Putin dùng từ "mỹ nhân của tôi" khi nhắc đến Tổng thống Ukraine trong họp báo, còn Zelensky cho rằng cách dùng từ của lãnh đạo Nga "hơi quá lời".
- Ông Putin không hứa tránh tập trận gần Ukraina
- Macron gặp Putin, dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao của châu Âu nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine
- Putin cáo buộc Mỹ tìm cách dẫn dụ Nga vào chiến tranh
Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm qua, một số phóng viên Nga đề nghị người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận về tuyên bố gây xôn xao mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra sau cuộc gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Moskva hôm 7/2, đề cập đến vai trò của Ukraine trong thỏa thuận hòa bình Minsk.
"Tổng thống đương nhiệm Ukraine gần đây tuyên bố ông ấy không thích bất cứ điểm nào trong các thỏa thuận hòa bình Minsk", Putin nói trong cuộc họp báo chung với Macron. "'Dù thích hay không, đó vẫn là nhiệm vụ của bạn, thưa mỹ nhân của tôi'. Thỏa thuận phải được thực thi đầy đủ, nếu không sẽ không có tác dụng".
Putin tiếp tục nhấn mạnh rằng thỏa thuận hòa bình Minsk, được Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký năm 2014 và 2015 nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine, vẫn còn giá trị và "không có sự thay thế nào khác".
"Ý của Tổng thống Putin là khi nguyên thủ quốc gia ký vào một thỏa thuận, các cam kết đó phải được thực thi", Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin trả lời khi phóng viên hỏi rằng bình luận của Putin liệu có phải là "hàm ý về giới tính" đối với Tổng thống Ukraine hay không.
Nathan Hodge, bình luận viên của CNN, cho rằng dù hàm ý của Putin là gì, cách sử dụng từ "mỹ nhân" của Putin thể hiện thái độ lấn át với Ukraine, quốc gia láng giềng của Nga đang có xu hướng ngày càng nghiêng về phương Tây.
Khi được hỏi về phát biểu của Putin, Tổng thống Ukraine Zelensky nói "tất nhiên có một số điều chúng tôi không thể tranh cãi với Tổng thống Nga".
"Ukraine là một mỹ nhân. Nhưng cụm từ 'của tôi' thì đáng lo ngại, ông ấy hơi quá lời rồi", Zelensky cho hay. "Tôi nghĩ Ukraine rất kiên nhẫn, bởi đó là điều khôn ngoan. Điều đó quan trọng không chỉ với Ukraine, mà còn với toàn châu Âu".
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn hơn 100.000 quân sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Moskva nhiều lần bác bỏ và khẳng định mọi động thái đều nhằm mục đích tự vệ, đồng thời yêu cầu phương Tây đáp ứng một loạt yêu cầu an ninh.
Tổng thống Macron là quan chức cấp cao nhất của phương Tây đến thăm Moskva kể từ khi Nga triển khai lực lượng gần biên giới Ukraine. Sau cuộc hội đàm, giới chức Pháp nói rằng Nga đã cam kết sẽ không để quân đội đồn trú lâu dài ở Belarus sau khi hoàn thành tập trận trong tháng này, đồng thời không có động thái điều động quân đội gần Ukraine trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Điện Kremlin sau đó bác bỏ tuyên bố của phía Pháp, khẳng định Moskva và Paris không thể đạt được thỏa thuận trong tình hình hiện nay. Nga cho rằng chỉ có Mỹ, nước dẫn dắt NATO, mới có thể đàm phán một thỏa thuận như vậy.
Comments powered by CComment