Stacey Ellis, một đảng viên Dân chủ lâu năm ở bang Pennsylvania, lẽ ra đã có thể là một cử tri mà Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể trông cậy.
Stacey Ellis có hai công việc nhưng vẫn cần phải tiết kiệm
Nhưng sau bốn năm, giá cả tăng cao, sự ủng hộ của cô đối với ông Biden ngày càng suy giảm. Mỗi lần đi mua sắm ở siêu thị, cô như được nhắc rằng mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn.
Ellis làm việc toàn thời gian với vai trò trợ lý y tá và cũng có một công việc bán thời gian khác.
Nhưng cô vẫn cần phải tiết kiệm. Cô phải thay đổi địa điểm mua sắm, không mua các món đồ có thương hiệu như xà phòng Dove hay bánh mì Stroehmann nữa.
Cô cũng từ bỏ luôn món sandwich yêu thích ở chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Chick-fil-A.
Kể từ ngày ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021 tới nay, giá hàng tạp hóa đã tăng đến 25%. Điều này khiến cô Ellis khổ sở và đôi khi phải dùng đến các khoản vay rủi ro trước ngày lãnh lương (vay ngắn hạn với lãi suất cao).
"Trước khi xảy ra lạm phát, tôi không có bất kỳ khoản nợ nào, tôi không có thẻ tín dụng, chưa bao giờ nộp đơn xin vay ngắn hạn hay bất kỳ điều gì tương tự. Nhưng kể từ lạm phát tăng, tôi đã phải làm tất cả những điều đó... tôi đã phải hạ thấp chất lượng sống của mình," cô nói.
Giá thực phẩm đã tăng vọt, vượt mức tăng lịch sử 20% của chi phí sinh hoạt sau đại dịch, tạo áp lực lên các hộ gia đình trên khắp nước Mỹ, gây ra sự bất mãn về kinh tế và chính trị trên diện rộng.
"Tôi là một đảng viên Dân chủ và tôi rất muốn bỏ phiếu cho họ. Nhưng trong khi Đảng Cộng hòa đang lên tiếng mạnh mẽ thì Đảng Dân chủ chỉ cất lên những lời thì thào," cô Ellis, cư dân vùng ngoại ô Norristown, thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), nói.
“Tôi muốn ai đó giúp tôi, giúp đỡ người dân Mỹ. Joe Biden, ông ở đâu?” cô nói thêm.
Đối với vị tổng thống, vốn đang phải đối mặt với những nghi vấn rằng tuổi tác và sức khỏe sẽ khiến ông khó có thể đảm đương một nhiệm kỳ khác, vấn đề chi phí sinh hoạt là một thách thức lớn.
Điều này có thể khiến số cử tri ủng hộ suy giảm ở một số bang chiến trường quan trọng, như đã xảy ra ở hai kỳ bầu cử Mỹ gần nhất.
Trên khắp nước Mỹ, người dân trung bình chi hơn 11% thu nhập cho thực phẩm, bao gồm cả việc đi ăn hàng vào năm 2023 – tỷ lệ cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1991.
Giá thực phẩm tăng vọt đã ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình trẻ, có thu nhập thấp và dân tộc thiểu số - những nhóm cử tri quan trọng đã giúp ông Biden bước vào Nhà Trắng năm 2020.
Nhưng những lo lắng về vấn đề này đang lan rộng: một cuộc khảo sát của Pew hồi đầu năm nay cho thấy 94% người Mỹ có phần lo ngại về việc giá thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng cao.
Điều này gần giống với hai năm trước, dù đợt tăng giá thực phẩm phi mã ở Mỹ và các nước khác sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine đã lắng xuống.
Dylan Garcia, một nhân viên bảo vệ 26 tuổi đến từ khu Brooklyn (New York), cho biết anh chưa bao giờ phải khổ sở để mua hàng thực phẩm như hiện nay.
Thay vì thực phẩm tươi sống và các món hàng hiệu mà anh từng thích, giờ đây anh mua mì tôm và rau củ đông lạnh - và chỉ ăn hai lần một ngày vì không đủ tiền mua thêm.
Khi thanh toán, anh thường xuyên sử dụng các chương trình "mua ngay, trả sau", để trả tiền theo từng đợt, nhưng điều này dẫn đến việc nợ nần chồng chất.
“Tôi bị mắc kẹt trong một vòng lặp. Tôi cảm thấy bất an khi rút điện thoại ra quầy tính tiền và phải dùng đến những chương trình thanh toán này. Tôi thấy xấu hổ khi họ thấy tôi sử dụng các chương trình đó,” Garcia nói.
Garcia, người từ lâu đã bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, cho biết tình hình tài chính bấp bênh đã khiến anh mất hy vọng vào chính trị và anh cũng không có kế hoạch bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
“Tôi không nghĩ chính phủ để ý tới lợi ích tốt nhất của người dân chúng tôi và tôi cũng không nghĩ họ quan tâm,” anh nói.
