Group News: Tin copy

Lũ trên sông Hồng lên cao nhất 16 năm qua đã khiến một số khu vực dân cư ở một số quận trung tâm Hà Nội ngập sâu hôm 10 Tháng Chín, và cứ mỗi giờ mực nước sông Hồng chảy qua Hà Nội cao thêm 10 cm.

Vụ thí sinh Olympia bị 'đấu tố': yêu nước là phải yêu Đảng?

Trước tình hình trên, giới hữu trách Hà Nội lệnh báo động lũ trên sông Hồng tại 10 quận huyện, đồng thời hạn chế xe vận tải qua cầu Chương Dương, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên.

Mực nước sông Hồng tiếp tục dâng cao, đoạn qua cầu Chương Dương và cầu Long Biên. Nước tràn qua khu vực bãi bồi, uy hiếp khu dân cư ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. (Hình: VNExpress)

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại xóm dân cư ven sông Hồng thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nước lũ dâng cao, nhấn chìm công viên, bãi gửi xe, sân đền… dọc sông Hồng.

Rạng sáng 10 Tháng Chín, nhiều khu dân cư ở quận Ba Đình, Tây Hồ,… cũng bị ngập sâu.

Trong khi đó, những ngày qua hàng ngàn người dân ở huyện Chương Mỹ phải sống chung với nước lũ khi mưa lớn khiến nước sông Bùi dâng cao, tràn qua đê nhấn chìm nhà cửa, tài sản. Nhiều tuyến đường liên thôn, xã… đang chìm trong nước, nhiều nơi nước ngập tới mái nhà.

“Lần trước phải mất gần 20 ngày nước lũ mới rút, lần này nước lũ nặng hơn, ngập sâu hơn nên có thể hơn một tháng nước lũ mới rút hết hẳn. Một năm hai lần như thế này thì người dân chúng tôi còn làm ăn gì được nữa,” anh Nguyễn Trung Kiên ở xã Nam Phương Tiến, xót xa nói với báo Lao Động.

Ông Nguyễn Văn Phong, phó bí thư Thành Ủy Hà Nội, cho biết đây là đợt nước lũ sông Hồng lên cao nhất kể từ năm 2008.

“Diễn biến thời tiết cực kỳ bất thường, do vậy phải đặt ra tình huống ngập lụt cao hơn với thực tế để lên phương án di dời dân,” ông Phong nói.

Hà Nội là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng khi bão Yagi quét qua. Từ hôm 6 đến 8 Tháng Chín, thành phố ghi nhận ba người chết, 10 người bị thương; hàng ngàn hécta lúa, hoa màu bị đổ, ngập nước, hơn 17,000 cây xanh gãy đổ…

Theo dữ liệu của Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, lúc 12 giờ trưa 10 Tháng Chín, mực nước sông Thao (còn gọi là sông Hồng) qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái đang xuống, nhưng vẫn trên báo động ba – mức nguy hiểm nhất. Trong khi đó, lũ sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ đang lên.

Mưa lớn khiến miền Bắc xuất hiện một đợt lũ kéo dài đến 11 Tháng Chín. Đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2-3.

Theo phúc trình của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Yên Bái, tính đến sáng 10 Tháng Chín, cả tỉnh có 28 người chết và mất tích do mưa lũ “vượt mức lũ lịch sử năm 1968.” Trong đó, 22 người chết do sạt lở đất.

Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, chìm trong “trận lụt lịch sử.” (Hình: Nguyễn Phương/Tuổi Trẻ)

Mưa lũ cũng làm hơn 10,000 ngồi nhà bị ngập nước, trong đó hơn 7,900 nhà ở thành phố Yên Bái. Hiện thành phố Yên Bái và nhiều huyện trong tỉnh vẫn chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập không thể liên lạc, giao thông chia cắt.

Báo VNExpress cho hay hàng ngàn trường học ở các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai phải cho học sinh nghỉ học, có trường không liên lạc được. Một số trường ở tỉnh Phú Thọ cũng đóng của do lo ngại mất an toàn.

Đến trưa 10 Tháng Chín, bão Yagi (bão số 3) và mưa hoàn lưu sau bão đã gây ra lũ lụt, sạt lở đất “chưa từng có” ở miền Bắc, làm 82 người chết, 64 người mất tích, gần 800 người bị thương và gần 50,000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại về kinh tế vô cùng nặng nề chưa thể thống kê.

Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết hiện hoàn lưu của bão Yagi còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11 Tháng Chín cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc. 

Theo Tr.N/NVO


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.