Group News: Tin copy

Người Việt Nam dù có bôn ba khắp bốn phương trời, mỗi khi đến Tết vẫn luôn tìm và mang về nhà một chậu hoa mai hay hoa đào để nguôi nỗi nhớ quê hương. Không chỉ vậy, có người còn tìm cách trồng cả một vườn mai vàng trên đất Mỹ, như vợ chồng anh Sang Bùi ở thành phố Sarasota, tiểu bang Florida.

Tết ‘không lân, không pháo’ của cộng đồng người Việt ở New York

           Tết Nhâm Dần: Ba người Việt kể lại hành trình về quê qua ngả Campuchia

            Người Việt chen chân đi chợ hoa Phước Lộc Thọ ngày cuối tuần

Anh Sang Bùi, chủ vườn Mai Vàng Florida lớn nhất nước Mỹ. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)
 

Vườn Mai Vàng Florida của vợ chồng anh Sang Bùi có hàng chục ngàn cây mai đủ loại được nhiều người biết và tìm đến, trong đó đặc biệt là mai Việt Nam. Nó cũng còn được biết đến là vườn hoa mai lớn nhất nước Mỹ.

Chỉ vì ‘Tết về thiếu vắng một hoa Mai’

Xe dừng trước cánh cổng sắt lớn. Nhìn từ ngoài, nơi này trông như một gia trang bình yên. Mảnh đất rộng năm acres (hơn 20,000 m2) với bãi cỏ xanh rì ngay lối vào. Những chậu hoa kiểng được đặt rải rác, cách đều nhau. Chủ nhân tinh tế trồng hẳn xuống đất một cây Mai to, dáng thật đẹp, như lời chào hiếu khách từ gia chủ. Cách đó không xa là cây khế trái vàng với những cành sai quả, trĩu quặng xuống đất.

Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông mang dáng vẻ thư sinh, ngăm đen, giọng nói hiền lành, từ tốn. Nhìn anh, khó nhận đoán đây là người “nông dân” đang làm chủ một khu vườn với hơn chục ngàn cây hoa mai, loài hoa từ ngàn xưa gắn bó giữa người Việt và Tết Nguyên Đán.

“Đây là Cúc Mai, tôi còn gọi là cây Mai ‘Long’ vì nó có dáng rồng rất đẹp, mang ý nghĩa ‘con Rồng cháu Tiên,’” anh Sang tự hào chỉ vào dáng cây và giải thích khi thấy chúng tôi thích thú ngắm nhìn. Những bông hoa to, cánh hoa chắc khoẻ hướng lên trời, vàng rực, nhảy múa trong nắng nhẹ của Florida.

Hoa mai, theo anh Sang, hoa phải ngẩng lên chứ không thể “ủ rũ”. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Như phần lớn những người Việt khác, anh Sang phải tìm việc để ổn định cuộc sống trong những năm đầu đặt chân đến Mỹ. Hai năm đầu, anh làm ở hãng để có những phúc lợi xã hội. Cuộc sống dần ổn định. Năm hết Tết đến, nỗi nhớ quê ùa về. Anh bắt đầu có sự hoài niệm về những hình ảnh mà khi còn ở Việt Nam anh xem nó rất bình thường.

Hồi tưởng lại, anh Sang nói: “Tôi thấy thật sự mình thiếu vắng một cây hoa mai. Khi còn ở trong nước, tôi thấy nó rất bình thường. Khi qua quê hương thứ hai này thì thấy rất nhớ. Nhưng ở đây không có mai Việt Nam, chỉ có loại mai đến từ Africa, hoa của nó chụp xuống chứ không hướng lên.”

Hoa mai, theo anh Sang, là biểu tượng của sự may mắn đầu năm, là thời điểm bỏ năm cũ bước sang năm mới, nên hoa phải ngẩng lên chứ không thể “ủ rũ”.

Với anh, hoa mai là quốc hồn quốc tuý của dân tộc, nên từ đó, anh đã cố gắng làm nên một khu vườn toàn hoa mai Việt Nam, trước tiên là cho chính bản thân có một chậu hoa mai ngắm Tết, sau đó thì đáp ứng cho nhu cầu của bà con khắp nơi. Thế là vườn Mai Vàng Florida ra đời, đến nay là 20 năm.

Một trong hàng trăm chậu hoa Cúc Mai đã nở đón Xuân trong vườn của anh Sang Bùi. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Một nghề cực khổ, nhưng vì đam mê

Vạn sự khởi đầu nan. Câu chuyện bắt đầu từ 20 năm trước, có một người mang hạt giống hoa mai từ Việt Nam sang.