Nhà Trắng khẳng định ông Biden đã tham gia vào các vấn đề về giá cả thực phẩm cũng như đấu tranh để tăng phúc lợi phiếu thực phẩm và các viện trợ khác của chính phủ - những sáng kiến mà Đảng Cộng hòa phản đối.
Tại cuộc tranh luận tổng thống vào tháng trước, câu hỏi đầu tiên là về lạm phát, và ông Biden đã tìm cách đổ lỗi cho các công ty lớn, cáo buộc họ thao túng giá cả – một cáo buộc đang gây tranh cãi gay gắt giữa các nhà kinh tế học.
Nhưng bất chấp nhiều việc làm đã được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp thấp, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cử tri vẫn tiếp tục tin tưởng đối thủ của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều hơn về các vấn đề kinh tế.
Trên sân khấu tranh luận của CNN, ứng cử viên Nhà Trắng của Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho ông Biden đã gây ra lạm phát, điều mà Nhà Trắng phủ nhận. Ông Trump nói:
“Điều này đang giết chết người dân chúng ta. Họ không thể mua thực phẩm được nữa. Đơn giản là không thể.”
Ban vận động tranh cử của ông Trump đã phủ nhận việc các chính sách mà ông đề xuất - bao gồm thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ - sẽ khiến giá cả tăng cao hơn, như nhiều nhà phân tích dự báo.
"Chúng tôi tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ có tác động tiêu cực đến vị thế kinh tế của Mỹ trên thế giới và gây bất ổn cho nền kinh tế trong nước,” 16 nhà kinh tế giành giải Nobel viết trong một bức thư ngỏ vào tháng 6/2024.
Đảng Cộng hòa đã cáo buộc ông Biden cố gắng đánh lừa công chúng về mức độ của lạm phát, chỉ ra rằng ông Biden đã tuyên bố không chính xác rằng lạm phát đã ở mức 9% khi ông nhậm chức. Con số lúc đó là 1,4%.
Katie Walsh, một nghệ sĩ trang điểm ở bang Pennsylvania, đã bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2020 và cho biết cô dự định sẽ làm như vậy một lần nữa, dựa trên thành tích kinh tế mà vị cựu tổng thống đạt được.
Người phụ nữ 39 tuổi cho biết gia đình cô đã phải vất vả để chạy đua với lạm phát, đặc biệt là khi công việc kinh doanh của cô chững lại do người dân thắt lưng buộc bụng.
“Tôi biết ông ấy là một kẻ to mồm, nhưng ít nhất ông ấy cũng biết cách điều hành nền kinh tế,” cô nói về ông Trump.
Các nhà phân tích cho rằng rõ ràng nền kinh tế rất quan trọng đối với cử tri, nhưng không rõ điều này có mang tính quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 hay không.
Vào năm 2022, khi lạm phát ở mức tồi tệ nhất, Đảng Dân chủ đã làm tốt hơn mong đợi trong các cuộc bầu cử giữa kỳ vì những lo ngại về khả năng tiếp cận dịch vụ phá thai đã thúc đẩy những người ủng hộ bỏ phiếu.
Lần này, các vấn đề như nhập cư và sức khỏe của ứng viên cho vị trí tổng thống cũng là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm hàng đầu, trong khi chiều hướng kinh tế dường như đang tiến triển tốt.
Giá thực phẩm chỉ tăng 1% trong 12 tháng qua, nằm trong mức bình thường trong lịch sử; và giá một số mặt hàng như gạo, cá, táo, khoai tây và sữa thậm chí còn giảm xuống một chút.
Khi các chuỗi siêu thị lớn như Target, Amazon và Walmart tuyên bố giảm giá trong những tuần gần đây, có những dấu hiệu cho thấy tình hình có thể tiếp tục được cải thiện.
Một số nhà phân tích cũng kỳ vọng tiền lương, vốn đã tăng nhưng vẫn còn kém mức tăng giá cả, cuối cùng cũng sẽ bắt kịp trong năm nay.
“Chúng ta đang đi đúng hướng. Tiền lương đã tăng chậm lại, giá cả cũng tăng chậm lại nhưng tiền lương vẫn có tốc độ nhanh hơn," nhà báo kinh tế Sarah Foster của trang Bankrate.com nhận định.
Stephen Lemelin, một ông bố hai con 49 tuổi đến từ bang Michigan, một bang tranh cử quan trọng khác, cho biết ông rất ngạc nhiên trước mức giá thấp hơn trong một lần đi siêu thị gần đây.
Bất kể mối lo ngại của ông về nền kinh tế, cựu quân nhân này nói rằng sự ủng hộ của ông dành cho ông Biden, người mà ông đã bầu vào năm 2020, chưa bao giờ lay chuyển, vì ông coi ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ.
“Không ai thích lãi suất cao hay lạm phát cao nhưng điều đó không nằm trong tầm kiểm soát của tổng thống. Nếu bạn hiểu chính trị, thực sự chỉ có một lựa chọn duy nhất,” ông nói.
Theo BBC
Comments powered by CComment