Khoảng 2,3 tỷ USD và euro tiền mặt đã được vận chuyển đến Nga kể từ khi Mỹ và EU cấm xuất khẩu tiền giấy của họ sang nước này vào tháng 3/2022 sau khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, theo dữ liệu hải quan mà Reuters thu thập được.
Hàng tỷ USD và euro tiền mặt đến Nga bất chấp lệnh trừng phạt
Những con số chưa từng được công bố trước đây cho thấy Nga đã tìm cách lách lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu tiền mặt, đồng thời cho thấy đô la và euro vẫn là công cụ hữu ích cho thương mại và du lịch ngay cả khi Moscow nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ mạnh.
Dữ liệu hải quan, thu được từ một nhà cung cấp dịch vụ thu thập, ghi chép và tổng hợp dữ liệu hải quan, cho thấy tiền mặt được vận chuyển đến Nga từ các quốc gia bao gồm UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước chưa áp đặt hạn chế đối với thương mại với Nga.
Quốc gia xuất khẩu hơn một nửa tổng số tiền mặt đến Nga không được nêu trong hồ sơ.
Chính phủ Mỹ vào tháng 12/2023 đã đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách lệnh trừng phạt và đã áp lệnh trừng phạt những công ty từ các nước thứ ba trong suốt năm 2023 và 2024.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng đô la Mỹ trở thành loại ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất ở thủ đô Moscow cho dù vẫn tồn tại các vấn đề trong giao dịch thanh toán.
Dmitry Polevoy, trưởng bộ phận đầu tư tại Astra Asset Management ở Nga, cho biết nhiều người Nga vẫn muốn giữ tiền mặt ngoại tệ để đi du lịch nước ngoài, nhập khẩu nhỏ lẻ, và tiết kiệm.
"Đối với người dân, đô la vẫn là loại tiền tệ an toàn," ông nói với Reuters.
Ngân hàng Trung ương Nga và Cơ quan Quản lý Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.
Nga bắt đầu gắn nhãn đồng đô la và euro là "độc hại" vào năm 2022 khi các lệnh trừng phạt toàn diện đã làm giảm quyền tiếp cận của nước này với hệ thống tài chính toàn cầu, gây cản trở thanh toán và thương mại. Khoảng 300 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở châu Âu đã bị đóng băng.
Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết họ không thể bình luận về từng trường hợp bị áp lệnh trừng phạt. Người này thông tin rằng Liên minh châu Âu sẽ tiếp xúc với các quốc gia thứ ba khi họ nghi ngờ có việc lách lệnh trừng phạt.
Hồ sơ hải quan bao gồm dữ liệu từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2023 và Reuters chưa thể truy cập dữ liệu gần đây hơn.
Các tài liệu cho thấy nhập khẩu tiền mặt vào Nga tăng vọt ngay trước cuộc xâm lược. Từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, 18,9 tỷ USD và euro tiền giấy đã được nhập vào Nga, trong khi con số này chỉ là 17 triệu USD trong bốn tháng trước đó.
Daniel Pickard, Trưởng nhóm Thực hành Thương mại Quốc tế & An ninh Quốc gia tại công ty luật Buchanan Ingersoll & Rooney (Mỹ), cho biết sự tăng vọt loại hàng hóa này trước cuộc xâm lược cho thấy một số người Nga muốn tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra.
"Trong khi Mỹ và các đồng minh nhận ra được tầm quan trọng của hành động tập thể trong việc tối đa hóa hậu quả kinh tế, thì Nga cũng đã học cách tránh và giảm thiểu những hậu quả đó," ông Pickard nói, đồng thời nhận định rằng các dữ liệu này chắc chắn không phản ánh đầy đủ dòng chảy tiền tệ thực tế.
Đầu ra hạn chế
Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng hạn chế người dân rút tiền mặt ngoại tệ sau khi nước này tiến hành xâm lược Ukraine, để hỗ trợ đồng rúp khi đó đang suy yếu.
Theo dữ liệu, chỉ có 98 triệu USD và euro tiền giấy ra khỏi Nga từ tháng 2/2022 đến cuối năm 2023.
Ngược lại, dòng ngoại tệ chảy vào cao hơn nhiều. Người khai báo ngoại tệ lớn nhất là một công ty ít được biết đến, Aero-Trade, chuyên cung cấp dịch vụ mua sắm miễn thuế tại các sân bay và trên các chuyến bay. Công ty này đã khai báo khoảng 1,5 tỷ USD tiền mặt trong thời gian đó.
Aero-Trade đã đăng ký 73 lô hàng, mỗi lô trị giá 20 triệu USD hoặc euro.
Tất cả đều được thông quan tại sân bay Domodedovo ở Moscow, một sân bay quốc tế gần trụ sở của công ty. Các lô hàng được mô tả trong tờ khai hải quan là giao dịch ngoại tệ hoặc doanh thu từ hoạt động thương mại trên máy bay.