Anh Sang kể: “Họ ươm rồi trồng lên thành một cây nhỏ. Tôi mua lại rồi nhân giống từ từ. Bây giờ thì đã là một vườn mai. Cây mai đó tôi đã bán cho một người bạn ở California. Nói về tuổi thì nó đã 22 tuổi. Gốc của nó rất to.”

Thật khó tưởng tượng, trong 20 năm, chỉ từ một cây mai nhỏ để ngắm cho có hương vị Tết quê nhà, giờ đây trải qua nhiều gian truân lẫn thất bại, anh Sang đã là chủ một vườn mai với hàng chục ngàn cây mai nhiều loại khác nhau. Những “nursery” ở khắp các tiểu bang trong Hoa Kỳ là khách hàng quên thuộc của anh. Phải là một người có tình yêu thiên nhiên, rất đam mê hoa cảnh mới có thể làm được. Bởi như anh nói, “đây là một nghề rất cực khổ.”

“Cây Mai sống miền nhiệt đới. Florida này là vùng ôn đới. Những tiểu bang lạnh khác ở miền Bắc Mỹ là hàn đới. Tôi chỉ biết cây mai ở Việt Nam, qua đây là khác 100%. Thời tiết khác, nhiệt độ khác, độ ẩm khác. Tôi mất rất nhiều công sức và thời gian. Cây mai cũng nhiều lần ‘chết đi sống lại’. Cuối cùng, tôi tạo một môi trường giống y như Việt Nam để cây mai phát triển.” 

Cây Mai ‘Long’ vì nó có dáng rồng rất đẹp, mang ý nghĩa ‘con Rồng cháu Tiên”. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Từ khi ươm hạt, cho đến khi lớn thành cây, ra lá, kết hoa, những cây mai trong vườn của anh Sang giờ đây đã quen với khí hậu Florida. Anh cười và ví von: “Mai cũng như con người mình vậy. Sống đâu quen đó, thích nghi với thời tiết, khí hậu thì sẽ mạnh khoẻ.”

Con người chúng ta khi đã quen thuộc với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên thì sẽ vững vàng, trưởng thành trong tình thương yêu gắn bó. Chăm sóc một loài cây để nó ra hoa, kết nụ cũng thế, trải qua nhiều vất vả nhưng cũng nhiều ân tình.

Chỉ vào những nụ Mai đang chớm nở, anh giải thích: “Một cây mai từ lúc ươm hạt cho đến lúc nở hoa là mất bốn năm. Để một cây mai nở hoa vào đúng dịp Xuân về thì phải chăm sóc từ cuối Tháng Ba, khi trời bắt đầu vào Xuân cho đến cuối Tháng Mười Hai. Người trồng cây phải lo chất dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật cho lá mai đẹp, tạo nụ, nở hoa. Không phải cứ gần Tết thì bón phân là Mai sẽ ra hoa đẹp. Cây cũng như con người, phải có quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng.”

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Nhưng đã nói là đam mê thì bất tận. Chăm sóc một cây mai tươi tốt đã khó. Ươm giống, nuôi trồng hàng chục ngàn cây mai để ra hoa đúng dịp Xuân về là điều không dễ.

Một cây Mai từ lúc ươm hạt cho đến lúc nở hoa là mất bốn năm. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Anh nhấn mạnh thêm, “cây trồng thiên nhiên cũng giống như chim trên trời, hưởng môi trường tự do, mạnh khoẻ. Nếu nơi nào có khí hậu thích hợp, không dưới 30 độ F thì nên trồng thẳng cây xuống đất.”

Người đàn ông gốc Vĩnh Long, miền Tây Nam Bộ, cười hiền lành “thú thật” là anh không có nền tảng kiến thức nào về các loài cây trái, cây cảnh lúc ở Việt Nam.

Anh nói, “ngày xưa ở quê, chỉ là theo giúp ông bà, cha mẹ làm ruộng. Khi định cư ở Mỹ, tìm tòi học hỏi, rồi quan trọng là mình yêu nó, từ đó mình học hỏi sách báo, những người đi trước.”

Để có được kiến thức ươm trồng một cây mai đẹp và khoẻ, không có nơi nào thích hợp hơn chính là Việt Nam, quê hương của loài hoa mùa Xuân này. Anh đã từng về Việt Nam để học hỏi từ những người trồng Mai ở quê nhà. Anh ghi nhận tất cả kiến thức để am tường đời sống của thực vật, vì “mỗi cây có đời sống khác nhau.” Không chỉ Việt Nam, ông chủ của vườn Mai Vàng Florida chủ động tìm đến nước Nhật, xứ sở của hoa anh đào, nơi có những bậc thầy về cây kiểng, để làm phong phú kiến thức của mình.

