nếu điều này trở thành một sự thay đổi hời hợt và không thực sự cứu được nạn nhân, thì nó sẽ tàn phá con người”.

Megumi nói rằng họ sẽ xem xét việc báo cảnh sát về vụ tấn công nếu luật thay đổi - nhưng không phải ngay lập tức.

"Tôi gần như đã thành công trong việc giải quyết cảm xúc của mình rồi. Tôi nghĩ thật khó để đặt mình vào vị trí nghiêm túc của 'con chim cánh cụt đầu tiên'," họ nói, sử dụng một thuật ngữ tiếng Nhật cho người tiên phong dấn thân vào một điều gì đó mới mẻ.

Thay vào đó, Megumi, người được xác định là linh hoạt về giới tính, đang tập trung vào chiến dịch vận động cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và quyền của nhóm thiểu số tính dục, đồng thời hy vọng thành lập một công ty luật để giúp đỡ những nhóm này.

"Tôi cảm thấy nhẹ lòng vì bây giờ tôi đã nhìn thấy một số tia hy vọng. Nhiều người bắt đầu nhận ra rằng tình trạng hiện tại của chúng ta đang bị bóp méo và sai lầm.

"Tôi tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi nhanh hơn và đáng kể hơn chúng ta nghĩ, nếu mọi người cùng tham gia và làm việc với nhau. Thông điệp của tôi [gửi tới mọi người] là: 'Nếu bạn nghĩ điều gì đó không ổn, hãy cùng nhau thay đổi nó.'"

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.