Hôm 4/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Úc dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm hai đô la Úc có in hình cờ vàng ba sọc do Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam "lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối" hành động của Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc.
Theo bà Hằng, Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc "đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh "cờ vàng", cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Úc".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho thông tin rằng đã trao đổi với phía Úc và đề nghị "có hình thức dừng lưu hành các vật phẩm này và không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai".
Dù phản đối mạnh mẽ nhưng phó phát ngôn của Bộ Ngoại giao không gọi đích danh "chế độ đã không còn tồn tại" đó là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Báo nước ngoài như BBC News và Bloomberg cũng đưa tin về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối đồng xu 2 đô la Úc vì có quốc kỳ VNCH - quốc gia chấm dứt tồn tại năm 1975.
'Phản ứng thái quá'
Nói với BBC News Tiếng Việt ngày 5/5, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales (Úc) cho rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam "phản ứng thái quá", nhất là khi nói có đe doạ về quan hệ ngoại giao.
"Trong mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Úc, Úc giúp rất nhiều cho Việt Nam hơn là ngược lại. Việc Bưu chính Úc in cờ hay biểu tượng VNCH trên đồng xu của Úc là chuyện nội bộ trong lễ ANZAC - lễ tưởng niệm những binh sĩ Úc, Tân Tây Lan đã hi sinh trong các cuộc chiến).
"Úc từng là đồng minh của VNCH và đã có 500 binh sĩ Úc hi sinh trong cuộc chiến 1962-1972 ở Việt Nam, nên việc ghi nhận sự hi sinh đó trong ngày lễ ANZAC năm nay, 2023 là có thể hiểu được.
"Nên nhớ rằng các cựu chiến binh VNCH vẫn có quyền hưởng trợ cấp của Chánh phủ Úc y như cựu chiến binh Úc, do đó việc vài chánh phủ địa phương ở Úc công nhận lá cờ VNCH như là một biểu tượng cộng đồng là bình thường. Lá cờ đó không đại diện cho quốc gia nào hiện nay mà chỉ là một biểu tượng của cộng đồng người Việt tại Úc," Giáo sư Tuấn phân giải.
Bên Royal Australian Mint trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 5/5:
“Vào ngày 6 tháng 4 năm 2023, Xưởng đúc tiền Hoàng gia Úc đã phát hành một đồng xu sưu tập phiên bản giới hạn để kỷ niệm 50 năm ngày Úc kết thúc tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
“Thiết kế của đồng xu phản ánh màu sắc của các dải huy chương nghĩa vụ được trao cho những người Úc từng phục vụ tại Việt Nam, bao gồm huy chương Nghĩa vụ Việt Nam, được giới thiệu vào năm 1968.”
Công ty này cũng nói chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa là cờ của một quốc gia.
Bộ đồng xu 2 đô la Úc trên có hai loại. Phiên bản giới hạn gồm 5.000 bộ, được mạ vàng và bán với giá 80 đô la Úc. Phiên bản thường có 80.000 bộ mạ bạc, giá 15 đô la Úc.
Cả hai loại đồng xu đều có in dòng chữ "Chiến tranh Việt Nam" trên bề mặt và hình ảnh chiếc trực thăng UH-1 và trong dải cuống huy bao quanh chiếc trực thăng UH-1 có hình cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa. Mặt còn lại là chân dung của cố Nữ Hoàng Anh Elizabeth II.
Theo tìm hiểu của BBC, trước đó năm 2016, công ty Royal Australia Mint cũng đã đồng 50 cent với cờ vàng ba sọc đỏ. Một người sưu tầm đồng xu từ Úc nói với BBC rằng, sở dĩ đồng xu 2 đô la Úc đợt này nổi rầm rộ vì nó được phát hành số lượng có hạn nên nó trở nên hiếm.
Đồng tiền này sau đó đã được bán sạch và những người nhanh tay mua được rao bán lại với giá tầm 1.200 - 2.300 đô la Úc/bộ.
"Tôi có bạn ở Mỹ cũng nhờ mua nhưng hỏi ra đã hết sạch. Tôi là người sưu tầm nên thường sẽ có mối để mua nhưng năm nay không thấy ai gọi. Đối với tôi đồng tiền này mang tính kỷ niệm vì lá cờ VNCH được công nhận ở Úc như một di sản, là cờ của người Việt tị nạn nên dù mua được, tôi sẽ không bán cho ai," một người Úc gốc Việt giấu tên nói với BBC.
Người này cũng cho rằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam không cần thiết phải yêu cầu "dừng lưu hành" vì vốn dĩ đây chỉ là đồng xu sưu tầm và hiện đã "cháy hàng", có muốn mua cũng không được.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, đối với tất cả các ‘thuyền nhân’ đi tìm bến bờ tự do thời thập niên 1970-1990, lá cờ VNCH là một kỉ niệm "rất sâu sắc".
"Thời đó, các ghe thuyền vượt biển thường giương cờ VNCH như để nói rằng họ là người xuất phát từ miền Nam Việt Nam. Lá cờ đó đã giúp cho hàng triệu ‘thuyền nhân’ được cứu vớt và đi định cư ở nước ngoài," GS Tuấn hồi tưởng.
Bà Janice Lê, người Úc gốc Việt nói với BBC rằng, lá cờ vàng VNCH là biểu tượng "duy nhất thực sự đại diện cho quê hương" của cộng đồng người Việt tại Úc, khi phải rời bỏ quê hương sau khi Sài Gòn sụp đổ.