Nuôi trồng hàng chục ngàn cây mai để ra hoa đúng dịp Xuân về là điều không dễ dàng.(Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

$25,000, giá một cây mai đẹp nhất vườn

Anh Sang đưa chúng tôi đi thăm khuôn viên của khu vườn. Vào sâu bên trong, có cả hầu hết các loại cây ăn trái quen thuộc như khế, táo, chanh, tắt, ổi… Khoảng mười năm trở lại đây, theo nhu cầu của bà con đồng hương, anh trồng cả cây ăn trái, và theo anh nói, “tôi có tất cả, đủ các loại cây.”

Phần đất rộng phía sau là bốn, năm căn nhà “green house” dùng để ươm và chăm sóc hàng trăm cây mai nhỏ. Những chậu mai đủ kích cỡ và dáng vẻ, cánh hoa vàng rực, long lanh, nụ hoa to khoẻ, đã sẵn sàng khoe sắc trong nắng chớm Xuân.

Táo là một trong nhiều loại cây ăn trái trong vườn của anh Sang Bùi. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

“Số này là số còn lại thôi. Tuần vừa qua tôi đã giao khoảng 15 đến 20 ngàn cây mai đi khắp các tiểu bang ở Mỹ,” anh nói.

Vườn Mai Vàng Florida phong phú với nhiều loại Mai khác nhau như Cúc Mai, Mai Chiếu Thuỷ, mai truyền thống Việt Nam. Anh Sang đã tìm mua hạt giống các loại mai hoặc mua các cây nhỏ rồi ươm và ghép lại. Cứ thế, số lượng cây trong vườn của anh nhân lên theo thời gian.

“Với một vườn Mai lớn như thế, phấn của cây này theo cơn gió thụ phấn với cây khác, tự nó ra những loài mai ‘đột biến’ có màu sắc khác, cánh hoa khác. Mình lại lấy cây đó tiếp tục nhân giống ra.” Anh nói thêm về nguồn gốc của các loại mai “đột biến” trong vườn.

Nhà “green house” dùng để ươm và chăm sóc hàng trăm cây mai nhỏ. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Trước khi hẹn với ông chủ vườn Mai Vàng Florida, tôi tìm hiểu trên trang web của khu vườn, biết giá một cây mai trung bình là bao nhiêu. Nhưng giờ tận mắt nhìn thấy, tôi thắc mắc hỏi anh, cây mai đắt tiền nhất của khu vườn là bao nhiêu?

“$25,000. Một người Việt Nam đã mua cây Mai đó, nhưng anh ấy tặng lại cho tôi. Anh ấy nói ảnh quí mến những gì tôi đang làm và ảnh mong tôi tiếp tục duy trì văn hoá của người Việt Nam ở hải ngoại. Đặc biệt, sau đó ảnh ủng hộ tôi thêm $5,000”.

Anh Sang trả lời với nụ cười thật hạnh phúc, và nói thêm cây Mai đó hiện được trồng trong khu vườn thứ hai của anh, rộng khoảng 80 acres (khoảng 323,000 m2).

Trong suốt buổi trò chuyện và thăm khu vườn, có một người phụ nữ luôn bận rộn với các loại đất, chất dinh dưỡng cho cây. Chị mải mê tạo dáng những cây kiểng rồi đặt vào chậu. Đó là chị Hồng, bà chủ của vườn Mai Vàng Florida, vợ anh Sang Bùi.

Chúng tôi nói với vợ chồng anh: “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ.” Chị cười e thẹn, nói: “Thôi, nhường thành công đó cho ảnh được rồi.”

Một trong những căn “green-house” để ươm trồng Mai. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Mặt trời lên cao. Nắng chói chang đổ vàng trên mặt đường. Nhưng lối đi trong khu vườn lại mát rượi, không khí trong lành, dễ chịu.

Chào tạm biệt chúng tôi, vợ chồng anh Sang Bùi trở lại bên công việc quen thuộc của mình, với lời hứa: “Dịp sau tôi sẽ gửi tặng độc giả Người Việt một bài vọng cổ nhé. Hôm nay giọng không tốt lắm.”

Nét mặt an nhiên, nụ cười sảng khoái của người chủ Vườn Mai Vàng Florida đã chứng minh cho lời anh nói: “Trồng cây, chơi hoa, làm bạn với cây cỏ cho mình một tinh thần rất phấn chấn, yêu đời.”

Theo NV


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.