Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh khối này cần tập trung tiêm chủng, xét nghiệm có mục tiêu và không buông lỏng giám sát dịch khi chuyển sang giai đoạn mới.
Hôm 27-4, EU (gồm 27 nước) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 sau khi áp lực với các bệnh viện đã giảm và nhiều nước thành viên dỡ bỏ hạn chế phòng dịch.
"Quản lý bền vững"
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, khi chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang quản lý bền vững hơn dịch COVID-19", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói.
Trong hơn hai năm qua, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người EU, gây quá tải hệ thống y tế, buộc nhiều chính phủ phải hạn chế đi lại, đồng thời triển khai nhiều nỗ lực nghiên cứu và hậu cần quy mô lớn để mau chóng phủ vắc xin.
Trong tài liệu phác thảo chiến lược giai đoạn mới, EU kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người chưa tiêm, nhất là trẻ em trước học kỳ mới vào mùa thu, và tiêm mũi tăng cường.
Họ kêu gọi các nước áp dụng càng sớm càng tốt các hệ thống giám sát tích hợp quanh năm đối với các bệnh hô hấp cấp tính (gồm COVID-19, cúm và các bệnh khác). Theo họ, cần đẩy mạnh giám sát các biến thể mới và phòng dịch tái bùng phát.
Tài liệu cũng nói EU "cân nhắc hỗ trợ các dự án nhằm mục tiêu phát triển thuốc kháng virus" và phát triển thế hệ vắc xin mới với kỳ vọng giúp bảo vệ tốt và lâu dài hơn.
Về dài hạn, EC đã vạch ra một số kịch bản diễn biến dịch. Nếu tốt đẹp nhất, COVID-19 sẽ trở nên dễ quản lý, nhưng trong kịch bản u ám, sẽ có những "mùa đông bất trị", các bệnh viện quá tải thường xuyên hoặc xuất hiện biến thể mới có thể buộc phải áp dụng lại những hạn chế.
Vẫn cảnh giác với COVID-19
Tuy nhiên, cách tiếp cận "bền vững hơn" với COVID-19 không có nghĩa các nước thành viên EU mất cảnh giác với dịch.
Bà Ursula von der Leyen lưu ý: "Chúng ta vẫn phải cảnh giác. Số ca nhiễm còn cao ở EU và vẫn nhiều người đang chết vì COVID-19 trên khắp thế giới. Hơn nữa, các biến thể mới có thể xuất hiện và lây lan nhanh chóng".
Tuyên bố này tương tự với cảnh báo được Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra vào hôm 26-4. Ông Tedros kêu gọi các nước duy trì giám sát ca nhiễm và cảnh báo việc giảm xét nghiệm có thể khiến thế giới "mù mờ" trước sự tiến hóa của virus và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.
Một số nước thành viên EU đã coi COVID-19 là "bệnh đặc hữu". Hồi tháng 1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói COVID-19 nên được coi như bệnh cúm. Thụy Điển đã dừng xét nghiệm diện rộng và dỡ bỏ hạn chế vào tháng 2, Ý chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào hôm 31-3.
Đến nay, hơn 2/3 dân số trưởng thành EU đã tiêm vắc xin, nhưng một số nước vẫn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, dân số của họ vẫn dễ bị tổn thương. Chẳng hạn trong khi 70% dân số Malta đã tiêm mũi tăng cường thì ở Bulgaria chỉ là 10%.
Ngoài ra, bà Stella Kyriakides (ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề y tế) cho biết khoảng 60-80% dân số EU đã mắc COVID-19 và khoảng 10% bị các triệu chứng kéo dài. "Điều này cần phải được đánh giá rất nghiêm túc", bà Kyriakides nói trước báo giới.
Mỹ "thoát khỏi giai đoạn đại dịch"
Trong khi đó, tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho biết nước này "giờ đây chắc chắn đã thoát khỏi giai đoạn đại dịch".
Ông cho rằng Mỹ đang trong "giai đoạn chuyển tiếp" khi mọi người có thể nối lại một số hoạt động xã hội, kinh tế… mà không bị xáo trộn như trước.
Ông Fauci giải thích trên Đài PBS: "Nước Mỹ không còn ghi nhận 900.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, hàng chục ngàn ca nhập viện và hàng ngàn ca tử vong.
Hiện tại, các số liệu đang ở mức thấp. Vì vậy, chúng ta đã thoát khỏi giai đoạn đại dịch". Nhưng ông vẫn kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế và đi tiêm vắc xin.
Comments powered by CComment