"Cờ vàng được tất cả các tiểu bang, vùng lãnh thổ và chính phủ liên bang Úc chấp nhận và công nhận (như một di sản - PV). Đó là sự thật mà chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ phải chấp nhận. Thật vô lý và không thể chấp nhận được khi Việt Nam gây sức ép buộc chính phủ hay cộng đồng Úc phải chấp nhận điều ngược lại.
Chia rẽ
Những câu chuyện liên quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa vẫn gây tranh luận trong người Việt.
Một nhà báo là thư ký tòa soạn kỳ cựu ở TP HCM từng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng, tòa soạn của ông từng bị Bộ Thông tin và Truyền thông khiển trách do "để lọt" hình ảnh cờ vàng.
Theo lời ông, khi đưa tin, hình ảnh, video về bà con Việt kiều ở Mỹ, dù không liên quan đến VNCH, ví dụ như bầu cử Mỹ năm 2020, thì phải rất "căng não" vì "để lọt là rất phiền"
Trong cuốn hồi ký về Việt Nam của cựu Đại sứ mỹ Ted Osius có tựa đề Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam (Không gì là không thể: Hòa giải của Mỹ với Việt Nam), ông có nhắc câu chuyện về lá cờ vàng.
Ông Osius ghi rằng, lá cờ đỏ sao vàng bay khắp Việt Nam ngày hôm nay như là biểu tượng của tinh thần dân tộc ái quốc, đóng một vai trò quan trọng trong hòa giải, nhưng lá cờ vàng cũ của Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy.
Cựu đại sứ viết trong hồi ký "đã có những nỗ lực" để treo cờ vàng tại Nghĩa trang Biên Hòa - địa điểm chôn cất chủ yếu của lính miền Nam: "Những người đàn ông và phụ nữ được chôn cất ở đấy đã mất đi tính mạng khi đang chiến đấu cho đất nước có biểu tượng là lá cờ vàng".
"Tôi đã hỏi các quan chức Hà Nội liệu có thể thể hiện sự tôn trọng lá cờ vàng như là một biểu tượng mang tính di sản hay không. Nhiều người coi ý tưởng đó là chọc tức, nếu không muốn nói là đe dọa. Họ muốn lá cờ vàng tốt nhất nên ngừng bay vĩnh viễn. Chỉ có thời gian qua đi mới làm giảm tầm quan trọng mang tính biểu tượng của lá cờ này đối với người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại," cựu Đại sứ Mỹ viết.
Tại Dinh Thống Nhất, trước đây là Dinh Độc Lập, dưới những tán cổ thụ, người ta bắt gặp hình ảnh cờ ba sọc trên đuôi và phù hiệu Không lực VNCH trên cánh một chiến đấu cơ F-5 bị gạch chéo.
Điều tương tự cũng được thực hiện trên các hiện vật khác ở nơi đây và nhiều nơi khác.
Tháng 2/2023, Hanni Phạm, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans trở thành tâm điểm của lời kêu gọi tẩy chay của một số người, vì gia đình Hanni bị cho là "ủng hộ Việt Nam Cộng hòa".
Tháng 1/2022, Đài truyền hình VTV phát trễ đến 10 phút trận bóng đá giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Úc do lo ngại về "an ninh quốc gia". Thực tế là do cổ động viên Úc đem cờ vàng đến sân để cổ vũ nên phải cắt hình ảnh này ra.
Đầu tháng 4/2021, quán Army's Coffee and Tea khai trương trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa có quy mô khá lớn. Quán được bài trí đậm chất quân sự với nhiều vật dụng thời chiến: chiếc kệ mô phỏng thùng đạn, hình ảnh xe tăng và cả tiểu cảnh có xe bọc thép cùng binh lính như đang sắp sửa bước vào cuộc chiến. Nhân viên của quán phục trang theo phong cách nhà binh.
Các nhóm Facebook được cho là dư luận viên như Giải độc thông tin, Chống phản động… kịch liệt chỉ trích quán Army vì "gợi nhớ chế độ Ngụy quyền". nhân tiện lên án chính thể VNCH. Cuối cùng, quán này bị đình chỉ.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói ông vẫn chưa có câu trả lời vì sao chính phủ Việt Nam căm thù lá cờ vàng đến như thế, nhưng ông cho rằng, thái độ như vậy là một tín hiệu cho thấy sự hoà giải dân tộc sẽ còn "rất khó khăn".
"Tôi có lần trả lời rằng để hoà giải (tức xoá bỏ hận thù) thì điều cần làm trước hết là hoà giải với người ở trong nước. Hãy bắt đầu bằng những chánh sách đối xử tốt và công bằng với những người từng phục vụ trong thể chế VNCH trước đây, tôn trọng những người đã khuất vì lí tưởng của họ, và thay đổi những ngôn ngữ và cách diễn đạt sao cho không gây tổn thương đến cảm xúc của những người từng ở bên kia chiến tuyến.
"Hoà giải thật sự là chấp nhận những dị biệt về quan điểm chánh trị, và điều này thì có thể học từ cách cư xử của ông Hồ Chí Minh. Ngày xưa, chuyện kể rằng ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt, và ông Hồ Chí Minh tiếp ông ấy ở Hà Nội. Hai người trao đổi vài câu, và ông Hồ Chí Minh trả tự do cho ông Ngô Đình Diệm. Khi được hỏi về hành động trả tự do, ông Hồ Chí Minh nói rằng "Ông ấy yêu nước theo cách của ông ấy". Nếu ngày nay, ai cũng có cách ứng xử văn minh như thế thì hay biết mấy," GS kết luận.
Theo BBC
Comments powered by CComment