Trong hầu hết các trường hợp, Aero-Trade chỉ được liệt kê là đơn vị khai báo, tức là đơn vị làm công việc chuẩn bị và nộp chứng từ hải quan. Reuters không thể xác định được khách hàng của Aero-Trade và nguồn gốc hoặc điểm đến của số tiền mặt này.
Chủ sở hữu của Aero-Trade, Artem Martynyuk, nói với Reuters rằng ông nghi ngờ tính xác thực của các hồ sơ hải quan. Ông từ chối bình luận thêm. Công ty cũng tuyên bố rằng "Aero-Trade không tham gia vào việc cung cấp ngoại tệ cho Nga".
Theo các hồ sơ hải quan, một lô hàng trị giá 20 triệu euro do Aero-Trade xử lý đã được Yves Rocher Vostok nhập khẩu vào tháng 2/2023.
Đây là công ty con của tập đoàn mỹ phẩm Pháp Yves Rocher và vẫn có hàng chục cửa hàng hoạt động tại Nga. Không có quốc gia xuất xứ hoặc tên nhà cung cấp nào được liệt kê trong dữ liệu.
Groupe Rocher, công ty mẹ tại Pháp, cho biết cả tập đoàn và Yves Rocher Vostok đều không có bất kỳ mối liên hệ nào với Aero-Trade hoặc yêu cầu chuyển khoản nào như vậy.
"Yves Rocher Vostok, cũng như tất cả các đơn vị của Groupe Rocher, tuân thủ pháp luật," một người phát ngôn của tập đoàn nói.
"Công ty chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cố gắng lách lệnh trừng phạt đối với nhập khẩu tiền giấy đô la và euro vào Nga," người này nói thêm.
Vàng, vũ khí và ngân hàng
Theo hồ sơ hải quan và một nguồn tin quen thuộc với các giao dịch, các ngân hàng đã nhập khẩu hơn một phần tư số tiền mặt 2,27 tỷ USD, phần lớn là để thanh toán cho kim loại quý.
Một số ngân hàng Nga đã nhận được số tiền mặt trị giá 580 triệu USD từ nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2023 và xuất khẩu số lượng kim loại quý tương đương. Hồ sơ cho thấy trong nhiều trường hợp, các lô hàng vàng hoặc bạc đã được chuyển đến các công ty cung cấp tiền mặt.
Ví dụ, ngân hàng Vitabank của Nga đã nhập khẩu 64,8 triệu USD tiền giấy từ công ty giao dịch vàng Thổ Nhĩ Kỳ Demas Kuyumculuk vào năm 2022 và 2023. Trong cùng thời gian, Vitabank đã xuất khẩu vàng và bạc trị giá 59,5 triệu USD cho công ty Thổ Nhĩ Kỳ này.
Một nguồn tin quen thuộc với hoạt động của Demas xác nhận với Reuters rằng công ty này đã tham gia vào một loạt các giao dịch tiền mặt lấy vàng liên quan đến Vitabank và hai ngân hàng Nga khác từ tháng 3/2022 đến tháng 9/2023.
Người này cho biết việc giao tiền mặt từ UAE đến Nga là giải pháp duy nhất mà Demas tìm thấy để hoàn thành các hợp đồng dài hạn được ký kết trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực với các nhà cung cấp vàng của Nga, đồng thời vẫn tuân thủ các quy định của Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế liên quan đến thanh toán xuyên biên giới.
Với các lệnh trừng phạt loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính phương Tây, việc thanh toán hóa đơn bằng cách chuyển khoản thông thường không còn khả thi, người này cho biết.
Người này cho rằng việc hủy bỏ các thỏa thuận hiện có sẽ khiến Demas phải chịu hình phạt tài chính và nguy cơ tổn hại uy tín.
Người này nói thêm rằng công ty giao dịch vàng Thổ Nhĩ Kỳ này chưa bao giờ giao dịch với các cơ quan, tổ chức đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, và tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình quốc gia và quốc tế.
Vào quý ba năm ngoái, khi tất cả các hợp đồng trước chiến tranh với các công ty Nga đã hoàn thành, Demas đã chấm dứt các giao dịch hai chiều, người này thông tin.
Vitabank, UAE và văn phòng truyền thông của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.
Theo các tài liệu, nằm trong số các nhà nhập khẩu tiền mặt lớn khác còn có các công ty do Rostec, tập đoàn quân sự-công nghiệp nhà nước, kiểm soát.
Rostec, công ty của Nga đã bị Mỹ áp các lệnh trừng phạt kể từ năm 2014, không trả lời các câu hỏi của Reuters về các khoản thanh toán tiền mặt mà họ nhận được.
Theo BBC
Comments powered by CComment