3 ngân hàng kiện công ty thuộc PVN đòi nợ 1.371 tỷ đồng

Thanh Niên: PVCombank, OceanBank và Vietcombank đã gửi đơn kiện lên tòa án đòi khoản nợ gốc và lãi vay 1.371 tỉ đồng đối với một công ty là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), liên quan đến nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.
Công ty Kiểm toán Deloitte vừa có ý kiến đáng chú ý đối với Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). BSR là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn UPCOM kể từ ngày 1/3/2018.

BSR có 2 công ty con gồm: Công ty CP Nhà và thương mại dầu khí và Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF).

Năm 2009, PVN giao cho BSR và BSR giao cho BSR-BF làm chủ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất. Dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 9/2009, công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD (gần 1.900 tỉ đồng). Tháng 3/2012, nhà máy cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, kể từ tháng 4.2015, nhà máy tạm dừng hoạt động do sản phẩm làm ra bán quá chậm, chi phí sản xuất lại tăng dẫn đến thua lỗ.

Dự án này cũng nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương. Theo báo cáo tài tài chính năm 2021 của BSR, hiện BSR nắm giữ 65,54% vốn của BSR-BF, công ty này thực hiện dự án Bio-Ethanol Dung Quất nhưng hiện đã tạm dừng hoạt động sản xuất.

Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng. Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tại ngày 31/12/2021, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330 tỉ đồng, lỗ lũy kế của BSR-BF là 1.243 tỉ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 926 tỉ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Trong khi đó, báo cáo kiểm toán của Deloitte đặc biệt nhấn mạnh khoản vay của nhà máy này liên quan tới 3 ngân hàng. Cụ thể, trong năm 2021, 3 ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF gồm: Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gửi đơn kiện lên TAND TP.Quảng Ngãi. Vụ việc có liên quan đến khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay là khoảng 1.371 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2021, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.217 tỉ đồng.

Đến ngày lập báo cáo này, TAND TP. Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử khởi kiện trên.

80% tàu đóng mới theo nghị định 67 tại Quảng Ngãi đánh bắt không hiệu quả

Tuổi Trẻ – Ngày 19/3, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết khoảng 80% tàu cá đóng mới từ vốn vay ưu đãi theo nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Hiện có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, năm 2014 nghị định 67 được áp dụng với mong muốn hiện đại hóa đội tàu cá, phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Các năm sau đó, 62 tàu (11 tàu vỏ thép, 51 tàu vỏ gỗ) lần lượt hạ thủy đánh bắt. Tuy nhiên các tàu lần lượt thua lỗ, nhiều tàu đành phải nằm bờ vì chủ tàu không còn khả năng tiếp tục ra khơi.

Theo TTXVN, điển hình là tàu cá vỏ thép QNg 909.99 của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hạ thủy năm 2016 hoạt động được một thời gian ngắn, đến tháng 3/2018 ông Hân cho tàu neo bờ vì đánh bắt không hiệu quả, máy móc liên tục hư hỏng…

Hiện tại, tàu cá QNg 909.99 được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đấu giá không thành công khi hết thời hạn mà không có người đăng ký tham gia đấu giá 

Ông Hân chia sẻ, việc vay vốn đóng mới tàu vỏ thép là một sai lầm. Bởi từ khi hạ thủy tàu chỉ khai thác tạm gọi là có hiệu quả được một năm.

Những năm sau đó, tàu gặp nhiều trục trặc, máy móc hư hỏng, nhất là bộ phận thủy lực, nhiều lúc tự sửa để ra khơi mong “gỡ gạc” nhưng càng ra khơi càng lỗ.

“Tháng 3/2018, tàu phải nằm bờ vì tôi không còn khả năng để mua ngư cụ, sửa chữa tàu để ra khơi. Số tiền hơn 13 tỷ vay đóng tàu, gia đình cũng không biết làm sao trả. Giờ ngân hàng họ kiện ra tòa, quá khổ” – ông Hân nói.

Còn phía nhà chức trách lại lí giải rằng: là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, việc giá nhiên liệu “leo thang”, giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu buộc phải cho tàu dừng hoạt động.

Xoay quanh vấn đề Nghị định 67 của Chính phủ khuyến khích ngư dân đóng tàu cá vỏ thép ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà Nẵng đánh giá.

Nghị định 67 ra đời có ý đồ rất tốt là tạo cho ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ thép và những loại tàu có công suất lớn… vươn khơi. Tuy nhiên, Nghị định tốt, nhưng chủ trương đóng tàu cá vỏ thép đưa ra khá vội vàng vì chưa được tham khảo ý kiến ngư dân, lại có những áp đặt nhất định của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí có sự áp đặt mang ý đồ riêng để phát triển một ngành, một bộ phận của nhà nước… mà chưa thực sự nghĩ đến ngư dân. 

Giá bất động sản vẫn tăng mạnh

NLĐ – Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (BĐS) – Bộ Xây dựng, cho rằng hiện nay, tình trạng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ “bong bóng” BĐS là khó xảy ra.

Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng “sốt giá” BĐS trong năm 2022. Đặc biệt, khi nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng.

Theo số liệu thống kê từ batdongsan.com.vn, đa phần các dự án chung cư dự kiến được bàn giao trong năm 2022 đều có giá bán khá cao (từ 30 triệu đồng/m2 trở lên), hướng đến nhóm khách hàng trung, cao cấp. Đối với đất nền, theo khảo sát của phóng viên, ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, có những khu vực giá đất tăng 50% so với cách đây 5 tháng.

Bộ Xây dựng cho biết năm 2019, cả nước có 82.604 giao dịch BĐS thành công; năm 2020 có 115.420 và năm 2021 có 282.105 giao dịch thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640; lượng giao dịch đất nền là 170.465. Tổng giá trị giao dịch BĐS cả nước là 30 tỉ USD/năm.

Nhận định về giá nhà ở năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng giá căn hộ sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người có nhu cầu mua ở.

Cua biển ở Cà Mau chết bất thường trên diện rộng

NLĐ – Ngày 21/3, ông Lê Văn Ngời, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, xác định nguyên nhân cua biển của người dân nuôi bị chết.

Tình trạng cua biển nuôi của người dân tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển xảy ra chết bất thường với mức độ thiệt hại từ 30 -100%.

Theo phản ánh của một số hộ nuôi, trước đó cua phát triển bình thường, nhưng khoảng 1 tháng gần đây thì xảy ra tình trạng cua chết không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, nhiều con cua bị chết sau khi bắt lên khỏi mặt nước khoảng 20 phút.

Cua biển Cà Mau được xem là cua ngon nhất miền Tây bởi chất lượng thịt thơm ngon khó có nơi nào sánh bằng.

TH