Tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở Việt Nam do nắng nóng gay gắt và hạn hán chưa từng có vào tháng 5 và tháng 6 đã gây thiệt hại đến 1,4 tỷ đô la, theo Ngân hàng Thế giới.
Miền Bắc Việt Nam đã bị mất điện liên tục và đột ngột, khiến cho hoạt động của rất nhiều nhà máy bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ hiếm khi nhận được thông báo, hoặc thậm chí không có bất kỳ thông báo trước nào.
Việt Nam hiện đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số công ty sản xuất hàng đầu trên thế giới, trong đó có Samsung và nhà cung cấp cho Apple là Foxconn, tập đoàn có nhà máy cách Hà Nội không xa.
Ngân hàng Thế giới trích dẫn một cuộc khảo sát ngành công nghiệp nhỏ và cho biết trong bản cập nhật kinh tế tháng 8 rằng với mức thâm hụt cung cầu cao nhất ước tính là 1,8 GW, các doanh nghiệp ở phía bắc đã báo cáo khoản lỗ lên tới 10% doanh thu.
“Ước tính sơ bộ về chi phí kinh tế cho sự cố mất điện từ tháng 5 đến tháng 6 là khoảng 1,4 tỷ đô la Mỹ (tương đương 0,3% GDP)”, Ngân hàng Thế giới cho biết trong báo cáo công bố hôm 10/8.
Việt Nam đã phải vật lộn với một loạt đợt nắng nóng bắt đầu từ đầu tháng 5 khi nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục, trong khi các con sông và hồ chứa tại các nhà máy thủy điện cạn kiệt.
“Cần phải có hành động kịp thời để giảm thiểu rủi ro trong tương lai đối với an ninh năng lượng và thiệt hại kinh tế”, Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị trong báo cáo.
Việt Nam vốn phụ thuộc vào thủy điện để đáp ứng gần một nửa nhu cầu năng lượng của quốc gia, trong khi nhu cầu điện đang tăng trung bình hơn 8% mỗi năm.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm 2% mức tiêu thụ năng lượng mỗi năm cho đến năm 2025, cho thấy vấn đề khó khăn về năng lượng có thể vẫn sẽ tiếp diễn.
Việt Nam cũng đưa ra một cam kết đầy tham vọng là từ bỏ năng lượng đốt than vào năm 2050 như một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo VOA
Comments powered by CComment